Cuộc đời xanh tươi của "người phụ nữ Cây"

( PHUNUTODAY ) - Ngày 25 tháng 9 năm 2011, khi Tiến sĩ Wangari Muta Maathai qua đời tại một bệnh viện ở Thủ đô Nairobi của Kenya sau một quá trình chiến đấu lâu dài với căn bệnh ung thư, triệu triệu người dân ở lục địa đen và khắp nơi trên thế giới đã thầm vĩnh biệt bà với niềm thương tiếc.

(Phunutoday) - Ngày 25 tháng 9 năm 2011, khi Tiến sĩ Wangari Muta Maathai qua đời tại một bệnh viện ở Thủ đô Nairobi của Kenya sau một quá trình chiến đấu lâu dài với căn bệnh ung thư, triệu triệu người dân ở lục địa đen và khắp nơi trên thế giới đã thầm vĩnh biệt bà với niềm thương tiếc. Cuộc đời của Maathai chính là tấm gương sáng cho những người phụ nữ sinh ra, lớn lên ở những đất nước nghèo khổ và lạc hậu nhưng luôn khao khát được vươn lên để cống hiến cho quê hương và nhân loại.
   

Năm 1977, Maathai lập ra tổ chức Vành đai xanh, một tổ chức môi trường phi chính phủ với mong ước trồng cây xanh khắp lục địa châu Phi.
Maathai sinh ra tại làng Ihithe, huyện Nyeri, vùng cao nguyên Trung bộ của Kenya lúc đó còn là thuộc địa của Anh- vào ngày 01 tháng 4 năm 1940. Tuổi thơ của cô đã phải di chuyển nhiều nơi theo công việc của người cha, và cô đã nếm trải đủ những thiệt thòi trong chặng đường học tập thời thơ ấu bởi cô là người dân của một nước thuộc địa, hơn nữa lại là một bé gái. Nhưng Maathai là một cô bé giàu ý chí, đã không ngừng vươn lên với niềm tin rằng cơ hội sẽ đến với những ai luôn cố gắng.
 
Maathai thường xuyên dẫn đầu trong các lớp học, cấp học mà cô tham gia. Và cuối cùng cơ hội thực sự đã đến với cô chính vào lúc quê hương Kenya sắp kết thúc thời kỳ thuộc địa. Năm 1960, khi cô đang lên kế hoạch đi học ở Đại học Đông Phi tại Uganda thì một chương trình do Mỹ tài trợ lựa chọn khoảng 300 người Kenya để đi học tại các trường đại học của Mỹ. Và Maathai trở thành một trong số 300 người đó.
   
Từ đó Maathai bắt đầu hành trình học tập của mình. Cô tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, rồi lại tiếp tục theo đuổi chương trình cao học để lấy được tấm bằng thạc sĩ sinh học. Chính trong thời gian này, Maathai bắt đầu làm quen với hoạt động của những người bảo vệ môi trường. Sau khi học cao học, cô được bổ nhiệm chức trợ lý nghiên cứu tại Trường Đại học Nairôbi, nhưng khi trở về, cô lại được thông báo rằng vị trí đó của cô đã được thay thế bởi một người khác.
 
Lý do chính, tuy không được nói ra một cách công khai, nhưng mọi người đều hiểu đó là vì cô là một phụ nữ! Không nản lòng, người phụ nữ mang tên Maathai lại tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác. Tận hai tháng sau cô mới tìm được công việc mới tại khoa Giải phẫu thú y mới được thành lập. Đồng thời, cô cũng mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ và làm việc tại đó với các chị em của mình để trang trải cho cuộc sống.
   
Năm 1967, sau nhiều cố gắng, Maathai tiếp tục theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đức. Và sau đó, khi hoàn thành chương trình học này, Maathai đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên ở Đông và Trung Phi có học vị tiến sĩ! Đây là câu trả lời thích đáng cho tất cả những thiệt thòi mà Maathai phải gánh chịu suốt bao năm tháng chỉ vì bà là một người phụ nữ châu Phi.
   
Từ đó, với ý chí kiên cường và sự cố gắng học hỏi không ngừng nghỉ, Maathai đã có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước, và được vinh danh bởi nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Maathai là người đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Keyna trong những năm 1970. Năm 1977 bà lập ra Phong trào Vành đai Xanh vào năm 1977, với mục đích hoạt động bảo vệ môi trường.
 
Tiến sĩ Wangari Muta Maathai
Bà cũng là một thành viên của Nghị viện và đã từng là trợ lý của Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường trong chính phủ của tổng thống Mwai Kibaki từ giữa tháng giêng năm 2003 đến tháng 11 năm 2005. Phát biểu tại lễ trao giải Nobel, bà đã nói: “Tôi hy vọng thành công này sẽ khuyến khích những phụ nữ khác cố gắng hơn để có một vai trò chủ động trong xã hội. Tôi cũng mong rằng họ sẽ mạnh dạn bày tỏ quan điểm và giữ nhiều vị trí lãnh đạo”.
   
Năm 2004, với Giải Nobel Hòa bình vì công việc trồng lại rừng ở Kenya. Maathai trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên, người Kenya đầu tiên và nhà hoạt động vì môi trường đầu tiên nhận được vinh dự này. Ba điều "đầu tiên" đó cùng với học vị tiến sĩ đầu tiên mà một phụ nữ Đông Trung Phi giành được đủ khiến cho người ta nhớ đến Maathai như một nữ anh hùng của những điều "đầu tiên".
   
Dành trọn cuộc đời để trồng cây xanh trên khắp lục địa đen
   
Thật khó để nhớ hết những chức vụ mà Maathai đã từng đảm nhiệm, những giải thưởng quốc tế danh giá mà bà đã từng đạt được, nhưng cũng thật dễ dàng để ghi lại hình ảnh của bà trong tâm trí, bởi nhắc đến bà, bất cứ một người dân bình thường nào của Kenya cũng có thể nói cho bạn biết, bà là người có một mơ ước vĩ đại: phủ cây xanh trên khắp lục địa đen, và không chỉ dừng lại ở ước mơ, bà đã dành trọn cuộc đời để biến ước mơ đó thành hiện thực.
     
Quê hương Kenya của Maathai là một quốc gia thuộc miền Đông châu Phi. Kenya ngày nay phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường như ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và sự phát triển của đô thị, do thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đã bị lạm dụng một cách quá đáng, rồi việc đất bị xói mòn, bị sa mạc hóa, nạn chặt phá rừng và săn bắn thú rừng trái phép. Và những vấn đề đó không chỉ của riêng Kenya mà còn là của phần lớn các nước châu Phi.
   
Năm 1977, Maathai lập ra tổ chức Vành đai xanh, một tổ chức môi trường phi chính phủ với mong ước trồng cây xanh khắp lục địa châu Phi. Công việc của bà gặp phải không ít khó khăn, nhất là ở một châu lục mà nạn đói nghèo, phân biệt giới tính và sắc tộc còn hết sức nặng nề. Những điều đó khiến cho các quốc gia, các chính khách và cả những người dân bình thường khó có thể đặt việc trồng cây mà Maathai kêu gọi lên ưu tiên hàng đầu được.
 
 
Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngay trước khi bà qua đời, Maathai còn lập nên những nhóm vì môi trường và phát động một số chiến dịch về biến đổi khí hậu. Không chỉ giới hạn ở Kenya, bà còn tham gia vào những nỗ lực cứu rừng ở Congo, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới.
 
   
Cuộc sống riêng nhiều trắc trở của nữ anh hùng châu Phi
   
Được coi như nữ anh hùng châu Phi, tuy nhiên nữ anh hùng cũng có những vấn đề khó khăn trong cuộc sống riêng như những người phụ nữ khác trên toàn thế giới.
   
Những hoạt động vì môi trường của Maathai đi liền với sự dấn thân ngày càng sâu của bà vào phong trào bình đẳng nam nữ. Bà từng đảm nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia phụ nữ Kenya. Thực ra, chính cuộc đời của bà đã là một thành tích đáng tự hào của phụ nữ Kenya nói riêng và phụ nữ châu Phi nói chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Song có lẽ, chính một phần bởi thế mà cuộc sống gia đình của bà không được toàn vẹn.
   
Năm 1966, trong thời gian đang làm việc tại trường Đại học Nairobi và chuẩn bị đi Đức học tiến sĩ, bà làm quen và yêu Mwangi Mathai - một người đàn ông Kenya đã từng học và làm việc tại Mỹ. Cuộc hôn nhân đến với họ sau đó đã mang lại cho bà ba đứa con. Đến năm 1977, bà và chồng đã sống ly thân. Đến năm 1980, chồng bà đề nghị ly dị bởi theo lời ông, bà là người phụ nữ quá mạnh mẽ, quá cứng cỏi, và ông không thể kiểm soát được bà.
 
Sau một thời gian khá dài, quan tòa lúc đó đã chấp nhận lý do này, và xử cho hai người ly hôn. Do công việc của Maathai lúc bấy giờ đòi hỏi bà phải đi khắp các nước châu Phi nên các con bà sống với bố đến năm 1985. Sau đó, Maathai sống cùng với ba người con và một cô cháu gái cho đến tận khi bà qua đời bởi căn bệnh ung thư.
 
Maathai đã trải qua trên thế giới này sẽ còn được ghi dấu mãi trong những rặng cây xanh mà bà đã góp sức trồng khắp châu Phi, và tất nhiên, trong lòng những người yêu thương và hâm mộ bà.
 
  • Hồng Hà   
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn