Làm người chỉ cần tích được 6 loại phúc này thì cuộc sống an nhiên viên mãn

( PHUNUTODAY ) - Làm người chỉ cần lấy đức làm gốc rễ thì cuộc sống sẽ theo đó mà an nhiên.

Làm người tích 6 phúc: Sinh trí huệ

1. Có sức khỏe là phúc

Tục ngữ có câu: “Làm hoàng đế mắc bệnh không bằng làm kẻ ăn mày mà khỏe mạnh”. Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp, một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả. Vì để có một thân tâm khỏe mạnh, ắt phải dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ. Không những vậy còn phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.

2. Gia hòa là phúc

Cổ nhân thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay: “Gia hòa phúc tự đáo”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận chính là có được một hậu phương vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống. Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là: “Phúc trong phúc”.

3. Chịu thiệt là phúc

Thường thì những người đức không cao, lòng không rộng, nhân cách không chính trực khó có thể chấp nhận bản thân chịu thiệt. Người có thể vui vẻ chịu thiệt đó cũng chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng. Không sợ chịu thiệt, việc nhiều thì làm thêm một ít, ngược lại có thể tôi luyện tâm tính cho bản thân, nâng cao năng lực chịu đựng, trong các mối quan hệ cũng thể hiện được tấm lòng độ lượng của bậc quân tử.

ta-chon-luong-thien-khong-phai-vi-ta-mem-yeu-phunutoday-vn-0933

4. Bảo trì cuộc sống thanh đạm là phúc

Cuộc sống bộn bề, áp lực như núi, làm người có thể sống cuộc đời thanh đạm ấy cũng là phúc: đói thì ăn, mệt thì nghỉ, việc đến thì làm, cần cù chịu khó, sống với hiện tại, ấy cũng chính là phúc.

5. Biết đủ là phúc

Nhân sinh tại thế, lòng tham của con người xưa nay vốn không hề có đáy. Nhưng thóc đầy kho lụa đầy nhà; nhà trăm gian đất nghìn mẫu thì cũng cơm ngày ba bữa, áo quần vài bộ, tối ngủ giường ba thước. Tham lam tài vật thái quá đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được thứ gì. Vậy nên làm người mà biết ung dung tự tại, không tham không sân, biết đủ là phúc.

6. Sống tùy duyên là phúc

Nhân sinh vạn nẻo, kiếp người chìm nổi tựa phù vân, đa phần sống ở đời nếu mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý, giờ phút vui vẻ chẳng được đáng là bao, thời gian như nước chảy qua cầu. Vậy nên biết sống tùy duyên ấy là hạnh phúc, điều đến thì đón nhận, điều đi thì buông bỏ, vạn vật tùy cảnh, vạn sự thì tùy thời, đó cũng chính là cảnh giới của bậc trí giả. Sướng khổ buồn vui ấy đều do quan niệm của mình chi phối, làm người mà có thể coi nhẹ được mất thì ắt không gì có thể khiến cho chúng ta buồn khổ được.

Làm người hành 6 đức: Ấy thân tu dưỡng

1. Khẩu đức

Người xưa thường dạy: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đời người họa hay phúc đều do cái miệng mà ra, vậy nên làm người thì việc trước nhất chính là tu dưỡng cái miệng của mình: luôn nói lời chân, không nói lời lộng ngữ thị phi, mỗi khi nói phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến cảm thụ của người nghe. Khi nói chuyện thì nên chú ý thời cơ, địa điểm, lúc nào cần nói lúc nào không, đặt cơ điểm từ góc độ của người nghe mà nói.

2. Ban đức

Có câu: “Tay tặng hoa hồng ắt giữ thơm”, vỗ tay cho người khác thì mặt mình tự cũng vui tươi, khích lệ cho người, trí huệ bản thân tự ắt cũng tăng. Khổng Tử nói “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”. (Đại ý: Người quân tử tạo thành cái hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân thì không thế).

3. Diện đức (cái đức của diện mạo)

Người sống nhờ mặt, cây sống nhờ vỏ, cây không có vỏ cây chẳng thể sinh tồn, người không có thể diện người chẳng thể dung thân. Tu dưỡng tốt diện mạo của mình cũng là giúp người lưu lại cái uy danh.

4. Tín đức

Xưa nay, chữ tín luôn là cái vốn để làm người, làm người không có chữ tín hỏi có ai ưa? Vậy nên, tín chính là cái vốn tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được lòng tin của thiên hạ chính là tài sản vô giá. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, không có chỗ đứng trên thế gian này. Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này thực ra rất có đạo lý.

5. Khiêm đức

Đây là nói cái đức của sự khiêm nhường, cổ nhân xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng khiêm nhường chính là một loại mỹ đức thể hiện tinh thần hàm dưỡng tôn quý. Nhường người ba tấc mình cũng lợi hai phần, trong “Chu Dịch” viết rằng: “khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc”.

Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng độ lượng bao dung, cũng là người một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính đó không phải bắt nguồn từ lòng sợ hãi mà xuất phát từ sự tôn trọng.

Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm” này.

6. Trọng đức

Trong cuộc sống chúng ta đều hiểu là phải biết tôn trọng người khác, nhưng rất ít người có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của điều này.

Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tôn trọng người khác. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.

Người có tu dưỡng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Tôn trọng người dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng người dưng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.

Làm việc thiện được phúc báo là Thiên lý bất biến của vũ trụ

Đôi khi, gặp người rơi vào cảnh khó khăn, bạn chỉ cần đưa tay ra và nở một nụ cười, nói một lời khích lệ hay chỉ đơn giản trao nhau một nắm cơm lót dạ cũng khiến người được giúp ấm lòng mà vượt qua khổ nạn ấy. Hành thiện và tích đức sẽ được báo đáp – đó là Thiên lý bất biến trong vũ trụ này!

Vào năm thứ hai đời vua Lỗ Tuyên Công, một lần Tuyên Tử – tên thụy hiệu của một vị đại thần thời Xuân Thu – đi đến núi Thủ Dương săn thú, lúc ở địa phận Ế Tang thì gặp một người đàn ông đang vô cùng đói khát.

Ông lập tức đến hỏi thăm bệnh tình của người này. Người này nói với giọng thều thào rằng: “Đã ba ngày nay tôi không được ăn thứ gì cả!”

Tuyên Tử vừa nghe vậy thì liền lấy đồ ăn của mình ra cho người này. Nhưng điều khiến Tuyên Tử khó hiểu, chính là người đàn ông này đã không ăn hết mà giữ lại một nửa đồ ăn.

Ông cất giọng hỏi: “Vì sao anh lại không ăn hết?”

Người đàn ông này nói: “Tôi rời nhà đã ba năm nay rồi, không biết mẹ tôi bây giờ còn sống hay đã chết. Chỗ này cách nhà tôi không còn xa nữa, xin ngài cho tôi đem một nửa đồ ăn này về cho mẹ tôi ăn.”

Tuyên Tử vội vàng nói: “Anh cứ ăn hết bát cơm này đi!” Vừa thúc giục người này ăn hết bát cơm, Tuyên Tử vừa gói ghém một bát cơm khác cùng với thức ăn để người này mang về nhà.

Nhiều năm sau, Tấn Linh Công – vị vua thứ 26 nước Tấn – một nước chư hầu của nhà Chu chỉ muốn ăn chơi, không lo việc triều chính và đánh thuế nặng được các quần thần khuyên ngăn thì không nghe.

Trong những quần thần đứng ra khuyên ngăn này có Tuyên Tử, vì vậy Tấn Linh Công muốn sát hại Tuyên Tử. Trong cuộc tàn sát đó có một người tên là Linh Triếp đã ra tay ngăn chặn các thuộc hạ của Tấn Linh Công. Nhờ vậy mà Tuyên Tử đã chạy trốn khỏi nước Tấn, thoát được nạn ấy.

Về sau, Tuyên Tử hỏi Linh Triếp: “Vì sao ngài lại cứu tôi?”

Linh Triếp trả lời: “Tôi chính là người đói ăn ở Ế Tang năm xưa!”

Tuyên Tử hỏi người này về danh tính và nơi ở, nhưng anh ta không nói mà xin cáo từ.

Câu chuyện báo ơn này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng trong lịch sử.

Nhà thơ nổi tiếng Đỗ Phủ đã từng viết trong bài thơ “Phụng tặng vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận” rằng: “Thường nghĩ báo nhất phạn, huống hoài từ đại thần” (Tạm dịch: Bát cơm còn mang ơn nặng, Huống chi từ biệt bậc đại thần lại không nhớ nhung.)

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn