Cách kiềm chế cảm xúc trong cuộc sống hiện tại bộn bề những lo toan, chúng ta cảm thấy luôn ẩn chứa bao nhiêu điều bức xúc, hay nóng giận mà nhiều khi dẫn đến những hành vi tổn thương cho người khác và cho chính bản thân mình. Bởi những hành vi bốc đồng, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời cũng như sự chấp nhặt, tức giận, bất ổn… trong quan hệ giao tiếp có tác động rất lớn đến mức thu nhập và địa vị xã hội.
Khi bạn nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của bạn, bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo, quản lý sự căng thẳng, tạo nên tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với người khác. Nhưng nếu không kiềm chế cảm xúc, bạn sẽ nhầm lẫn, cô lập và nghi ngờ.
Bằng cách học để nhận biết, quản lý và đối phó với cảm xúc của bạn, bạn sẽ tận hưởng nhiều hạnh phúc hơn và có nhiều mối quan hệ tốt hơn. Làm thế nào để kiềm chế được sự tức giận, chúng ta tham khảo những kỹ năng kiềm chế cảm xúc ngay sau đây để có được lời giải tốt hơn cho cuộc sống:
Ngừng lại và hít một hơi thở sâu
Việc đầu tiên bạn nên làm là ngừng hết mọi suy nghĩ và hít một hơi thở sâu. Đừng làm bất kỳ điều gì một cách vội vã, bởi vì bạn có thể sẽ phải hối hận sau đó. Hãy nhắm mắt lại, đếm từ 1 đến 10 rồi sau đó hít một hơi thở sâu.
Nghĩ đến trách nhiệm bản thân
Khi gặp rắc rối, bạn thường tìm cách quy trách nhiệm cho người khác, từ ngữ đầu tiên trong tâm trạng bực tức, khó chịu với ai đó thường là: “Tại anh/chị…”. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến trách nhiệm của bản thân thì bạn sẽ tập trung để xử lý hơn là phàn nàn và đổ lỗi cho người khác. Hãy nghĩ tới: “Trong chuyện này, mình cũng có trách nhiệm, mình nên làm như thế này mới đúng… mình cần giúp đỡ mọi người…”.
Tuyên bố rằng bạn muốn làm một điều gì đó có ích hơn và cần bình tĩnh, rồi tập trung vào đó
Bạn không thể kiểm soát được hành vi của người khác nhưng có thể kiểm soát được hành vi của chính mình. Khi chấp nhận được suy nghĩ này, bạn đã tiến thêm một bước nữa trên con đường kiểm soát bản thân trước cơn giận dữ. Điều tiếp theo là hãy nghĩ đến một số việc mà bạn muốn làm trong một giờ nữa, hoặc trong vài ngày tới, tuyên bố rằng bạn muốn tập trung vào những điều này. Suy nghĩ của bạn sẽ dịch chuyển ra khỏi cơn tức giận và hướng tới những điều khiến bạn vui vẻ hơn.
Quay lại tự hỏi mình một số câu hỏi
Đừng bao giờ phản ứng lại khi bạn đang thực sự bị kích động vì bấy giờ bạn giống như là một nồi nước sôi vậy. Hãy nhìn vào trong tâm mình và tự hỏi một số câu để đánh giá tình hình như: Mình có thể chịu được tình huống khó chịu này không? Mình có hiểu lầm gì không? Sự việc này có đáng không? Lúc giận dữ trông mình như thế nào nhỉ? Mặt mình có đỏ lên không? Mình có vung tay vung chân không? Liệu mình có muốn làm việc với ai giống như mình bây giờ không? Dĩ nhiên là không.
Việc bận rộn với những câu hỏi trên sẽ khiến não bộ của bạn được bảo vệ tránh phản ứng thái quá. Chúng rất hữu ích cho những người đang tức giận.
Hãy viết chúng ra
Nếu bạn vẫn cảm thấy không vui sau khi đã cố gắng loại bỏ cảm xúc tiêu cực, vậy hãy viết nó ra. Viết ra cảm xúc của bản thân là cách để giữ bình tĩnh rất tốt bởi vì nó cho phép bạn có thể phân tích và làm sáng tỏ sự phức tạp của vấn đề, từ đó đi đến một giải pháp. Nó cũng khiến cho não của bạn đào thải sự việc đó ra vì nó đã được lưu lại cố định ở một chỗ khác rồi.
Tâm sự với ai đó
Một trong những điều khiến chúng ta mất bình tĩnh và nổi nóng là vì chúng ta bị mắc kẹt với những suy nghĩ trong đầu của mình. Nếu bạn có một người bạn bên cạnh trong tình huống đó, hãy kể và chia sẻ với họ. Nếu không có ai ở bên cạnh, hãy gọi điện cho bạn bè và nói về cảm xúc của bạn. Nói ra với ai đó sẽ khiến cho “cục tức” đi ra khỏi lồng ngực và bạn sẽ bình tĩnh hơn. Còn nếu bạn vẫn cảm thấy kinh khủng dù đã thử mọi cách, bạn gặp vấn đề quá lớn trong công việc hay trong quan hệ, hãy cân nhắc việc nói chuyện cùng một chuyên gia. Một bác sĩ tâm lý có thể biết được xu hướng hành vi của bạn và sẽ đưa ra giải pháp giúp bạn.
Đặt tên cho cảm xúc tiêu cực của bạn
Kevin Ochsner, một giáo sư khoa Tâm lý thuộc đại học Columbia cho rằng, việc cố gắng ngăn chặn một cảm xúc tiêu cực có khi sẽ khiến nó phản tác dụng và quay ngược trở lại tấn công bạn. Vì thế, nếu bạn có cảm giác khủng khiếp, hãy đặt cho nó một cái tên: bực mình, thất vọng, buồn chán? Hãy cố gắng suy nghĩ một hai từ để dán nhãn cho cảm xúc tiêu cực này, bạn sẽ thấy chúng giảm đi đáng kể.
Gạt bỏ hết những suy nghĩ vô ích trong đầu bạn
Điều này bao gồm những tư tưởng oán thù và những suy nghĩ như “thật không công bằng”… Những suy nghĩ này không giúp được gì cả. Chúng chỉ làm cho sự tức giận của bạn tồi tệ hơn. Hãy gạt bỏ chúng và bạn sẽ thấy mình dễ dàng bình tĩnh hơn. Ngoài ra, hãy tránh sử dụng những câu như “Anh luôn làm như vậy” hay “Anh không bao giờ biết lắng nghe người khác”, “Tốt hơn là anh nên…”, v.v… Những cách nói này sẽ khiến tình hình trầm trọng thêm. Thay vào đó, hãy tập trung suy nghĩ vào những điều tích cực, bạn sẽ thấy chúng hiệu quả hơn và xua tan cơn bực bội.
Hãy đốt cháy cơn giận trong việc tập thể dục
Mặc dù chúng ta cố gắng không để cơn giận dữ thoát ra, nhưng thỉnh thoảng chúng cũng bị tràn ra bề mặt. Khi đó thì cách tốt nhất là hãy chuyển năng lượng giận dữ sang các bài tập thể dục. Hãy đứng lên, ngồi xuống, chạy bộ, tập gym để đốt cháy dòng năng lượng. Tập thể dục giúp tiêu hao cơn bực tức, làm cho tinh thần phấn khởi lên, giúp bạn cảm thấy khỏe hơn và vui vẻ hơn. Bạn cũng có thể đi ngủ một chút nếu bạn cảm thấy quá thất vọng. Ngủ cũng có thể làm cho bạn bình tĩnh hơn, làm nguôi ngoai cơ thể và tâm trí.
Ra ngoài và kết nối với thiên nhiên
Mẹo cuối cùng là hãy bước ra ngoài và tận hưởng không khí cũng như ánh nắng mặt trời. Đi bộ một vài phút dưới bóng cây, nhìn chim chóc bay trên bầu trời và cảm nhận gió lùa qua mái tóc. Kết nối với tự nhiên, không khí tươi mát sẽ giúp bạn bình tĩnh lại. Đây là một trong những giải pháp có tác dụng tức thời đấy nhé!
Tác giả: