3 cách nấu chè đỗ đen nhanh nhừ, ngon ngọt thanh mát giúp giải nhiệt ngày nắng

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là những món chè ngon từ đậu đen:

Trong các loại đậu, đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn so với các loại đậu khác, được phong là “vua của các loại đậu”, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Chè đỗ đen truyền thống

Nguyên liệu cần có

– 300 – 400gr đỗ đen

– 200 gram đường

– 200ml nước cốt dừa

– 50 gr dừa tươi nạo sợi

– 30gr dừa khô

– 10ml dầu chuối

– 30gr lạc rang giã nhỏ

Các bước nấu chè đỗ đen

Bước 1: Rửa sạch đỗ đen

– Đỗ đen vo sạch, ngâm ngập trong chậu/xoong rồi xả nước cho ngập. Lọc bỏ những hạt nổi trên mặt nước là những hạt hỏng, chỉ giữ lại những hạt chìm.

– Đậu rửa sạch rang bằng lửa to khoảng chừng 10 phút cho đến khi bề mặt ngoài hơi nhăn lại.

Bước 2: Ninh (làm nhừ) đỗ đen

– Bắc nồi nước, đun sôi cho đến khi nước nổi bọt. Dùng muôi múc hết bọt và hạ nhỏ lửa ninh cho đến khi hạt đỗ mềm ra.

Bước 3: Xào hạt đỗ đen với đường

– Múc phần hạt đỗ đen ra ngoài. Ướp phần hạt này với phần đường đã chuẩn bị cho ngấm đều trong khoảng từ 10 – 15 phút.

– Tiếp đến, bạn cho phần đỗ đã ướp đường này lên chảo và đảo đều để hạt đỗ được bện đường, se lại.

Bước 4: Nấu chè

– Cho phần hỗn hợp này vào nồi nước chè đã ninh trước đó và đun cho đến khi nước sôi trở lại, thêm lại vị ngọt của nồi chè cho vừa với khẩu vị là được.

– Khi ăn cho lạc rang, dừa sợi để thêm vì béo, thơm cho món chè đỗ đen.

Chè đỗ đen bột lọc

Chè đậu đen bột lọc thơm mát bởi những hạt đậu đen bùi bùi không nát, những viên bột lọc dai dai càng làm cho món chè trở nên hấp dẫn và thú vị hơn khi thưởng thức. Cùng tham khảo công thức nhé các mẹ !

Nguyên liệu

Đậu đen: 500g

Bột năng: 100g

Nước cốt dừa: ½ hộp

Dừa nạo: 50g

Đường: 200g

Muối: 1 thìa cà phê

Sơ chế nguyên liệu chuẩn bị nấu chè

– Đậu đen rửa sạch, đem ngâm trong nước lạnh vài tiếng với chút muối. Tốt nhất, bạn nên ngâm qua đêm để đậu mềm và nấu nhanh chín hơn.

Hướng dẫn cách nấu chè đậu đen bột lọc

Bước 1. Nấu đậu đen.

– Đậu sen sau khi ngâm bạn cho vào nồi, đổ ngập nước rồi bắc lên bếp nấu. Khi nước sôi, hạ lửa và nấu đến khi đậu chín mềm.

– Cho đường vào, khuấy đều và nấu thêm chút nữa cho đường tan hết rồi tắt bếp.

Bước 2. Làm bột lọc.

– Cho một chút nước vào bột năng và nhồi bột thành một khối mịn dẻo, không dính tay. Chế thêm nước nếu thấy bột khô quá.

– Nấu một nồi nước sôi sẵn trên bếp. Vo bột thành những viên tròn nhỏ như viên bi rồi cho vào nồi nước đang sôi. Tiếp tục làm cho tới khi hết bột.

– Khi các viên bột chín, chuyển từ màu trắng sang trong và nổi lên mặt nước thì vớt ra, cho ngay vào thau nước đá để bột không dính nhau. Sau đó vớt ra rổ, để ráo.

Bước 3. Nấu đậu đen và bột lọc.

– Bạn nấu sôi lại nồi nước đậu đen, cho hết bột lọc vào nấu cùng. Khuấy đều hỗn hợp và nấu thêm vài phút rồi tắt bếp.

– Đợi chè nguội, bạn múc ra chén, múc thêm nước cốt dừa và rắc dừa nạo lên trên rồi thưởng thức.

Chè đỗ đen hạt sen

Hạt sen tươi: 300 gram.

Đỗ đen: 1/2 bát.

Trân châu hạt nhỏ: 2 thìa (hay còn gọi là bột báng).

Đường phèn (tùy thuộc vào khẩu vị của bạn).

Muối: 1 thìa nhỏ.

Gừng: 1 nhánh nhỏ.

Nếu muốn món chè có vị béo ngậy, bạn có thể mua thêm nước cốt dừa đóng hộp sẵn hoặc nếu có thời gian các bạn có thể tự làm nước cốt dừa tại nhà nhé!

Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu cho món chè hạt sen đậu đen

Chọn hạt sen: Khi nấu chè, các bạn nên chọn hạt sen tươi để thành phẩm món chè hạt sen sau khi nấu sẽ thơm ngon hơn.

Lưu ý khi mua đậu đen: Thành phẩm món chè có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn đậu đen. Nếu mua đậu đen mà không có kinh nghiệm sẽ rất dễ lựa chọn phải loại đậu bị sướng. Vì thế, để mua được loại đậu đen ngon, khi mua các bạn nên lựa chọn 1 hạt rồi thử cắn đôi ra, tiếp đó quan sát bên trong. Nếu thất ruột đậu có màu hơi hơi xanh thì là đậu ngon, còn nếu thấy ruột đậu có màu trắng tinh là đâu không ngon.

Cách nấu chè hạt sen đậu đen ngon

Bước 1: Sơ chế đậu đen

Đậu đen: Sau khi mua về, đem đãi thật sạch, nhặt bỏ những hạt đậu bị hư hỏng đi rồi cho vào ngâm qua đêm với nước + 1 thìa nhỏ muối.

Bước 2: Hầm đậu đen

Sau khi đã ngâm đậu xong, các bạn đem đậu đãi lại cho thật sạch, sau đó cho đậu vào nồi hầm để đậu được chín mềm rồi cho đường phèn vào. Vặn lửa nhỏ đun cho đường ngấm đều vào đỗ.

Lưu ý: Để tiết kiệm được thời gian, bạn có thể sử dụng nồi áp suất để ninh cho nhanh mềm.

Mách nhỏ: Nếu muốn món chè được ngon hơn, các bạn có thể gạn hết nước chè đỗ đen ra bát. Tiếp đó để lại hạt đậu trong nồi và cho thêm 1 chút đường trắng vào rồi xào đều lên cho đậu với đường ngấm đều nhau nhé!

Bước 3: Sơ chế và nấu hạt sen

Hạt sen sau khi mua về các bạn đem bóc tách hết vỏ và tim sen (nếu để tim sen khi nấu món chè sẽ bị đắng nên cần tách bỏ).

Tiếp đó, đem hạt sen rửa thật sạch, bắc 1 nồi nước lên trên bếp, đun sôi rồi đổ hạt sen vào (đun liu riu với mức lửa nhỏ) cho đến khi thấy hạt sen bở mềm thì tắt bếp đi.

Bước 4: Sơ chế trân châu

Các bạn cho trân châu hạt nhỏ vào trong âu nước ngâm khoảng 10 phút để trân châu nở đều rồi cho ra rổ, để ráo nước.

Lưu ý: Nếu như các bạn không thích ăn trân châu thì có thể bỏ qua bước này.

Bước 5: Nấu chè hạt sen đậu đen

Đầu tiên các bạn chuẩn bị 1 cái nồi, cho đậu đen và hạt sen vào hầm chung với mức lửa thật nhỏ. Nêm nếm gia vị với 1 lượng đường tùy theo khẩu vị của mọi người trong gia đình (lưu ý: khi nấu chè các bạn nên chọn đường nâu hoặc đường phèn thay vì chọn đường kính trắng để món chè có vị ngọt dịu, không ngọt gắt như đường kính nhé).

Trong khi nấu, các bạn nên dùng muôi khuấy đều liên tục để đậu đen và hạt sen được chín đều, không bị cháy dưới đáy nồi.

Cuối cùng, khi thấy hạt sen và đậu đen đã chín mềm thì tiếp tục cho trân châu nhỏ vào nồi, đun tiếp trong khoảng 2 phút rồi tắt bếp đi là bạn đã có được 1 món chè hạt sen đậu đen ngon tuyệt hảo rồi đó.

Những người đại kỵ với đậu đen

Mặc dù đậu đen cũng là một trong những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng theo nghiên cứu có những đối tượng sau được khuyên là không nên sử dụng đậu đen:

Người có cơ thể hàn lạnh

Bởi bản chất đậu đen có tính mát nên những ai bị hư hàn như: loét hành tá tràng, dễ tiêu chảy, tiêu chảy mạn, chân tay lạnh, mệt mỏi, sợ lạnh… không nên uống, vì sẽ khiến bệnh nặng hơn, khó điều trị dứt điểm thậm chí còn làm phát sinh thêm các bệnh khác. Rất nguy hiểm đến cơ thể nếu như sử dụng nước này mỗi ngày.

Người đang dùng thuốc

Đậu đen giúp giải độc cho cơ thể khá tốt, chúng có chứa các chất như protein, phốt pho hữu cơ, các kim loại nặng có thể kết hợp thành chất kết tủa. Do đó, nếu người đang trong quá trình dùng thuốc tuyệt đối không được uống nước đậu đen vì sẽ khiến các chất trong chúng phản ứng mạnh với các thành phần của thuốc, khiến làm giảm tác dụng của thuốc.

Người già, trẻ nhỏ, thể chất yếu

Vì hàm lượng protein có trong đậu đen rất cao, nên với những trường hợp như: người già, trẻ nhỏ, thể chất yếu ớt... sẽ khó tiêu thụ hết được lượng chất có trong đậu đen. Do đó, khi uống nước đậu đen sẽ gây ra những vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.

Trong đậu đen còn chứa rất nhiều Phytat - đây là chất gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho… dẫn tới thiếu máu, loãng xương do đó những trường hợp như trẻ nhỏ và người già cũng được khuyên là không nên uống.

Người bị bệnh thận

Mặc dù đậu đen có chức năng bổ thận nhưng bệnh nhân mắc bệnh thận nặng cũng không nên tiêu thụ quá nhiều. Đó là do đậu đen không dễ tiêu, nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, không những không có tác dụng mà còn làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Bệnh nhân bị gút

Do trong đậu có chứa nhiều nhân purin, có thể gây rối loạn chuyển hóa acid uric, lắng đọng acid uric trên xương khớp gây ra bệnh gút. Ăn nhiều đậu đen có thể khiến tình trạng bệnh gút nặng hơn.

Người kinh nguyệt không đều

Những người bị chậm kinh không nên ăn đậu đen, vì đậu đen có thể làm chậm quá trình rụng trứng.

Tác giả: Vũ Ngọc