1. Thời điểm ăn dặm không hợp lý
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em, thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.
Sai lầm của nhiều phụ huynh là cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm có thể bắt đầu. Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi: do hệ men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, trẻ sẽ bị khó tiêu, gây nên tình trạng ít bú mẹ.
2. Ăn nhiều bữa bột/ngày
Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, trẻ sẽ chán và sợ ăn.
3. Mua nhiều loại bột
Bột ăn dặm cũng giống như sữa bột, thời gian từ lúc mở nắp hộp cho đến khi dùng hết hộp bột (hoặc sữa) không nên quá 15 ngày. Nếu mở cùng một lúc nhiều hộp bột, thời gian sử dụng của một hộp sẽ kéo dài, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm vi khuẩn vào bột gây bệnh tiêu chảy cho trẻ.
4. Thức ăn càng phong phú càng tốt
Đây là ý nghĩ rất sai lầm. Nhiều người cho rằng, ngay từ khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, thức ăn phải phong phú, đa đạng. Bữa ăn của trẻ phải được chế biến từ nhiều loại thực phẩm khác nhau để trẻ có thể làm quen và ăn được chúng khi lớn lên.
Tuy nhiên, hệ tiêu hoá của trẻ chưa đủ khả năng tiêu hoá một số loại thức ăn, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều prôtit, chất đạm, chất béo… Thức ăn không tiêu hoá được có thể gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hoá. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và hoàn thiện hệ tiêu hoá cũng như sức khỏe của trẻ.
Nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng những món ăn một thành phần để theo dõi và thử nghiệm phản ứng của cơ thể trẻ với các loại thức ăn đó.
5. Quá ưu tiên đạm
Nhiều mẹ nấu bột có thói quen cho thật nhiều thịt, cá, trứng,… và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến biếng ăn.
6. Chỉ cho ăn những món trẻ thích
Trẻ khi sinh ra đã có khả năng phân biệt được 4 vị cơ bản: mặn, ngọt, đắng và chua. Trong giai đoạn ăn dặm, trẻ thường có chiều hướng thiên về 1 loại thức ăn nhất định (thường là thức ăn có vị ngọt). Nếu bạn chiều theo ý trẻ, chỉ cho ăn những loại thức ăn mà trẻ thích có thể gây nên hiện tượng mất cân bằng các dưỡng chất trong cơ thể, thậm chí có thể gây trướng bụng hoặc ỉa chảy dài ngày.
Khẩu vị của trẻ được quyết định ngay từ giai đoạn ăn dặm. Do vậy, hãy biết cân bằng các thành phần dinh dưỡng có trong bữa ăn của trẻ. Khi muốn đưa thêm một loại thực phẩm mới vào bữa ăn cho trẻ, tập cho trẻ ăn từ 8 – 10 lần và kiên trì theo khối lượng từ ít đến nhiều.
7. Chỉ cho ăn nước, không ăn cái
Đây là thói quen của nhiều mẹ khi cho bé ăn dặm. Thực tế, điều này chỉ phù hợp với bé trong vài ngày đầu, sau đó cần cho trẻ ăn luôn xác thịt, cá, rau… thì mới bảo đảm chất dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng.
8. Không cho hoặc cho rất ít dầu
Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.
9. Nghiền nhuyễn mọi thức ăn
Nghiền nhuyễn thức ăn khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán. Nhiều trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo không ăn được cơm cùng các bạn do ở nhà bố mẹ vẫn cho ăn cháo xay.
10. Nấu một nồi cháo ăn cả ngày
Nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra xay rồi nấu lại. Với cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn trẻ sẽ không thích ăn.
Tác giả: