Nói thẳng sự thật khách quan về Trường Sa của Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mới đây, thông tin Tỉnh ủy Khánh Hòa sẽ chỉ đạo tiến hành sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn lịch sử huyện đảo Trường Sa đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía công chúng.

Khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

PV: -  Mới đây, Tỉnh Ủy Khánh Hòa đã cho biết sẽ tiến hành sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn lịch sử huyện đảo Trường Sa. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
 
Ông Lê Văn Thỉnh: - Tôi cho rằng đây là chủ trương có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay đối với vấn đề biển đảo, cũng chính là đối với vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta.
 
Việc sưu tầm nghiên cứu lịch sử Trường Sa nói riêng và lịch sử các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nói chung sẽ góp phần vào việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các bộ phận không thể tách rời này.
 
Và vấn đề thứ hai đó là việc sưu tầm biên soạn lịch sử sẽ góp phần làm cho người dân trong nước cũng như bạn bè trên thế giới hiểu rõ hơn quá trình phát triển của Quần đảo Trường Sa trong lịch sử và đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
 
PV: - Trong việc biên soạn này, những vấn đề trước kia bị coi là nhạy cảm liên quan tới Quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ được đề cập đến như thế nào, thưa ông?
 
Ông Lê Văn Thỉnh: - Theo tôi, lịch sử chính là sự thật, phải tôn trọng sự thật khách quan. Mặc dù trước đây nhiều người cho rằng đó là những vẫn đề nhạy cảm nhưng theo tôi, cần phải viết vào để thể hiện rõ những hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
 
Khi bắt tay vào làm cuốn lịch sử Trường Sa, tỉnh sẽ có đề cương trên cơ sở Trường Sa trong các thời kỳ như: trong buổi đầu bình minh lịch sử, thời kỳ nhà Nguyễn, giai đoạn chống thực dân xâm lược giải phóng dân tộc, và trong giai đoạn hiện nay sau ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất...
 
Hiện nay, chúng tôi cũng đang có những chủ trương của tỉnh để phối hợp với Viện khảo cổ học để thực hiện một số hoạt động có liên quan nữa như khai quật về khảo cổ học ở Trường Sa, nhằm phát hiện các di chỉ, dấu vết của con người trên đó để có được những bằng chứng lịch sử chứng minh sự có mặt của con người cũng như khẳng định chủ quyền của người Việt.
 
Bên cạnh đó là một công việc cũng rất quan trọng, đó là liên hệ với những người đã từng tham gia sống và bảo vệ chủ quyền trên Quần đảo Trường Sa qua các thời kỳ và tập hợp những lời kể lịch sử của họ... để thấy rằng chủ quyền của chúng ta đã có từ lâu và người Việt Nam ở trong giai đoạn lịch sử nào, dưới bất kỳ chế độ nào cũng quyết tâm giữ gìn và bảo vệ Trường Sa.
 
Trên thực tế, chúng tôi đã tìm được một số người ở Khánh Hòa nhưng hiện tại muốn đề xuất mở rộng quy mô ra cả nước để tìm kiếm những nhân chứng lịch sử đã sống, làm việc và chiến đấu ở Trường Sa.

Hình ảnh đẹp về Trường Sa của Việt Nam


 Lịch sử Trường Sa sẽ được phát hành cả nước
 
PV: - Xin ông cho biết các thành phần tham gia sưu tầm và biên soạn lịch sử Trường Sa?
 
Ông Lê Văn Thỉnh: - Ngày 14/8, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam", tỉnh ủy đã quyết định sẽ tiến hành sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn lịch sử huyện đảo Trường Sa.
 
Tuy nhiên, riêng đối với Hội Khoa học Lịch sử thì chúng tôi đã đề xuất việc này rất sớm, ngay từ khi thành lập hội. Trước mắt chúng tôi dự định sẽ mời các nhà sử học của tỉnh, và một số cán bộ của Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam tham gia.
 
PV: - Sau khi hoàn thành việc biên soạn và in thành sách, theo ông cuốn sách có nên được phát hành rộng rãi trong cả nước để phổ biến kiến thức về lịch sử cho người dân?
 
Ông Lê Văn Thỉnh: Dự kiến Lịch sử Trường Sa sau khi hoàn thành sẽ được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước bởi như tôi đã trình bày lúc đầu, một trong những mục tiêu biên soạn lịch sử là để phổ biến kiến thức và khẳng định chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với Trường Sa.
 
PV: - Vậy bao giờ cuốn sách về lịch sử Trường Sa bao giờ sẽ được thực hiện?
 
Ông Lê Văn Thỉnh: - Hiện tại chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt rồi mới bắt tay vào tiến hành.
 
Biên soạn lịch sử là công việc đầy vinh quang nhưng cũng rất khó khăn bởi công việc đòi hỏi số lượng rất lớn sử liệu và tư liệu.
 
Có một thực tế rằng tư liệu về Trường Sa hiện nay đang thiếu rất nhiều bởi sau khoảng thời gian dài phát triển của lịch sử, rất nhiều tư liệu đã bị thất lạc, ngay cả những bản đồ chúng ta cũng chỉ mới sưu tập, tìm lại được gần đây.
 
Những nhân chứng lịch sử có mặt tại Trường Sa qua các thời kỳ cũng đã tản mát, một số người đã mất vì vậy việc sưu tầm lịch sử sẽ đòi hỏi sự đầu tư thời gian và tâm huyết rất lớn của những người tham gia.
 
PV: - Xin cảm ơn ông!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn