Điều hành xuất khẩu gạo sẽ hết 3kg thóc<1kg ốc bươu?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Về quy chế hoạt động, Tổ công tác hoạt động theo nguyên tắc thảo luận dân chủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên, Thường trực Tổ công tác (Bộ Công Thương) tổng hợp tình hình, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan theo nhiệm vụ được giao.

Theo thông tin từ VOV, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm Tổ trưởng và kèm theo Quyết định này là Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Tổ công tác.

Theo đó, Tổ công tác gồm đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Công Thương, NN & PTNN, Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là tư vấn về các vấn đề liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trong điều hành xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo. Theo dõi diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo thế giới và trong nước để tư vấn những biện pháp điều hành xuất khẩu gạo, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo và những vấn đề phát sinh trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Nghiên cứu, đề xuất biện pháp, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hoặc tham gia với các Bộ, ngành, địa phương liên quan như: điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, quy hoạch kho chứa, cơ sở xay, xát, thóc, gạo; vấn đề thu mua, tạm trữ thóc gạo, xây dựng vùng nguyên liệu, điều tiết bình ổn thị trường nội địa, tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất, điều hành và kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, thóc gạo.

Về quy chế hoạt động, Tổ công tác hoạt động theo nguyên tắc thảo luận dân chủ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các thành viên, Thường trực Tổ công tác (Bộ Công Thương) tổng hợp tình hình, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan theo nhiệm vụ được giao.

Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng hoặc đột xuất khi cần thiết, các thành viên Tổ công tác có trách nhiệm gửi báo cáo về các vấn đề liên quan đến mặt hàng gạo theo chức năng nhiệm vụ được phân công của Bộ, ngành phụ trách đến Tổ trưởng (thông qua Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương).

Thường trực Tổ thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo, kiến nghị Tổ trưởng biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong điều hành xuất khẩu gạo; chỉ đạo bộ phận giúp việc chuẩn bị tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất và các hoạt động khác của Tổ công tác theo quy định.

DN xuất khẩu đang lãi lớn trên sự nghèo nàn của người dân

Với các phương trâm của tổ công tác này đều hướng về doanh nghiệp không thấy hai chữ quyền lợi của người nông dân ở đâu. Các cơ quan trong tổ công tác thiếu vắng đại diện của hội nông dân Việt Nam.

Gần đây, dư luận không khỏi xót xa khi người nông dân đua nhau bỏ ruộng, nhiều người mặn chát mồ hôi cả đời bên cây lúa giờ đành từ bỏ vì càng làm càng lỗ. Giá lúa gạo ngày càng giảm tới mức 3kg thóc không bằng 1 kg ốc bươu vàng.

Trong khi đó, Chính phủ chi hàng nghìn tỷ để hỗ trợ người nông dân thông qua chính sách mua tạm trữ lương thực thì người nông nhân chỉ nhận được vài đồng lẻ từ chính sách này. Câu chuyện tạm trữ lương thực khiến người dân càng thêm bức xúc.

Trong khi nông dân không có khả năng trữ lúa thì việc triển khai mua để tạm trữ lại được VFA triển khai chậm chạp và tồn tại quá nhiều bất cập.

Tại cuộc tiếp xúc với báo chí vào đầu tháng 6/2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, sở dĩ không kéo dài thời gian tạm trữ sang tháng 8 là vì phải mua trong thời gian ngắn thì giá lúa mới có thể nhích lên, nếu kéo dài thời gian sẽ khiến các DN “mua đủng đỉnh”. Tuy nhiên, đến nay, chính VFA lại là đơn vị kiến nghị kéo dài thời gian tạm trữ đến hết ngày 15/8 vì cho rằng đến hết tháng 7 chỉ có thể hoàn thành được khoảng 85% chỉ tiêu.

Động thái này của VFA rõ ràng thừa nhận việc điều hành chương trình mua tạm trữ của hiệp hội này đang vấp phải mâu thuẫn mà ở đó nguyên nhân chính là những khuất tất trong việc độc quyền XK gạo của các DN thành viên hiệp hội.

Thực tế, đầu tháng 7/2013, các DN XK gạo đang tồn kho khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Lãnh đạo VFA thừa nhận rằng, các DN trong nước rất khó khăn trong việc tìm kiếm và ký hợp đồng mới. Đối với một số thị trường, như Trung Quốc chẳng hạn, ông Trương Thanh Phong còn khẳng định: “Muốn bán được thì phải kéo giá xuống thấp nữa”.

Trong khi đó, cũng tại thời điểm đầu tháng 7, thống kê của NHNN cho thấy các DN đã nhận được khoản vay khoảng 2.600 tỷ đồng. Rõ ràng ở đây, không có gì đảm bảo rằng với số tiền hàng nghìn tỷ này các DN thành viên VFA không tận dụng để mua rẻ-bán rẻ nhằm thanh lý tồn kho.

Bởi khi được Nhà nước hỗ trợ tài chính, các DN có chỉ tiêu mua tạm trữ sẽ giảm được chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ và, đương nhiên, họ cũng sẵn sàng XK với giá rẻ hơn mà lợi nhuận không bị suy giảm.

Chính vì vậy một số chuyên gia cho rằng chính cách thực hiện hỗ trợ tạm trữ gạo hiện nay vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Cho dù với giá thấp như vậy, lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt.

Họ càng làm lúa càng… lỗ, khi giá đầu vào như vật tư, giống, các khoản đóng góp xã hội tại nơi cư trú đang ngày càng tăng và thêm điều mục đóng góp.  Vậy việc ra đời của tổ công tác trên có đảm bảo người nông dân bớt khổ, hạt lúa không cõng thêm khoản phí cho tổ công tác hoạt động?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn