Chuyện tình của một nữ thiếu tá tình báo giữa sào huyệt Sài Gòn

( PHUNUTODAY ) - Những cảnh sát ấy đâu có ngờ người phụ nữ bán hàng rong vừa cự cãi với họ đang “mang” quân hàm cao hơn họ rất nhiều, đến cấp bậc đại úy, mà là đại úy tình báo – Quân đội nhân dân Việt Nam.

(Phunutoday) - Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, có một vấn đề mà những nhà chiến lược Việt Nam không thể không quan tâm tới, đó là liệu Mỹ có sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường Việt Nam khi Sài Gòn sắp thất thủ. Một báo cáo của cụm tình báo D36 từ sào huyệt Sài Gòn đã gửi ra R có nội dung: không có khả năng Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Việt Nam…

Nguồn tin đó từ nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, còn người chịu trách nhiệm chuyển thông tin đó ra chiến khu là nữ điệp báo Nguyễn Thị Ba, một đồng đội thân tín nhất của ông. Để hoàn thành nhiệm vụ của một nữ sĩ quan tình báo giữa sào huyệt Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Ba gần như đã phải hi sinh cuộc đời riêng. Từ ngày bà lập gia đình (năm 1940) cho tới ngày miền Nam giải phóng, suốt 35 năm cuộc sống chồng vợ, bà chỉ sống bên chồng được tổng cộng khoảng 35 ngày. Cuộc chia ly của vợ chồng bà thuộc loại dài nhất trong cuộc chiến, không phải 21 năm (từ 1954 đến năm 1975) như bao người, mà đến 23 năm… 

Nữ sĩ quan tình báo trên đường phố

Một ngày cuối năm con gà 1969 trên đường phố Sài Gòn có một vụ cự cãi giữa một phụ nữ mua gánh bán bưng với mấy cảnh sát. Cảnh sát đuổi những người bán hàng rong khỏi khu vực mà họ cho là cần ổn định trật tự. Người phụ nữ rủ những bà con cùng cảnh ngộ phản đối cảnh sát ức hiếp dân. Thấy mấy bà buôn bán làm dữ, nhóm cảnh sát bỏ sang khu vực khác sau khi dọa dẫm và chửi thề. Những cảnh sát ấy (người có cấp bậc cao nhất là thượng sĩ) đâu có ngờ người phụ nữ bán hàng rong vừa cự cãi với họ đang “mang” quân hàm cao hơn họ rất nhiều, đến cấp bậc đại úy, mà là đại úy tình báo – Quân đội nhân dân Việt Nam.

Và họ cũng không thể hình dung cái mâm đồ trang sức bằng vàng giả rẻ tiền của bà mà họ đòi hất đổ khi nãy đang chờ đợi tiếp nhận những thông tin tối mật về kế hoạch chiến dịch Lam Sơn – Đường 9 Nam Lào diễn ra sau đó mấy tháng. Và khi chính quyền Sài Gòn và các quan thầy cố vấn Mỹ, ngoài miệng thì rêu rao về thành công của chiến dịch Lam Sơn, mà trong bụng thì đau như xé ruột vì kế hoạch chiến dịch đã bị đối phương nắm trước, thì người phụ nữ ấy vẫn tảo tần bán bưng trên khắp nẽo Sài Gòn.

Sở dĩ lần ấy người phụ nữ không nhường nhịn mấy “thầy” cảnh sát cho êm chuyện, một phần là vì tính của bà (mà cũng là phương pháp bà hoạt động trong lòng địch) không bao giờ tỏ ra sợ sệt hay tránh né đối phương, phần vì với tư cách trạm liên lạc di động, vào thời điểm ấy bà buộc phải có mặt ở vị trí đó để duy trì đường dây và để tiếp nhận những thông tin khẩn cấp. Giữa sào huyệt của chính quyền Sài Gòn khi ấy có một nhóm các nhà tình báo chiến lược của ta đang hoạt động hiệu quả, mà người phụ nữ ấy là chiếc cầu nối duy nhất giữa nhà tình báo chiến lược Nguyễn Văn Trung (tự Phạm Xuân An – thiếu tướng tình báo, anh hùng LLVT) với hậu phương.

f
Thiếu tá tình báo Nguyễn Thị Ba.

Hôm ấy, sau khi mấy cảnh sát bị mấy người buôn bán làm dữ phải bỏ đi, bà không phải đợi lâu, ông Phạm Xuân An đường hoàng xuất hiện trên chiếc xe con bóng loáng, và cũng đường hoàng gặp trò chuyện với bà. Ông cho biết sở dĩ ông đến trễ là vì ông vừa được tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ lại nói chuyện hơi lâu. Chỉ qua mấy phút ngắn ngủi trò chuyện vu vơ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa ông An và người phụ nữ đã trao đổi xong những thông tin, những tài liệu cần trao mà với cặp mắt bình thường không ai có thể nhận ra.

Cái nghề tình báo tưởng như tuyệt đối bí mật ấy lại được những người trong cuộc biến hóa sáng tạo thành công khai, mang dáng vẻ đời thường, và có lẽ chính yếu tố bất ngờ đó đã giúp họ suốt 15 năm thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm và quan trọng ngay trước mắt đối phương mà hầu như chưa có lần nào rơi vào tình thế hiểm nghèo. Việc lựa chọn bà vào nhiệm vụ đặc biệt ấy diễn ra vào năm 1961 sau quá trình sàng lọc khắc khe của D36 (cụm tình báo giữa Sài Gòn) và của chính ông An. Chính sự từng trải, chín chắn, lanh lẹ và lòng trung thành tuyệt đối của bà đã giúp ông An và tổ chức lựa chọn bà trong số gần 10 người được giới thiệu vào nhiệm vụ khó khăn này.

Suốt 15 năm sau đó, thực tế đã cho thấy ông An và tổ chức đã có cặp mắt tinh tường. Hay nói đúng hơn đã có sự may mắn khi nhiệm vụ đặc biệt của cách mạng lúc ấy đã tìm ra người đảm nhận là bà – người mà cuộc đời 25 năm phong phú và dữ dội trước đó đã rèn dũa nên những tố chất tuyệt vời cho một sĩ quan tình báo trong lòng địch.

Từ cô thôn nữ trở thành sĩ quan tình báo
 
Bà tên thật là Nguyễn Thị Ba, trong cuộc đời hoạt động còn có nhiều biệt danh khác như Nguyễn Thị Mai, Mỹ Lệ, Chị Năm, D3..., sinh ra ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An. Bà ra đời cùng năm với Cách mạng tháng Mười. Những làn gió mới trong lành đã thổi lan tới vùng quê heo hút ngột ngạt của bà, cô gái quê 18 tuổi đã tắm mình trong nắng gió mới, năm 1936 bà được kết nạp Đảng và tham gia thành lập chi bộ đầu tiên ở Hựu Thạnh. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, bà cùng các đồng chí ở Đức Hòa tổ chức cướp Chính quyền ở một số nơi, bắt Quản Nên đền tội. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã sớm bị dìm trong biển máu, nhiều đồng chí của bà bị bắt và bị giết.

Anh ruột của bà (ông Trần Trung Tam, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn) cùng với chồng bà bị bắt và bị đày đi côn đảo. Giặc Pháp lùng bố gắt gao, bà phải lánh khỏi địa phương, bắt liên lạc với ông Trần Văn Giàu trong xứ ủy Nam Kỳ, được giao nhiệm vụ đi các tỉnh để gầy dựng lại cơ sở. Cách mạng tháng Tám nổ ra, bà có mặt ở Sài Gòn trong những ngày hào hùng đó. Tận hưởng cuộc sống độc lập chưa đầy tháng, bà lại cùng đồng chí đồng bào bước vào cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ. Là Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ Sài Gòn – Gia Định, bà được giao nhiệm vụ vận động thanh niên đô thành lên đường kháng chiến và tổ chức phát hành tờ báo “Chống xâm lăng” (in trong chiến khu, phát hành chủ yếu ở Sài Gòn).

Năm 1948 bà được điều chuyển về Hội phụ nữ tỉnh Long An (khi đó tên là Tân An) nơi chồng bà đang là phó bí thư Tỉnh ủy. Năm 1952 bà lại chuyển vùng về Rạch Gía, thôi làm công tác phụ nữ, chuyển sang làm công tác mật, cái cơ duyên để bà trở thành một nữ sĩ quan tình báo sau này. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, bà có tên trong danh sách tập kết ra Bắc, nhưng cuối cùng đã được tổ chức cài cắm ở lại. Lúc ấy người đi kẻ ở động viên nhau bằng câu hát “Đi vinh quang mà ở cũng vinh quang”, hẹn 2 năm sau sẽ gặp lại … Sau đó bà về địa bàn Cà Mau làm việc với với một đồng chí thân thiết là bà Bảy Huệ (vợ của ông Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng bí thư Đảng CSVN), được bà bảy Huệ giới thiệu ông Mười Hương, người phụ trách tình báo của lực lượng cách mạng ở miền Nam.

Bà Ba được dự một lớp học đặc biệt ở Đất Mũi do chính ông Mười Hương hướng dẫn. Bà tiếp tục được thử thách với những chuyến công tác mật giữa Cà Mau và Sài Gòn, đường xa hun hút với bao nhiêu là cạm bẫy rình rập. Năm 1958 bà chuyển về Châu Đốc - Hồng Ngự để dự một lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về tình báo trước khi bà được tung về Sài Gòn với bí số B3.

Hi sinh hạnh phúc riêng vì công tác tình báo

Người phụ nữ đi tham gia kháng chiến bao giờ cũng chịu nhiều hi sinh về tình riêng. Người phụ nữ làm công tác tình báo giữa sào huyệt của đối phương, càng chịu hi sinh hạnh phúc riêng tư nhiều hơn. Có thể nói cuộc đời nữ sĩ quan tình báo Nguyễn Thị Ba là điển hình của hi sinh tình riêng vì đất nước, của chia ly cách trở trong một giai đoạn bi thương mà hào hùng của đất nước.

Bà và ông Trần Văn Phước gặp nhau trên đường đấu tranh và thành vợ thành chồng cuối năm 1940. Từ đó cho tới ngày miền Nam giải phóng, suốt 35 năm trên danh nghĩa chồng vợ nhưng thời gian ông và bà ở bên nhau tổng cộng chỉ khoảng 30 – 40 ngày. Sau ngày cưới ít tuần, ông và bà phải lẫn tránh sự truy lùng của giặc Pháp sau cuộc chính biến Khởi nghĩa Nam kỳ, rồi ông Phước bị giặc Pháp bắt và bị đày đi Côn Đảo (cùng với anh ruột của bà).

Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Tôn cùng mấy ngàn tù Côn Đảo được đón về đất liền. Bà Ba đã có phút giây sung sướng tột cùng trên bến cảng Ba Son buổi sáng hôm ấy, khi lẫn trong đoàn người ốm đói mà rạng rỡ, bà nhận ra 2 gương mặt người thân là chồng và anh ruột cứ ngỡ đã bỏ thây ngoài hải đảo. Nhưng chỉ sống bên nhau được có mấy ngày, tiếng súng Nam Bộ kháng chiến đã nổ sau những gây hấn của giặc Pháp, chiến trường lại tiếp tục chia cắt đôi vợ chồng vừa mới sum vầy sau bốn năm biệt ly. Họ chỉ thật sự có những ngày sống hạnh phúc bên nhau, mà là hạnh phúc trên con đường kháng chiến, khi bà từ Sài Gòn chuyển về Tân An cùng địa bàn công tác với ông từ năm 1948. Hai đứa con, một gái một trai, đã ra đời trong khoảng thời gian gần nhau ngắn ngủi đó.

Đầu năm 1951 ông Phước chuyển về Long - Châu - Sa, hai vợ chồng lại phải chia cắt nhau. Khi ông vượt Trường Sơn ra chiến khu Việt Bắc vào năm 1952 để học đợt chỉnh huấn Đảng, họ không thể ngờ, đó là cuộc chia ly chồng Bắc vợ Nam thuộc loại dài nhất trong lịch sử cuộc chiến, không phải 21 năm như bao cặp vợ chồng khác, mà đến 23 năm. Nhưng bà không chỉ gánh chịu cảnh xa cách chồng, nỗi đau chia cách 2 đứa con nhỏ dại mới quặn thắt, dằn vặt bà nhiều ngày nhiều tháng.

Năm 1954 bà đứng trước sự chọn lựa không dễ dàng, nếu chấp nhận lên tàu tập kết ra Bắc thì bà sẽ sum họp với chồng, nhưng phải xa con. Trái tim bao la của người mẹ đã đưa bà đến sự lựa chọn ngược lại - ở lại miền Nam làm công tác đặc biệt, như thế bà sẽ có điều kiện gần gũi 2 đứa con thơ. Thế nhưng, dù ở lại bà vẫn phải chịu cảnh chia cách các con.

Cuối năm 1954 bà phải gửi 2 con cho người chị chồng để về chiến trường Cà Mau xa xôi. Mỗi tháng năm ba lần bà đi công tác mật giữa Cà Mau và Sài Gòn. Con đường mấy trăm cây số bị hư hỏng nặng trong chiến tranh như vắt kiệt sức lực của người phụ nữ ốm yếu. Mỗi lần xe chạy ngang Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), nơi có 2 thiên thần bé bổng của bà đang vui đùa đâu đó dưới tàng cây xa xa, bà cố kềm giữ để nước mắt cho chảy ngược vào tim.

r
Lãnh đạo tỉnh Long An trao huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho bà Ba.

Có một lần, bà đã mạo hiểm bí mật ghé nhà thăm các con. Khi mấy mẹ con đang quấn quít bên nhau trên bờ dừa phía sau nhà (bà không dám gặp con trong nhà để đề phòng nguy hiểm), bất ngờ đối phương đánh hơi được và ập vô nhà. Nghe động, bà đành bỏ lại 2 con nhỏ trên bờ dừa, nhưng không đành thoát đi ngay vì bốn phía là ao sâu nguy hiểm đối với các con. Bà phải ẩn mình ở một khoảng cách vừa phải, để khi các con nhỏ có vì quá hoảng sợ mà té xuống ao, bà còn có thể can thiệp, rồi ra sao thì ra. Nhưng chuyện tệ hại ấy đã không đến, người nhà của bà đã kịp lao ra ôm các đứa bé khi chúng khóc thét lên vì bất ngờ mất mẹ. Còn đối phương thì bắn hú họa về phía lùm cây nơi bà vừa ẩn mình thoát đi trở về chiến khu. Khi các con đến tuổi 14 – 15, bà móc nối để đưa con vào chiến khu, rồi đi học ở miền Bắc.

Chồng con bà đã có cuộc hội ngộ cảm động giữa lòng thủ đô Hà Nội, trong khi bà vẫn còn “ẩn mình” trong một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt trong hang ổ kẻ thù. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong hàng triệu gia đình đón cảnh hạnh phúc sum vầy, tôi tin gia đình bà là hạnh phúc nhất, không chỉ chấm dứt cuộc chia ly 23 năm giữa vợ chồng con cái. Ít lâu sau bà được tuyên dương Anh hùng LLVT ngay đợt đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước và được thăng quân hàm thiếu tá.

Nhà báo Mỹ và điệp viên B3

Ông Phạm Xuân Ẩn đã nói về bà: “Không thể nhớ hết đã bao lần bà mang theo người những tài liệu tối mật có ảnh hưởng đến cục diện toàn miền Nam, nhưng chưa bao giờ bà không hoàn thành nhiệm vụ, cũng chưa bao giờ bà bị chúng nghi ngờ theo dõi giữa nơi đô thành dày đặc cảnh sát và chỉ điểm, trong lúc rất nhiều cơ sở bị bể”.

Ông Ẩn nhỏ hơn bà 10 tuổi, được tuyên dương anh hùng cùng đợt với bà. Mười lăm năm gắn bó, sinh mệnh hai người gắn chặt với nhau và với sinh mệnh của cả cụm tình báo giữa Sài Gòn. Bà và ông An đã thuộc lòng những cử chỉ, ánh mắt, những ẩn dụ trong lời nói để có thể chỉ qua một câu chuyện vu vơ là giữa 2 người đã trao đổi xong bao thông tin bí mật. Nhà tình báo chiến lược đã tạo được vỏ bọc khá chắc chắn với vị trí một phóng viên thường trú của tờ thời báo Times đầy thế lực ở Mỹ. Nhà báo phong lưu lịch lãm ấy có thể tiếp xúc với bất kỳ nhân vật nào ở Sài Gòn, những bài viết của ông có giá trị tham khảo đối với chính quyền Mỹ về sách lược ở Sài Gòn. Người tình báo chiến lược ấy hầu như chỉ có khả năng duy nhất bị lộ diện là từ người cộng sự - đại úy B3.

Ngay từ năm 1961 ông An đã dàn xếp những lý lẽ để công khai hóa sự gặp gỡ của một phóng viên sang trọng với một phụ nữ bán hàng rong - một vụ tai nạn xe hơi mà người lái là ông An và nạn nhân là bà. Một nhà báo giàu sang thỉnh thoảng ghé thăm nạn nhân của mình là điều mà các cặp mắt dò xét có thể bị đánh lừa. Còn nữ điệp viên B3 (bí số của bà) cũng có cách tạo vỏ bọc cho mình, đôi khi khá táo bạo và thông minh, như bà đã từng làm người ở cho gia đình của một trung tá Sài Gòn.

 Đối với bà, mỗi ngày trôi qua, mỗi chuyến đi, mỗi điệp vụ đều có nhiều phương án đặt ra sau khi đã điều nghiên kỹ càng đối phương. Trong các phương án đó không hề có tình huống nào để lộ cơ sở, đặc biệt là ông An, phương án bắt đắc dĩ cuối cùng là hiên ngang chấp nhận cái chết để giữ tròn khí tiết. Sự từng trải trong lòng địch đã tạo cho bà phong cách hoạt động riêng, bà không hề né tránh hay tỏ ra sợ sệt với địch, mà luôn chủ động tiếp cận để xóa sự dò xét nếu có.

Một lần đang ở điểm hẹn, thấy có dấu hiệu bị theo dõi, bà chủ động lân la đến làm quen với mấy “thầy” cảnh sát, vừa để xóa sự dò xét, vừa để cơ sở biết động mà rút lui. Hồi họp nhất có lẽ là lần trong vai người đi bán nem, trong một số chiếc nem là phim ảnh mà vì tính cấp bách ông An phải chuyển ra rừng. Dù đã điều nghiên kỹ đường đi, nhưng khi bị cảnh sát chặn xe lại bà đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất. Nhưng họ chỉ là mấy “thầy” gà mờ bóc ăn thử mấy chiếc nem, bà thở phào cho họ luôn cả chùm nem vì “Mấy thầy bứt lẽ như vầy làm sao bán được”.

Mùa xuân năm Mậu Thân, Sài Gòn ngập tràn khói lửa, trong khi mọi người phải lánh trong nhà thì bà tất tả đi khắp nơi để đường dây không bị tắc vì nhiều cơ sở đã bị bể, rồi căn nhà mà bà đang ở thuê cũng bị cháy rụi … Thỉnh thoảng qua mật báo bà cũng nhận được những tin vui: tin chiến thắng có phần đóng góp của bà; tin đơn vị D36 được phong danh hiệu anh hùng; tin bà được thăng quân hàm Trung úy, rồi Đại úy; tin chồng bà vẫn khỏe mạnh và gặp con ở Hà Nội; … Những lúc như thế, bà xếp gánh hàng, tìm một nơi thanh vắng, ngồi ngắm nhìn bầu trời xanh mà nghe cảm giác hạnh phúc dâng tràn.

Những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn thông tin 2 chiều càng dồn dập. Đối phương bỏ Tây Nguyên, quân đội Sài Gòn rút như cuốn chiếu khỏi miền Trung, rồi Sài Gòn được giải phóng một cách vẹn nguyên, tất cả những điều đó không hề ngẫu nhiên, mà được những nhà lãnh đạo của ta vạch sẵn trên cơ sở phân tích những tin tức tình báo chính xác từ trong sào huyệt Sài Gòn.

Cùng với những người trong cuộc, ông An và bà đã biết chắc cái kết cục 30/4/1975 trước đó nhiều tháng.. Chiều ngày 30/4 bà kêu taxi đi khắp Sài Gòn để nhìn Thành phố rạng rỡ đón hòa bình, đó là chuyến đi đầu tiên sau mấy chục năm bà không lên phương án đối phó với nguy hiểm, cũng là lần đi taxi đầu tiên trong đời, vì nguyên tắc hoạt động bí mật không cho phép bà đi taxi, vì bị động hơn là đi xe buýt.



Sau ngày chiến thắng bà tiếp tục công tác mấy năm rồi về nghỉ hưu. Ông Ẩn làm công tác đào tạo đội ngũ sĩ quan an ninh kế thừa và được phong tướng. Chúng ta thử hình dung câu chuyện theo một hướng khác như sau.

Ông Ẩn rời Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975 đến nước Mỹ tiếp tục làm nhà tình báo chiến lược thời kỳ hậu chiến, còn bà cũng được ông Ẩn thu xếp “di tản” đến một tiểu bang nào đó của Hoa Kỳ để trợ giúp ông thực hiện sứ mạng thiêng liêng là cung cấp cho đất nước những âm mưu, kế hoạch chống phá của đối phương ngay từ khi còn trong trứng nước. Chừng mười, mười lăm năm sau, khi tình hình an ninh quốc gia đã cơ bản ổn định, ông Ẩn và bà cũng đã lớn tuổi, Tổ chức thu xếp đón họ trở về quê hương.

Phương án đó không phải do đầu óc lãng mạn của người viết nghĩ ra, mà đã từng được các nhà lãnh đạo ngành an ninh quốc gia tính đến trong những ngày cuối của cuộc chiến. Bước chuẩn bị cho kế hoạch ấy là sự “di tản” đi Mỹ của vợ con ông Ẩn theo diện bảo lảnh của thời báo Times (tờ báo ông Ẩn làm việc) trước ngày giải phóng Sài Gòn.

Theo nhiều nhười trong cuộc, nếu ông Ẩn tiếp tục làm nhà tình báo chiến lược ở nước ngoài sẽ có ích cho đất nước nhiều hơn là sớm hạ màn vai trò tình báo của ông ngay sau khi chiến thắng. Theo các ông Mười Hương và Mai Chí Thọ, những nhà lãnh đạo an ninh quốc gia khi ấy, thì tổ chức đã cân nhắc rất nhiều khả năng đưa mạng lưới tình báo của ông Ẩn ra nước ngoài, nhưng cuối cùng đã chọn phương án ở lại. Lý do là ông Ẩn cũng rất cần thiết cho công tác đào tạo lực lượng kế thừa. Nhưng tôi nghĩ có thể còn là do những nhà lãnh đạo không nở đặt cấp dưới của mình vào hoàn cảnh phải hi sinh cống hiến đến tận cùng hạnh phúc riêng tư, mặc dù nếu phải ra đi thì những người như ông Ẩn, như bà hẳn đã chấp hành vô điều kiện vì nền độc lập lâu bền của đất nước. Vậy là ông Ẩn đã ở lại trong sự sững sờ của giới báo chí thế giới và người bạn Nguyễn Cao Kỳ. Một thời gian sau vợ con ông Ẩn được thu xếp hồi hương trở về Sài Gòn với ông.

Người nữ anh hùng, thiếu tá tình báo đang hướng đến tuổi 100. Bà đang sống với con trai ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa quê ông, trong một xóm nhỏ có đường dale xe 2 bánh có thể chạy vào. Trong phòng khách nhà bà, bên cạnh những hình ảnh, những huân chương, tôi đặc biệt chú ý đến một tấm ảnh chụp người phụ nữ với 2 đứa trẻ thơ, mà tôi dễ dàng đoán ra đó là bà và 2 con lúc còn nhỏ.

 Tấm hình đó rất quý đối với gia đình bà, tôi nghĩ nó cũng có giá trị khi được đặt trong một bảo tàng lịch sử nào đó, bởi ý nghĩa và tính khái quát về một giai đoạn lịch sử bi tráng của đất nước. Tấm hình bà chụp vội vàng để ông mang theo trong hành trang lên đường ra Việt Bắc  năm 1952. Tấm hình đó là sợi dây nối tình chồng nghĩa vợ, tình cha con trong cảnh Bắc Nam chia cắt suốt 23 năm. Tấm hình đó đã trở về Nam trong ngày vui đại thắng. Tôi tiếc là không còn thấy được cái mâm đựng đồ trang sức rẻ tiền bà dùng làm phương tiện mua bán và hoạt động tình báo suốt mười mấy năm trên mọi nẻo đường Sài Gòn, để chúng ta có được một nữ thiếu tá tình báo, một anh hùng LLVT.

Nguyễn Phấn Đấu
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn