Nông sản Việt Nam rớt giá vì năng suất quá cao?

( PHUNUTODAY ) - Rớt giá, bí đầu ra, người nông dân thua lỗ đã không còn mặn mà với những mô hình sản xuất tiên tiến bởi năng suất càng cao họ càng không tìm nổi đầu ra cho sản phẩm.

(Đời sống) Thời gian vừa qua, hàng nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trên biểu đồ nông sản Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới nhưng tại các vườn nông sản người dân đang quay quắt với đầu ra và thua lỗ.

[links()]

Nói về lúa gạo, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cho biết trên báo Dân Việt, hợp đồng xuất khẩu gạo ký mới trong tháng 4 khá tốt, đạt gần 732.000 tấn, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn, tăng gần 10% so với 2012. Trong khi đó, giá lúa gạo trong nước đang giảm hàng ngày. Các thương lái ở vựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long than trời vì lúa gạo giảm giá, thương lái không tìm được đầu ra.

Ông Dương Văn Mến - thương lái thu mua lúa tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, giá lúa IR 50404 tươi, thu mua tại ruộng với giá 4.000 - 4.100 đồng/kg, giá lúa hạt dài, tươi có giá 4.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hồi tuần trước. Tại Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng..., giá lúa IR 50404 tươi cũng chỉ dao động quanh mức 4.000 - 4.150 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm thêm 10 – 15USD/tấn.

Không chỉ có lúa gạo, các mặt hàng nông sản khác cũng gặp khó khăn ở khâu đầu ra. Tại Bình Định, nơi được coi là vựa dưa hấu của cả nước thì giá dưa trên địa bàn tỉnh đang ở mức khá thấp làm cho người trồng dưa bị thua lỗ.

Trái cây rớt giá, nông dân kêu trời
Trái cây rớt giá, nông dân kêu trời


Theo các thương lái thu mua dưa hấu ở chợ Bình Định (thị xã An Nhơn), giá dưa thu mua tại ruộng hiện đang ở mức từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với thời điểm cách đây 1 tháng, Trong khi đó, dưa xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn đang bị dồn ứ. Theo người trồng dưa tại thị xã An Nhơn (Bình Định), với giá dưa như hiện nay, mỗi ha dưa, người dân bị thua lỗ từ 15-20 triệu đồng. Nếu theo như lời Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nói thì đúng là chúng ta chỉ chăm khoản năng suất mà không tính đầu ra để dẫn đến tình trạng cung ứ như hiện nay.

Đối với sản phẩm mía đường cũng chẳng khá khẩm là bao. Theo khảo sát của báo Dân Việt, giá mía nguyên liệu tại các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long sụt giảm liên tục những năm qua lại tỷ lệ nghịch với giá vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) và nhân công; bình quân sau mỗi vụ mía giá nhân công tăng từ 30 – 35% và vật tư nông nghiệp tăng 10 – 15%.

Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết: “Với giá mía như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, nhân công, vận chuyển…) từ 75 – 80 triệu đồng/ha, nông dân thu về chỉ được 15 - 20 triệu đồng/ha. Nếu đem chia cho thời gian 10 tháng/vụ mía, người trồng mía chỉ thu vào chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng; so với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế của cây mía thấp nhất”

Chưa hết "cơn bão giá" của lúa gạo, mía đường, trái cây miền Tây cũng đang rớt giá thê thảm. Theo khảo sát của báo SGGP, tại 2 vùng bưởi năm roi nổi tiếng ở Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng đang lâm vào cảnh ế ẩm. Hồi đầu tháng 5/2013, bưởi năm roi loại 1 được thương lái săn lùng với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg nay chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg nhưng nhà vườn vẫn chưa bán được.

Xoài Cát Chu đặc sản ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện bán tại vườn chỉ còn 2.000-4.000 đồng/kg. Cùng loại này, tại nhiều chợ ở Cần Thơ giá bán chỉ có 2.000-3.000 đồng/kg. Trong khi đó, hồi đầu tháng 3, xoài cát chu giá từ 23.000-30.000 đồng/kg.

Rớt giá, bí đầu ra, người nông dân thua lỗ đã không còn mặn mà với những mô hình sản xuất tiên tiến bởi năng suất càng cao họ càng không tìm nổi đầu ra cho sản phẩm.

Trả lời trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân giải thích về hiện tượng ngược dòng của lúa gạo Việt Nam, ông Quân cho biết chúng ta chạy theo sản lượng thì việc đảm bảo độ đồng đều về giống, chất lượng của hạt gạo cũng như bảo quản chế biến sau thu hoạch chưa theo kịp.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới chúng ta không nên chạy theo sản lượng mà nên nâng cao chất lượng của hạt gạo thì có thể doanh thu từ xuất khẩu gạo của chúng ta tiếp tục tăng, trong khi lại không phải mở rộng diện tích. Điều này buộc các nhà khoa học phải tạo ra được loại giống phù hợp, đồng thời toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối thuần nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu đồng nhất thì mới có được giá xuất khẩu tốt.
 

  • Thủy Nguyễn
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn