Vụ đòn ghen chấn động Hà Nam: Cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát...

( PHUNUTODAY ) - Những hành vi dã man như vậy là đáng lên án. Không thể đối xử với đồng loại của mình như thế được, nhất là người cùng nữ giới.

- Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa Nhân học trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP. HCM.
[links()]
Như Phunutoday đã đưa tin, sáng ngày 29/9 tại đường Đinh Tiên Hoàng, TP Phủ Lý, Hà Nam xảy ra một vụ đánh ghen với thủ đoạn hết sức ghê rợn. Những kẻ máu "hoạn thư" đã dùng phân người trộn với dầu thải xe máy và xăng để tưới khắp nhà "tình địch", đồng thời đánh hội đồng đến bất tỉnh nạn nhân.

Nạn nhân được xác định là Lại Thị Chinh (SN 1973, trú tại thôn Bầu Cừu, xã Thanh Châu, TP Phủ Lý), và "hoạn thư" là Đỗ Kim Loan (SN 1969, người cùng thôn). Vụ việc đánh ghen với thủ đoạn "thú tính" đã gây chấn động Hà Nam và tạo nên bức xúc đối với người dân sống quanh TP Phủ lý.

 
 

Tuy nhiên, ghen cũng cần có sự giới hạn. Nó chỉ được chấp nhận khi chủ thể kiểm soát được hành vi của mình. Nếu suốt ngày tâm trí chỉ suy nghĩ đến những điều ghen tuông, hoài nghi người mình yêu thì cần phải ngăn chặn. Điều đó cũng có nghĩa là người này đang biểu hiện sự tự ti, sợ sự mất mát về tình cảm, sợ bị bỏ rơi, dần dần mức độ chấn động về tâm lý tinh thần càng trầm trọng hơn. Những người này sẽ luôn hoài nghi, gây gổ và hành hung người khác vì cho rằng những người này sẽ "cướp" đi người mình yêu.

Trường hợp của bà Loan, tôi nghĩ, nằm trong nhóm đối tượng không kiểm soát được hành vi và luôn ở trạng thái tinh thần kém tự tin, sợ bị bỏ rơi. Nhưng hành vi hành hung người khác từ sự ghen tuông cần phải nhìn ở dưới góc độ của các định chế của cộng đồng và pháp lý. Sự thờ ơ, ngại sự va chạm của cộng đồng cũng góp phần đẩy sự việc đến hiện trạng như chúng ta thấy.

Đáng lý ra những biểu hiện xúc phạm nhân phẩm, hành hung người khác một cách vô lý của bà Loan cần được xử lý ngay từ giai đoạn đầu. Chính quyền địa phương phải có biện pháp ngăn chặn, những người trong cộng đồng phải có tiếng nói ngăn chặn các hành vi sai trái. Ở một số quốc gia, họ có những điều luật cấm những người có hành vi gây tổn hại đến người khác tiếp xúc với người bị hại. Phải thượng tôn pháp luật. Không thể lấy "luật rừng" ra thay thế cho pháp luật trong việc điều tiết các quan hệ ứng xử.

Thử hỏi xã hội có rất nhiều người như bà Loan thì xã hội sẽ đi về đâu. Tâm lý "đèn nhà ai người đó sáng" cần được chuyển đổi trong suy nghĩ của nhiều người ngày nay. Phải biết bảo vệ những người yếu đuối, đơn thân... chính là biểu hiện của đời sống xã hội văn minh.

Một vấn đề khác trong tâm lý cộng đồng làng xã cũng đáng quan tâm: người ta hay ác cảm với những người phụ nữ "giật" chồng người khác, nên khi thấy một vụ việc đánh ghen là người ta dễ dàng định khung những giá trị luân lý đến người bị hại theo kiểu: "không có lửa sao có khói". Và như thế người ta dễ quên đi các mối quan hệ ứng xử xã hội, ứng xử không thể dừng lại ở sự cảm tính mà phải đặt nền tảng của pháp luật. Đặc biệt là những người thực thi pháp luật ở cấp địa phương đôi khi cũng bị ảnh hưởng mối quan hệ như tôi nêu trên. Những người này cũng tác động đáng kể đến các sự việc đau lòng như chị Chinh phải gánh chịu.
 
 
Vi phạm pháp luật thì phải trừng trị
 
 
Những hành vi dã man như vậy là đáng lên án. Khi ghen tuông họ cũng có cái lý của họ thế nhưng không thể đối xử với đồng loại của mình với những hành động như thế, nhất là người cùng giới của mình.

Tất nhiên, người ta ghen tuông là người ta bảo vệ hạnh phúc của họ, nhưng để bảo vệ cái hạnh phúc ấy thì có nhiều cách khác nhau chứ không phải dùng bạo lực như vậy. Khi đã dùng bạo lực như vậy tức là vi phạm pháp luật và pháp luật phải trừng trị.

Những người xung quanh cũng nên tỏ thái độ, có phản ứng đối với những người như thế. Cần có thái độ với những hành vi như thế. Một khi không có phản ứng đối với những hành vi như thế nó cũng như một sự tiếp tay cho các hành vi sai trái, cũng có nghĩa là họ tưởng họ làm như thế là đúng. Cần có một thái độ rõ ràng nhằm ngăn chặn hành vi đấy, dứt khoát hơn để nó không tiếp tục tái diễn.

Cũng cần nhìn nhận rằng, những chuyện này xảy ra do nguyên nhân ở nhiều phía, nhất là từ những người gây ra những chuyện mà để cho người ta phải ghen tuông. Họ cần có một cuộc sống đúng với đạo đức hơn thì những việc tương tự như thế sẽ không xảy ra. Và còn một nhân vật giấu mặt ở đây - anh chồng để cho vợ mình ghen tuông như thế cũng phải thấy có trách nhiệm trong việc bảo vệ hạnh phúc, không thể sống một cách tùy tiện trong các mối quan hệ để xảy ra các mối quan hệ đáng tiếc như vậy.

Ngày 27/10, trao đổi với báo Phunutoday, bà Nguyễn Thị Thanh Hoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Châu, TP Phủ Lý, Hà Nam cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự việc, Hội Phụ nữ xã đã cử chi hội đến nắm bắt thông tin, thăm hỏi và động viên gia đình chị Chinh. Vụ việc cũng được báo cáo với Hội Phụ nữ thành phố.

"Đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra ở xã, chúng tôi cũng không ngờ đến lại có trường hợp như vậy. Tất cả đều là phụ nữ, nhưng ghen tuông, hành động như vậy nằm trong tư tưởng của họ, bộc phát ra mình không thể kiểm soát được. Chúng tôi đã về tuyên truyền, giáo dục nhiều nhất trong năm nay là 2 hội nghị rồi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình cũng gọi bên công an, cảnh sát đến làm việc luôn. Còn chức năng giải quyết vụ việc này là không phải của chúng tôi. Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên, phối hợp nhưng có điều chúng tôi không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của gia đình.

Người sai thì phải để cho cơ quan pháp luật giải quyết, còn khi gia đình người ta có đơn thì chúng tôi mới đề xuất xử lý. Còn gia đình người bị khiếu nại, chúng tôi cũng đã đến giáo dục họ, đối tượng cũng đã bị bắt để xử lý. Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình chị Loan cũng đã đến thăm hỏi, đền bù thiệt hại nhưng gia đình chị Chinh không nhận thì người ta đã nộp về công an điều tra rồi. Đương nhiên chúng tôi phải bảo vệ người bị hại. Bây giờ công an, bên VKS đã vào cuộc rồi, khi nào người ta trả lời là không đủ căn cứ phạm tội người ta không truy tố thì mình mới vào cuộc, mình mới đề nghị tiếp". - Bà Hoan khẳng định.
  • (Thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn