Thiếu tướng Nguyễn Thị Định- nén chặt tình riêng lo nợ nước (I)

( PHUNUTODAY ) - Xứ Lương Hòa có hai sự kiện rạng danh làng xóm: có một “đội múa lân tóc dài” và một vị nữ tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

(Phunutoday) - Nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam- Từ thành phố Bến Tre xinh đẹp, qua cầu Chẹt Sậy đi theo tỉnh lộ 885 một đỗi là đến xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, quê hương của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, là con út trong một gia đình có đến 10 người con, nên từ nhỏ được bà con lối xóm xứ Lương Hòa gọi là Út Định.
 
Bây giờ về Lương Hòa hỏi chuyện đời xưa, mọi người thường được nghe các vị bô lão tuyên bố bằng giọng đầy tự hào: Xứ Lương Hòa có hai sự kiện rạng danh làng xóm, đó là việc có một “đội múa lân tóc dài” quy tụ toàn phụ nữ với trang phục áo quần bà ba đen, đầu đội mũ tai bèo, cổ quấn khăn rằn, hoạt động phục vụ lễ hội, tết nhất từ thời kháng chiến cho đến ngày nay.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định
Việc thứ hai là xứ Lương Hòa đã sinh ra một vị nữ tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay “đội múa lân tóc dài” vẫn còn đó vì được kế thừa những lớp phụ nữ có truyền thống cách mạng, nhưng nữ thiếu tướng Nguyễn Thị Định thì ngày 26/8/1992, sau một cơn đau tim đột ngột bà đã về thế giới của những người hiền. Nhưng mỗi khi nhắc đến thiếu tướng Út Định, nhiều bậc bô lão vẫn kể rành rẽ mọi chuyện về bà như vị nữ tướng chưa hề đi xa.
 
Người dân Lương Hòa kể rằng, bà Định lúc nhỏ thể chất yếu đuối, ốm nhom vì hen suyễn. Đến tuổi đi học, do trường học xa nhà, ở trọ tốn kém, nên bà không được đi học, ở nhà học chữ với người anh thứ ba tên là Chẩn. Chính người anh và là người thầy này có ảnh hưởng sâu sắc với cuộc đời bà Định về chí hướng đánh Tây, giành độc lập cho đất nước.
 
Bà Định đã từng tận mắt chứng kiến anh trai tham gia cách mạng, bị bắt, bị đánh đập trong nhà giam ở quận. Lúc đó bà chỉ biết đứng nhìn, cắn răng khóc tức tưởi, căm thù mà không biết phải làm sao để cứu anh ra . Từ đó, những câu hỏi về thời cuộc, về cách mạng luôn day dứt trong tâm tư của bà. Từ ảnh hưởng của người anh, bà Định hiểu và tin làm cách mạng là việc tốt nhưng rất khó, là con gái chắc không thể làm được.
 
Có thể nói bà đến với Cách mạng trước hết là do sự dìu dắt, hướng dẫn của người anh trai. Năm 16 tuổi bà Định trở thành một thiếu nữ đẹp gái nhất vùng, tóc xoăn, da trắng, môi đỏ thắm tự nhiên. Được xem là hoa khôi của xứ Lương Hòa nên nhiều gia đình khá giả đã nhắm nhe hỏi cưới bà cho con trai của họ. Nhưng lúc đó bà Định đã quyết tâm phải đi làm cách mạng sau những lần nghe các anh hoạt động bí mật diễn thuyết chính trị.
 
Vì vậy mà dù gia đình nhiều lần thúc ép lấy chồng, bà vẫn cương quyết không chịu mà hăng say lao vào việc rải truyền đơn, làm giao liên cho cách mạng, tham gia hoạt động trong các hội đoàn. Khi gia đình tiếp tục thúc ép chuyện lấy chồng, bà Định khẳng khái nói “Nếu lấy chồng, phải là người cách mạng, tui mới ưng”. Đến tháng 10 năm 1938, bà Định chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, công việc cách mạng ngày càng tất bật trong khi áp lực phải lấy chồng từ phía gia đình vẫn đè nặng trên vai bà.
 
Hiểu được tâm tư của bà Định, tổ chức và người anh trai của bà quyết định làm một cuộc mai mối. Một hôm bà Định bất ngờ được tổ chức yêu cầu ra vườn quýt sau nhà có việc khẩn cấp. Lúc đó bà Định cứ nghĩ bụng: Chắc các anh lại phân công đi rải truyền đơn, hay là chấp thuận cho đi thoát ly để khỏi phải lo chuyện lấy chồng.
 
Nhưng khi ra tới vườn quýt, mọi người giới thiệu cho bà gặp một thanh niên tên Bích, cùng hoạt động chung với anh trai của bà. Trước mặt mọi người, anh Bích hỏi thẳng:
 
-Tại sao cô Út muốn lấy chồng cách mạng?
-Tại vì em muốn làm cách mạng, người chồng cách mạng phải tốt với gia đình em và thương yêu em suốt đời. Bà Định trả lời.
- Nếu lấy chồng cách mạng, không chỉ chồng cô mà bản thân cô và gia đình có thể bị bắt tù đày, bị giết chết, cô không sợ sao? Nếu chồng cô bị bắt, bị đi tù cô có chờ được không? Anh Bích hỏi tiếp.
-Em chờ được và không sợ gì hết. Bà Định rắn rỏi nói.
 
Sau cuộc gặp gỡ ở vườn quýt, anh Bích đưa gia đình đến nhà bà Định cầu hôn. Gia đình bà Định thấy con gái chịu lấy chồng, lại chọn được người thanh niên có chí hướng, nên đồng ý tổ chức đám cưới. Sau ngày cưới, bà Định mới biết chồng là Tỉnh ủy viên Bến Tre, hoạt động công khai. Hai vợ chồng cùng làm cách mạng, có thời gian sống với nhau rất ngắn ngủi mà ngập tràn hạnh phúc, kết quả là một bé trai kháu khỉnh ra đời.
 
Nhưng khi con trai mới tròn 3 ngày tuổi thì tai họa ập xuống đầu đôi vợ chồng trẻ: Mật thám bất ngờ bao vây nhà, ập vào bắt anh Bích đưa đi trong khi bà Định ôm con quỵ xuống trước cửa nhà, khóc nức nở vì trong lòng có những dự cảm không lành. Trong một lần duy nhất được phép đưa con vào thăm chồng, bà Định cho anh Bích biết bà sẽ gửi con cho bên ngoại và đi thoát ly hoạt động cách mạng.
 
Anh Bích dù trong lòng se thắt vì thương vợ, thương con nhưng vẫn tán thành và cho biết anh bị giặc kêu án 5 năm tù giam và 5 năm lưu đày biệt xứ. Hai vợ chồng bàn nhau đặt tên con trai là Nguyễn Ngọc Minh, nhưng ở nhà cứ gọi là On để kỷ niệm hạnh phúc, tình yêu của hai người.
 
Khi chia tay người chồng yêu dấu, bà Định ôm con khóc nức nở, hứa với anh Bích là bà sẽ nuôi con chờ anh mãn hạn tù trở về mà không biết rằng, đó là lần chia ly vĩnh viễn của hai vợ chồng.
 
Thường Dân
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn