Biết nói lời "cảm ơn" và "xin lỗi"
Từ khi con bắt đầu tập nói, cha mẹ hãy dạy con phải nói "cảm ơn" khi được giúp đỡ, và "xin lỗi" khi mắc sai lầm. Đừng nghĩ rằng, con còn nhỏ, giáo dục những nếp sống như vậy là quá nặng nề. Cây non dễ uốn, nên nhớ gia đình là điểm khởi đầu quyết định trẻ có nên người hay không. Nếu cha mẹ chủ động nói những lời này làm gương cho con, con sẽ tự giác làm theo mà không cần thúc ép. Thậm chí còn xem đó là niềm vui, hào hứng thực hiện.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con sự quan tâm và thấu hiểu. Đừng dành những phần ngon nhất cho con, mà hãy dạy con dành tặng cho mình và mọi người xung quanh.
Lịch sự trong bữa ăn
Cha mẹ nên nhớ, miếng ăn là miếng nhục. Dù trẻ còn nhỏ, nhưng cách ứng xử của trẻ trên bàn ăn cũng phần nào thể hiện bộ mặt của bạn. Vậy nên, khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy con một số nguyên tắc cơ bản: không phát ra tiếng động lớn, không dùng quần áo lau miệng, ăn chậm nhai kỹ, không văng thức ăn ra bàn,... Đừng nghĩ làm vậy là gò bó sự sáng tạo của con, bởi nếu cha mẹ không ứng phó kịp thời, sẽ biến con thành người bỗ bã, tham ăn tục uống, như vậy còn tai hại hơn nhiều.
Không chen ngang vào cuộc nói chuyện của người khác
Cha mẹ đừng nghĩ: Con còn nhỏ, không biết gì mà khi thấy con chen ngang vào cuộc nói chuyện của người khác, lại nghĩ đó là chuyện bình thường mà không uốn nắn con. Nên nhớ, phép lịch sự khi nói chuyện là giáo dục căn bản. Dù với người lớn hay bạn bè, cũng phải lịch sự, đợi người khác nói xong mới được nói, nếu có ý kiến gì phải xin phép đàng hoàng.
Cha mẹ cũng nên lưu ý, khi con nói chuyện với bạn, cũng hãy biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Như vậy, trẻ sẽ biết tôn trọng và lắng nghe người khác.
Tác giả: