Hà Minh Trí - người làm thay đổi lịch sử khi ám sát Ngô Đình Diệm

( PHUNUTODAY ) - Ông là người cách mạng, nhưng lại khoát lên người tấm áo lính Cao Đài, một mình ám sát tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng lại là “bạn” của những đời tổng thống sau đó như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương.



Đích thân Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến và Phạm Ngọc Thảo (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”) điều tra, lấy cung ông… Lên đường đi tìm ông nhưng tôi không chắc ông còn sống hay đã mất. Rất may, và rất vui khi tôi đã gặp ông còn khỏe mạnh, minh mẫn ở nơi mà ông từng ám sát hụt Ngô Đình Diệm – Tòa thánh Tây Ninh, thị xã Tây Ninh – một ngày đầu tháng 6 năm 2011.

Lịch sử cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta có thể đã thay đổi ít nhiều nếu tổng thống Ngô Đình Diệm không bị ám sát hoặc bị ám sát chết ở “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” được tổ chức ở Buôn Mê Thuột vào ngày 22 tháng 2 năm 1957. Tay tổng thống bù nhìn này là thủ phạm chính phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, làm cho đất nước ta phải chia cắt hơn 20 năm.

Nếu ngày ấy vụ ám sát của ông Hà Minh Trí thành công, Ngô Đình Diệm bị giết chết, biết đâu Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được thực thi, đất nước đã sớm thống nhất. Thế nhưng, dù vụ ám sát Ngô Đình Diệm không thành công, sự kiện này cũng đã làm rối loạn, gây nghi kỵ, chia rẻ trong chính quyền và quân đội của Diệm, làm suy yếu chúng, dẫn đến cuộc chính biến 1.11.1963, Diệm – Nhu bị giết chết. Vụ ám sát đã góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta vào năm 1975.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của quân và dân ta đã buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam.

Theo tinh thần Hiệp định, khoảng 100 ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã tập kết ra Bắc để 2 năm sau trở về sum hợp gia đình trong ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, cuộc chia tay 2 năm như dự tính đã kéo dài ra hơn mười lần, đến 21 năm, vì Hiệp định Gio-ne-vơ đã bị những kẻ chống lại đất nước phá hoại.

Kẻ có tội nhiều nhất gây nên cuộc ly tán lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử dân tộc chính là Ngô Đình Diệm khi ông ta quyết tâm phá hoại Hiệp định để giữ lấy vị trí tổng thống bù nhìn của mình. Vừa phá hoại Hiệp định, Ngô Đình Diệm vừa lùng bắt, sát hại những người kháng chiến cũ và gia đình những cán bộ tập kết.

 Đau thương, căm thù chất chồng, bao người sẵn sàng cảm tử giết chết Ngô Đình Diệm để trả thù cho người thân, để cứu lấy vận mệnh của đất nước. Có một người đã đeo đuổi và thực hiện cho bằng được sứ mạng đó, người ấy là ông Hà Minh Trí, trên danh nghĩa người lính của giáo phái Cao Đài ông đã nhiều lần tổ chức ám sát Ngô Đình Diệm và 1 lần suýt thành công.

Từ TP.HCM, đi theo QL22 khoảng 100km, tôi đến thị xã Tây Ninh. Đi theo đường Trần Hưng Đạo, tôi đến ấp Thái Ninh, phường 1. Hỏi thăm nhà ông Mười Thương, hầu như người dân nào cũng biết, vì ông đã quá nổi tiếng ở Tây Ninh, trên cả nước. Rẽ vào con đường liên ấp được trải nhựa, tôi đến một ngôi nhà cấp 4, đã cũ, nằm giữa khu vườn rộng, trồng nhiều cây trái.

Một cụ già nhỏ người, một chân giả, ra đón tôi. Đó chính là ông Hà Minh Trí (còn có nhiều tên khác như Mười Thương, Phan Văn Điền, Đinh Văn Phú, Triệu Thiên Thương…), người tử tù từng gây chấn động cả nước, chấn động cả nước Mỹ khi đã ám sát Ngô Đình Diệm và gây chia rẻ sâu sắc nội bộ chính quyền Sài Gòn. Ông kể lại chuyện xưa mà như đang sống lại với những năm tháng dữ dội, hào hùng…

Thủ phạm của cuộc đại ly tán
 
Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chính thức xác nhận việc bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp trên bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của 3 quốc gia Việt Nam, Lào, và Campuchia, chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Cùng với các phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Lào, Campuchia, phái đoàn Quốc gia Việt Nam (làm tay sai cho Pháp) cũng đã đặt bút ký Hiệp định (tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ còn có phái đoàn các nước Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, CHND Trung Hoa).

Thế nhưng, một ngày sau khi Hiệp định được ký kết, tức ngày 22 tháng 7, thủ tướng của Quốc Gia Việt Nam là Ngô Đình Diệm đã ra lệnh treo cờ rủ trên toàn miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm chống đối Hiệp định, mở đầu cho kế hoạch phá hoại Hiệp định từ đầu đến cuối, quyết tâm chia cắt đất nước lâu dài.

Từng làm quan trong triều đình Huế, được Mỹ đào tạo, được hồng y Spellman – một người có thế lực trên chính trường nước Mỹ - nhận làm con nuôi, nhờ đó Ngô Đình Diệm đã được sự hậu thuẫn của chính phủ Hoa Kỳ, ông chính thức được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 16 tháng 6 năm 1954 khi hai người gặp nhau ở Pháp.

Thế nhưng, chỉ sau 1 năm làm “phó tướng” cho Bảo Đại, được Mỹ bật đèn xanh và hậu thuẩn, Ngô Đình Diệm đã dựng nên cuộc “trưng cầu dân ý” ở miền Nam Việt Nam năm 1955, mà thực chất là cuộc độc diễn chính trị của mình, đã phế truất quốc trưởng Bảo Đại (với tỉ lệ phiếu bầu thật lố bịch là gần 100% bỏ cho Ngô Đình Diệm), chấm dứt chính thể Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại đứng đầu.

1
Ông Mười Thương.

Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Trong khi Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và lực lượng cách mạng còn nằm lại miền Nam chủ trương không bạo động, kiên trì đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thì Ngô Đình Diệm đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ, những người đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Nam, một cán bộ kháng chiến chống Pháp, sau này là bí thư huyện ủy huyện Cần Đước, tỉnh Long An kể lại: Lúc đó ở Cần Đước còn khoảng 30 cán bộ không đi tập kết. Chính quyền Diệm dùng mọi hình thức khống chế, o ép các ông như buộc phải làm giấy ly khai cộng sản, xé cờ tổ quốc, bước qua ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các ông không chịu làm theo thì bị chúng chúng bắt tra khảo, tù đày, sát hại. Hầu hết những cán bộ ở Cần Đước (một huyện nằm cạnh bên Sài Gòn) đều bị bắt giết, tù đày.

Ông Nam và nhiều đồng đội đã bị bắt giam tại nhà lao Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào năm 1955, tại đây ông cùng khoảng 500 tù chính trị đã phá ngục trở về với cách mạng. Các ông vượt ngục về vùng rừng núi thuộc tỉnh Bà Rịa, rồi về rừng Sác và không tiếp tục xuôi tay cho địch muốn làm gì thì làm. Thế nhưng, lúc đó ta cấm đấu tranh vũ trang.

Các ông đã nghĩ ra một kế đánh địch mà không sợ vi phạm chủ trương chung, đó là giả danh giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên để đánh Diệm. Nhiều chi đội, tiểu đoàn mang danh Cao Đài, Bình Xuyên nhưng thực ra là người của cách mạng được thành lập ở Bà Rịa – Vũng Tàu, rừng Sác và bắt đầu đánh những trận lớn gây tiếng vang dọc theo sông Soài Rạp.

 Có một chiến sĩ cách mạng ở Bà Rịa – Vũng Tàu còn tính chuyện “làm ăn” lớn khi lên kế hoạch tham gia lính Cao Đài để có điều kiện tiếp cận hòng ám sát cho bằng được kẻ bán nước Ngô Đình Diệm để cứu Hiệp định Giơ-ne-vơ, thống nhất đất nước. Người đó tên là Đinh Văn Phú, sau này được cả thế giới biết đến với cái tên Hà Minh Trí khi đã cảm tử thực hiện vụ ám sát Ngô Đình Diệm tại “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” tại Buôn Mê Thuột.

Cuộc đón hụt ở Tây Ninh

Rời khỏi Đội Biệt động quân N2 chuyên làm nhiệm vụ trừng trị những kẻ phản bội đồng bào ôm gót thực dân Pháp ở thành phố Vũng Tàu, Đinh Văn Phú (tên khai sanh là Phan Văn Điền) đã đi về vùng đất thánh địa của Cao Đài tỉnh Tây Ninh với nhiệm vụ trở thành tín đồ Cao Đài để có điều kiện tiếp cận, ám sát Ngô Đình Diệm.

 Tại Tây Ninh, trong vai một tín đồ Cao Đài mang tên Triệu Thiên Thương, ông Phú đã kết thân với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn, một đồn trưởng đồn Cao Đài, là em ruột của trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây. Thời hạn năm 1956 đã sắp đến mà Ngô Đình Diệm vẫn không đá động gì đến việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc thực hiện cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

 Mọi chuyện đã quá rõ, Diệm đã công khai phá hoại Hiệp định, chống lại đất nước, dân tộc, ôm chân ngoại bang để cầu vinh. Cũng giống như nhiều địa phương khác trên toàn miền Nam, ở tỉnh Tây Ninh hàng trăm cán bộ kháng chiến cũng bị chính quyền Diệm bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu, cầm tù.

Lãnh đạo cách mạng ở tỉnh Tây Ninh quyết định không đứng yên chờ chết, mà phải hành động, mà hành động thật táo bạo, tổ chức ám sát tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm để loại trừ một kẻ thù cầm đầu đang thực hiện những cuộc tàn sát những người kháng chiến, chống lại dân tộc, chia cắt đất nước.

Và cũng để không vi phạm chủ trương chung là chỉ đấu tranh chính trị, không bạo động, những người lãnh đạo cách mạng tỉnh Tây Ninh cũng chọn cách mượn danh giáo phái Cao Đài để trừng trị Ngô Đình Diệm.

Chủ trương của Ban An ninh tỉnh Tây Ninh đã được lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo miền ủng hộ. Người được giao nhiệm vụ tối mật, cực kỳ nguy hiểm này không ai khác hơn là Đinh Văn Phú, tức tín đồ Cao Đài Triệu Thiên Thương, người đã từng có kinh nghiệm trừ gian diệt bạo khi còn tham gia Đội Biệt động quân N2 ở thành phố biển Vũng Tàu.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ, có 2 giáo phái mới ra đời nhưng cũng giương cờ chống Pháp là Hòa Hảo và Cao Đài. Khi Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau thất bại ê chề ở Điện Biên Phủ, chính quyền Ngô Đình Diệm sớm lộ rõ bản chất bán nước, ôm gót ngoại bang.

Các giáo phái nói trên không đứng về phía Diệm, hoạt động chống Diệm. Cùng lúc với việc đàn áp, bắt bớ, tù đày, giết hại những người cộng sản,  Ngô Đình Diệm đã tổ chức cuộc tấn công lớn vào lực lượng võ trang Hòa Hảo ở miền Tây và chiến dịch chinh phạt lực lượng võ trang Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh.
Lực lượng võ trang Cao Đài vốn không được tổ chức tốt, lại bị CIA Mỹ dùng tiền mua chuộc một số nhân vật lãnh đạo, nên đã dễ dàng thất bại trước sự tấn công của quân đội Diệm. Cuối năm 1955, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào chiến khu Cao Đài ở Tây Ninh, sau một thời gian cầm cự, cuối cùng Hộ Pháp Phạm Công Tắc (người đứng đầu Cao Đài Tây Ninh) buộc phải đào thoát sang Cao Miên trong tháng 2.1956.

Phần lớn binh sĩ Cao Đài buông súng xin quy hàng, số còn lại tản mác về vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chiến đấu chống Diệm và đã tan rã dần, không để lại tiếng vang nào. Sau khi chinh phạt thành công lực lượng chống đối ở Tây Ninh, Ngô Đình Nhu đã tổ chức cho “Ngô tổng thống” đích thân lên Tây Ninh để động viên tinh thần binh lính Việt Nam Cộng Hòa và xoa dịu cũng là dằn mặt các tín đồ Cao Đài còn có xu hướng chống Diệm.

Cuộc thân chinh đi Tây Ninh của Ngô Đình Diệm dù được bộ máy mật vụ giữ kín đến tận ngày đi, nhưng thông tin cũng đến được với những nhà lãnh đạo cách mạng tỉnh Tây Ninh là chuyến đi ấy sẽ diễn ra trong tháng 10 năm 1956. Và tín đồ Triệu Thiên Thương được giao nhiệm vụ tổ chức “đón tiếp” Ngô Đình Diệm bằng 1 khẩu súng tiểu liên và mấy quả lựu đạn.

Do Ngô Đình Nhu và hệ thống mật vụ của Diệm quá cẩn trọng, không để lọt thông tin về chuyến đi Tây Ninh của Diệm, nên ông Mười Thương và các đồng đội chỉ biết chuyến đi diễn ra trong tháng 10, còn ngày giờ cụ thể, nội dung, địa điểm làm việc của Diệm ở Tây Ninh thì mờ tịt.

Các ông chỉ biết theo dõi động thái của chính quyền Diệm ở Tây Ninh để phán đoán tình hình. Kết thúc tuần lễ đầu của tháng 10, các ông bỗng thấy chính quyền Diệm triển khai tuần tra, kiểm soát người ra vào thị xã Tây Ninh nhiều hơn bình thường.

Nhận định Diệm sắp đến Tây Ninh, ông Mười Thương và đồng đội tăng cường theo dõi, cử người “đón lỏng” Diệm tại chợ Hòa Thành để biết hướng đi của Diệm mà triển khai kế hoạch đánh. Thế nhưng, suốt nhiều ngày trực chiến mà không có bất cứ động tĩnh gì, các ông đành rút quân để tiếp tục nghe ngóng tình hình. Những ngày cuối cùng của tháng 10 sắp đi qua, các ông nghĩ rằng tin mật báo về chuyến đi của Diệm lên Tây Ninh có lẽ không chính xác.
Ông Mười Thương và cuốn sách “Khắc hoá chân dung tử tù”.
Ông Mười Thương và cuốn sách “Khắc hoá chân dung tử tù”.

Bất ngờ,  buổi trưa ngày 28 tháng 10, khi ra đường dò la tin tức, bất ngờ các ông thấy 1 đoàn xe có cảnh sát hộ tống dày đặc từ trung tâm thị xã chạy về hướng Sài Gòn. Thì ra Diệm đã âm thầm, bí mật đến Tây Ninh lúc sáng sớm, không có tiền hô hậu ủng, làm việc xong là về ngay trong buổi sáng. Sờ khẩu súng ngắn và mấy quả lựu đạn nằm gọn trong bụng, anh lính Cao Đài Triệu Thiên  Thương chỉ biết tiếc rẻ nhìn theo đoàn xe trên ây có Ngô Đình Diệm. Anh nói thầm với chính mình: “Lần này mày thoát, xin hẹn lần khác”.

Tay quận trưởng Đức Huệ “phá đám”

Để “sổng” Ngô Đình Diệm trong lần ông ta đi kinh lý tỉnh Tây Ninh, ông Mười Thương cứ ấm ức mãi, đợi có dịp “giáp mặt” tay tổng thống bù nhìn, ôm gót ngoại bang này. Và dịp ấy đã tới, nhân lễ Giáng Sinh ngày 24 tháng 12 năm 1956. Đã 2 năm liên tiếp, từ ngày Ngô Đình Diệm về chấp chính ở Sài Gòn, đêm Giáng Sinh nào ông ta cũng chỉn chu trong lễ phục đạo Công giáo cùng gia đình đến Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hành lễ như một con chiên ngoan đạo.

Sinh ra trong gia đình theo đạo Công giáo, được học hành, tu luyện trong các trường dòng ở Mỹ, Pháp và được chính hồng y Spellman người Mỹ nhận làm cha đỡ đầu, được đưa đến Thánh đường Vatican để nhận phúc, Ngô Đình Diệm luôn tỏ ra là con chiên ngoan đạo, thậm chí ông còn tỏ rõ khuynh hướng ưu ái đạo Công giáo, chèn ép các tôn giáo khác, là nguyên nhân tạo nên sự kiện chính quyền đàn áp Phật giáo đầu năm 1963, châm ngòi cho cao trào đấu tranh chống chính quyền Diệm, kết thúc bằng cuộc chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Sân lễ Tòa thánh Tây Ninh, nơi ông Mười Thương đón hụt Ngô Đình Diệm.
Sân lễ Tòa thánh Tây Ninh, nơi ông Mười Thương đón hụt Ngô Đình Diệm.

Trở lại kỳ Giáng Sinh năm 1956, Nhà thờ Đức Bà chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy hơn hẳn mọi năm để chào đón con chiên đặc biệt Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta. Nhìn cách chuẩn bị ở Nhà thờ Đức Bà và lịch trình công cán của Ngô Đình Diệm, ông ta từ miền Trung quay về Sài Gòn trước lễ Giáng Sinh vài ngày, ông Mười Thương và đồng đội đoán chắc Ngô Đình Diệm sẽ lại dự lễ Giáng Sinh ở Nhà thờ Đức Bà vào lúc nửa đêm 24 tháng 12.

Một kế hoạch giả làm con chiên ngoan đạo để vào được nhà thờ và tiếp cận Ngô Đình Diệm được triển khai. Phương án tấn công là: ông Mười Thương cùng 1 đồng đội trà trộn vào ngồi hàng ghế thứ 3 (hàng thứ 1 dành cho gia đình Diệm, hàng thứ 2 cho bộ máy chính quyền Diệm), chỉ cách Diệm khoảng 5 – 6m, mỗi người 1 khẩu súng ngắn.

Bên ngoài ở đầu đường Catinat có 2 đồng đội sẵn sàng yểm trợ bằng cách khi nghe tiếng súng nổ thì cắt cầu dao trạm biến điện và tung lựu đạn khói để 2 chiến sĩ bên trong dễ bề thoát thân. Đêm Giáng Sinh được ông Mười Thương và các đồng đội chờ đợi cuối cùng rồi cũng đã đến. Ngay từ chiều tối, các ông đã triển khai lực lượng, ông Mười Thương đã vào vị trí “hàng thứ 3”, sẵn sàng nổ súng ám sát Ngô Đình Diệm khi ông ta vào làm lễ trong nhà thờ.

Đêm Giáng Sinh trong tình trạng chính quyền luôn sẵn sàng đàn áp, bắt bớ bất kỳ ai bị nghi là cộng sản hoặc các giáo phái chống đối buồn hiu hắt, rất ít người ra đường, khu vực Nhà thờ Đức Bà là nhộn nhịp hơn cả nhưng cũng chỉ có khoảng vài trăm người dân đi chơi lễ trước nhà thờ, xong họ nhanh chóng theo con đường Catinat (nay là Đồng Khởi) xuôi về bến Bạch Đằng để hóng mát.

Trong nhà thờ, những tín đồ Công giáo đến ngày một đông, họ đến theo thói quen đi lễ vào dịp Giáng Sinh và cũng để nhìn vị tổng thống cũng theo đạo Công giáo cùng đi lễ nhà thờ. Thời gian trôi qua thật chậm, ông Mười Thương và các đồng sự kín đáo liếc nhìn đồng hồ. Thế nhưng, cho tới 24 giờ kém 15, khi tiếng chuông nhà thờ đã gióng lên liên hồi báo hiệu giờ Giáng Sinh đã đến, trong nhà thờ vị cha xứ coi sóc địa phận Sài Gòn – Chợ Lớn đã lên diễn đàn diễn giảng, mà trên đường Catinat vẫn yên ắng, không có dấu hiệu nào cho thấy có một yếu nhân đang chuẩn bị đến nhà thờ hành lễ.

Ông Mười Thương và đồng đội không thể ngờ rằng, kế hoạch đi dự lễ Giáng Sinh của Ngô Đình Diệm đã bị thay đổi vào giờ phút chót. Thay vì đến hành lễ tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Ngô Đình Diệm và đoàn tùy tùng được trang bị tận răng đã lên đường trực chỉ hướng biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc huyện Đức Huệ - tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc Long An) cũng để dự lễ Giáng Sinh.

Vì sao Ngô Đình Diệm lại cất công đến tận biên giới xa xôi dự lễ Giáng Sinh thay vì làm chuyện đó ở tại trung tâm thành phố Sài Gòn, để ngẫu nhiên nhờ đó mà ông ta thoát khỏi một vụ ám sát đã được giăng ra thật chu đáo chờ đợi ông? Sự tình cờ ngẫu nhiên đó có được là nhờ một phút ngẫu hứng của viên quận trưởng quận Đức Huệ, cũng là người theo đạo Công giáo, đồng hương Quảng Bình với Ngô đình Diệm.

Theo các cán bộ bám trụ lại huyện Đức Huệ giai đoạn sau năm 1954, trong số mấy trăm ngàn dân miền Bắc bị các thế lực phản động dụ dỗ, khống chế di cư “theo Chúa vào Nam”, có khoảng 1.000 người được đưa đến huyện Đức Huệ, nhiều nhất là người dân có quê gốc ở Quảng Bình, đồng hương với Ngô Đình Diệm. Họ đến định cư ở các “khu trù mật” thuộc các xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây dọc theo biên giới.

Tay quận trưởng Đức Huệ lúc đó cũng là dân Quảng Bình, y muốn “bắt quàng làm họ” với gia đình họ Ngô mà chưa có cách. Một lần đi họp ở tỉnh Hậu Nghĩa, nghe viên thiếu tá tỉnh trưởng cho biết “Ngô tổng thống” khuyến khích các địa phương xây dựng các “khu trù mật” có người dân di cư thành khu dân cư “kiểu mẫu”, ai làm được điều đó đích thân tổng thống sẽ đi thăm và chính quyền địa phương được tưởng thưởng.

Tay đại úy quận trưởng vốn ranh mảnh, đã chớp thời cơ để lập công. Ông ta đã dành sự quan tâm đặc biệt cho “khu trù mật” của người dân di cư từ Quảng Bình, những nguồn ngân khố địa phương được chi tiêu thoải mái cho xây dựng các “khu trù mật” này. Dịp tốt đã tới, tay quận trưởng chuẩn bị ngày lễ Giáng Sinh thật long trọng cho người dân theo đạo Công giáo di cư vào Đức Huệ.

Trước lễ Giáng Sinh mấy bữa, thông qua tay tỉnh trưởng Hậu Nghĩa cũng đang rất muốn lập công, một bản báo cáo “khu trù mật lý tưởng” ở huyện Đức Huệ đã được trình lên Ngô Đình Diệm, trong đó có cả kế hoạch tổ chức lễ Giáng Sinh chu tất. Theo những người từng sống trong các “khu trù mật” ở Đức Huệ, để làm ra vẽ sung túc, tay quận trưởng Đức Huệ đã cho thuộc cấp mua trái cây gắn lên những cây trồng chưa kịp ra trái, để chào đón chuyến thăm của “Ngô tổng thống”.

Về phần ông Mười Thương, sáng hôm sau đọc các báo Sài Gòn thấy đưa tin Ngô Đình Diệm đi dự Giáng Sinh ở các “khu trù mật” huyện Đức Huệ, ông tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nếu thông tin đó đến với các ông sớm hơn, chưa biết chuyện gì đã xảy ra ở Đức Huệ, điều mà cả miền Nam và thế giới đã chứng kiến sau đó 1 năm, khi ông Mười Thương cuối cùng cũng đã phục kích được Ngô Đình Diệm khi ông ta đi Buôn Mê Thuột dự “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” để thực hiện vụ ám sát gây chấn động đến cả nước Mỹ.

Sau này khi nhớ lại, đối chiếu các tình huống, ông Mười Thương cho rằng nếu vụ ám sát Ngô Đình Diệm diễn ra ở Nhà thờ Đức Bà, khả năng thành công (giết chết được kẻ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ Ngô Đình Diệm) sẽ rất cao.

Tại Nhà thờ Đức Bà, ông Mười Thương có cơ hội áp sát “con chiên” Ngô Đình Diệm mà ra tay. Còn ở “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” Buôn Mê Thuột, buổi cắt băng khai mạc có mặt Ngô Đình Diệm, chính quyền địa phương không cho người đi xem hội chợ vào khu vực làm lễ, mà chỉ chọn lọc một số người dân tộc tại chỗ. Mà ông Mười Thương lại không thể giả làm người dân tộc, nên ông chỉ có thể đứng cách xa Ngô Đình diệm 20 mét mà ra tay…

Thiên Thanh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn