Nguyễn Lương Bằng– “Anh cả Sao Đỏ” của Cách mạng (Kỳ 2)

( PHUNUTODAY ) - Do ảnh hưởng bởi tính cách giản dị, liêm khiết, trong sạch của chồng, nên sau khi Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng qua đời, phu nhân của ông – bà Thục Trinh đã sống theo tinh thần của ông đến hết đời.

(Phunutoday) - Khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ và trở về Hà Nội sinh sống, với cương vị của mình, Nguyễn Lương Bằng có thể chọn một căn biệt thự công vụ lớn hơn, ở một nơi phố xá sầm uất hơn của Hà Nội, bên cạnh gia đình nhiều lãnh đạo khác, nhưng ông lại chọn căn biệt thự số 5 Thiền Quang – một căn biệt thự nhỏ xây ở một con đường vốn được cho là khá heo hút thời đó (chứ không đẹp và thơ mộng như phố Thiền Quang bây giờ).

[links()]

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và 2 con
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và 2 con

Sở dĩ ông chọn căn biệt thự này, vì căn biệt thự này chính là một trong 9 căn biệt thự mà ông, với những sáng kiến của mình, với công sức lao động mồ hôi nước mắt thực sự, đã mua được cho Đảng, trở thành nhà công vụ của các lãnh đạo Đảng sau này.

Chị Nguyễn Việt Liên, con gái cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng kể rằng, thời làm Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Lương Bằng vẫn giữ tác phong, lối sống giản dị như thế. Ông đi đến Phủ chủ tịch làm việc bằng xe đạp mỗi sáng, chỉ khi cần đi đâu mới yêu cầu xe ô tô công vụ đưa đi từ Phủ Chủ tịch.

Ngày đó, Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt, những người con của Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng được đưa đi sơ tán xa. Cứ cuối tuần, vợ chồng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại thay nhau đi lên nơi sơ tán thăm và tiếp tế cho các con.

Thời đó, với cương vị Phó Chủ tịch nước, ông hoàn toàn có thể yêu cầu lái xe của Phủ Chủ tịch đưa đi. Nhưng ông không làm thế. Cứ buổi sáng cuối tuần, ông ra bến xe khách bắt xe lên nơi sơ tán thăm con. Ông ăn mặc giản dị, tác phong giản dị, nói chuyện với bà con đi xe khách trên xe như một người khách bình thường.

Không một ai nhận ra ông là Phó Chủ tịch nước đương nhiệm trong rất nhiều chuyến xe dịp cuối tuần đó, cho đến một lần người phụ xe ngờ ngợ thấy ông trông rất giống với tấm hình chụp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên báo.

Đến lúc này những hành khách trên xe mới bất ngờ thảng thốt. Không ai tin một Phó Chủ tịch nước lẽ ra đi đâu cũng có xe đưa xe đón, lại sẵn lòng ngồi trên một chuyến xe đông đúc, chật chội người chen lấn để đi thăm con gái. Chuyện này đã được một nhà báo nghe lại và kể lại trên báo.

Khi chuyện đến tai cán bộ, nhân viên làm ở Phủ Chủ tịch, nhân viên dưới quyền mới hốt hoảng hỏi ông tại sao không bảo lái xe đưa đi, ông vừa bình thản, vừa tỏ ra ngạc nhiên:

“Đấy là ngày nghỉ chứ đâu phải ngày hành chính mà tôi có quyền lấy xe đi. Vả lại tôi đi thăm con, là đi việc riêng chứ đâu phải việc công mà dám xin xe”. Câu chuyện về vị Phó Chủ tịch nước đi xe khách đã trở thành một trong những giai thoại về “Anh cả - Sao Đỏ” – một người cả đời chưa bao giờ nghĩ đến việc vun vén lợi ích cá nhân cho mình.

Phu nhân Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng – người đầu tiên trả lại biệt thự cho Nhà nước

Sau ngày Độc lập 2/9/1945, theo lẽ thường, những cán bộ cốt cán như Nguyễn Lương Bằng hoàn toàn có thể giữ những cương vị nổi bật trong chính quyền mới, nhưng Nguyễn Lương Bằng đã xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ ngoài Đảng, thực hiện đúng chủ trương mà Hồ Chủ tịch đã nêu:

“Chúng ta làm Cách mạng giải phóng dân tộc là phải đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không để lên “ông nọ bà kia”. Sau này, Nguyễn Lương Bằng được Đảng và Nhà nước tín nhiệm, giao cho những chức vụ ngày càng quan trọng, nhưng chưa bao giờ, ông tỏ ra ham hố quyền chức.

Con gái Nguyễn Việt Liên của ông kể rằng khi bước qua tuổi 60, ông đã viết đơn xin nghỉ hưu gửi lên các lãnh đạo của TƯ Đảng rồi về Vĩnh Phúc dựng một căn nhà gỗ giản dị, dự định làm nông nghiệp và bầu bạn với Bí thư Vĩnh Phúc Kim Ngọc (Bí thư Kim Ngọc là một người bạn rất thân thiết với Nguyễn Lương Bằng). Nhưng Trung ương đã từ chối đơn xin nghỉ hưu của ông.

Năm 1969, sau khi Bác Hồ qua đời, cùng với đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng được TƯ đề nghị giữ chức Phó Chủ tịch nước. Ban đầu, ông kiên quyết không nhận, sau Đảng quyết định bỏ phiếu, “ép” ông nhận, ông mới ngồi vào cương vị đó và hết lòng thực hiện vai trò, nhiệm vụ của một Phó Chủ tịch nước cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, khi ông qua đời năm 1979, hưởng thọ 76 tuổi.

Là người giản dị, thanh liêm tuyệt đối, quà tặng của các đoàn khách nước ngoài, bao giờ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng  cũng để lại ở Phủ Chủ tịch chứ không bao giờ mang về nhà. Thế nên mọi đồ đạc trong nhà đều do vợ ông – bà Thục Trinh nhờ khéo léo vun vén, tiết kiệm mà mua dần từng món. Khi ông qua đời, rồi sau khi chuyển về căn nhà ở Đội Cấn nhiều năm sau, đồ đạc trong nhà ông bà vẫn chỉ có vài món đồ giản dị như thế.

Chị Việt Liên kể rằng, lúc sinh thời, cả bố mẹ chị đều không bao giờ nghĩ đến việc nâng đỡ con cái. Lúc nào ông bà cũng yêu cầu con cái tự lập. Khi chị đến tuổi đi thi đại học, với vị trí của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, chỉ cần ông nói một câu thì việc học hành, đỗ đạt của cô con gái không có gì là khó khăn. Nhưng cả hai vợ chồng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đều không bao giờ làm thế.

Trước khi con gái đi thi, bà Thục Trinh còn động viên con gái. Bà nói: “Nếu con không thi đỗ đại học, con có thể học làm công nhân, thợ may, làm đầu bếp…làm bất cứ nghề gì, miễn đó là một nghề chân chính”.

Do ảnh hưởng bởi tính cách giản dị, liêm khiết, trong sạch của chồng, nên sau khi Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng qua đời, phu nhân của ông – bà Thục Trinh đã sống theo tinh thần của ông đến hết đời.

Phương châm sống của ông: “Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống” cũng là phương châm sống của bà. Đầu những năm 1990, khi đất nước bắt đầu mở cửa, có công ty nước ngoài đến đặt vấn đề thuê căn biệt thự của bà với giá vài nghìn USD.

Giờ vài nghìn USD đã thấy to. Thời đó vài nghìn USD với bất cứ người Việt Nam nào cũng là một món tiền khổng lồ. Nhận được lời đề nghị đó, bà Thục Trịnh rất băn khoăn. Nhà cửa thì rộng rãi, bà và các con gái ở không hết, nếu không cho thuê thì rất hoang phí.

Nhưng bà cũng luôn tâm niệm rằng biệt thự số 5 Thiền Quang là nhà công vụ mà Nhà nước giao cho chồng bà khi ông còn tại chức, và di nguyện của ông là trả lại ngôi nhà này cho Nhà nước, nên bà không thể tự mình đem cho thuê ngôi nhà đó.

Chính vì thế, bà đã đề nghị trả lại căn biệt thự số 5 Thiền Quang cho Nhà nước, để dọn đến ở một nơi xa hơn, hoàn toàn vui vẻ và hạnh phúc với suy nghĩ: khi bà trả lại ngôi nhà số 5 Thiền Quang đó, Nhà nước có thể sẽ thu lợi thêm mỗi tháng vài nghìn USD.

Số tiền đó nếu dùng đúng chỗ, dành cho những hoạt động nhân đạo và phúc lợi xã hội thì sẽ cứu được không biết bao nhiêu người nghèo. Bà chính là người đầu tiên trả lại biệt thự cho Nhà nước.

Sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng qua đời, vì những công lao to lớn của ông, lãnh đạo Đảng đã quyết định đổi tên phố Nam Đồng thành phố Nguyễn Lương Bằng ngày nay.

Khi bà Thục Trinh biết chuyện đó, bà đã đến gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng và đề nghị không nên đổi tên phố Nam Đồng thành phố Nguyễn Lương Bằng, vì như vậy sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người dân sống trong con phố này, và làm các anh bưu tá cũng vất vả hơn mỗi lần chuyển thư.

Nhưng cuối cùng con phố Nam Đồng vẫn được đổi tên thành phố Nguyễn Lương Bằng. Điều đó khiến bà Thục Trinh sau này mỗi lần nhắc lại đều rơm rớm nước mắt, vì cho rằng chỉ vì gia đình mình mà ảnh hưởng xáo trộn nếp sống của quá nhiều người.

Có lần, khi bà Thục Trinh còn sống, có một nhà báo từng hỏi bà về chuyện trả lại biệt thự cho Nhà nước mà nhiều người cho rằng bà gàn dở, bà chỉ nói: “Ngày xưa đi làm Cách mạng, có tính toán gì với Nhà nước đâu. Nay ông nhà tôi không làm việc nữa thì tôi trả lại nhà cho Nhà nước. Chỉ mong rằng Đảng và Nhà nước sẽ xóa sạch tệ tham nhũng, đưa đất nước thoát nghèo, nhân dân được sống ấm no hạnh phúc”.

Qua những câu chuyện nhỏ như thế, có lẽ bất cứ ai cũng có thể hiểu, vì sao khi nhắc đến vợ chồng cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng – “Anh cả Sao Đỏ” của Cách mạng, người ta lại nghĩ ngay đến hai con người “làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống”, cả đời hi sinh cho Cách mạng mà chưa từng nghĩ đến chuyện vun vén lợi ích cá nhân.
 

Nguyễn Lương Bằng– “Anh cả Sao Đỏ” của Cách mạng )

  • Hương Thảo Nguyên
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn