Khổng Tử từng nói: “Ta, 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”.
Đây là tổng kết của Khổng Tử về cuộc đời mình, cũng là tấm gương cho những ai muốn theo đuổi một cuộc đời hoàn mỹ, đặc biệt là sau tuổi 30.
Vậy thì khi đến ngưỡng 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, 60 tuổi, 70 tuổi, chúng ta cần sống như thế nào?
Tam thập nhi lập: 30 tuổi có thể tự lập
Con người ở độ tuổi 30 về cơ bản đã có thể xác lập được phương hướng phát triển cuộc đời mình. Họ cũng có thể dựa vào bản lĩnh của tự thân mà gánh vác những trách nhiệm mình cần đảm đương.
“Nhi lập” ở đây là lập thân, lập gia, lập nghiệp.
- Lập thân là xác lập nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân. Điều này bao gồm việc tu dưỡng trong tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức, bồi dưỡng năng lực và có thể tự lực tự cường. Trong đó sự tự cường là cái gốc lập thân, là yêu cầu cơ bản nhất khi mỗi người muốn đứng vững trong xã hội.
- Lập nghiệp là xác lập công danh, sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Người 30 tuổi nên có nghề nghiệp vững chắc. Dẫu theo đuổi bất kỳ công việc nào cũng cần có một năng lực nhất định. Nói theo cách hiện đại chính là có một sở trường về kỹ năng nào đó.
- Lập gia là lập gia đình. Xã hội cạnh tranh mạnh mẽ ngày nay đã kéo dài tuổi lập gia đình của những người trẻ. Nhưng đứng từ góc độ sinh sôi nảy nở của nhân loại mà nói thì độ tuổi này lại rất phù hợp. Hơn nữa con người khi đến 30 tuổi sẽ hiểu rõ về hôn nhân và trách nhiệm.
Còn về trình tự lập thân, lập nghiệp và lập gia đình, do tình huống của mỗi người mỗi khác, nên chúng ta không phải câu nệ thứ tự trước sau, mà hai điều này đều tương trợ cho nhau.
Tứ thập nhi bất hoặc: 40 tuổi không còn mê hoặc
40 tuổi là độ tuổi dùng điều bất biến để ứng vạn biến, là độ tuổi có thể nhìn thấu vạn vật trên thế gian, cũng là độ tuổi trưởng thành. “Bất hoặc” tức là tỉnh táo, là minh bạch về bản thân, về người khác và về thế giới.
- Hiểu thấu bản thân mình
Chính là khiến nội tâm mình dần dần trở nên lớn mạnh trong quá trình tôi luyện, biến những thứ bên ngoài trở thành năng lượng bên trong. Người 40 tuổi là người có độ tuổi thực tế nhất, không nên phạm quá nhiều sai lầm và đi đường vòng.
- Hiểu rõ trách nhiệm của bản thân
Đặc điểm lớn nhất của người 40 tuổi là hiểu rõ trách nhiệm của bản thân mình. Họ phải gánh vác trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình, hiếu thuận với cha mẹ, và chịu trách nhiệm dưỡng dục con cái.
40 tuổi là thời kỳ huy hoàng trong đời người, cũng là thời kỳ có cống hiến lớn nhất cho gia đình và xã hội.
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: 50 tuổi biết được mệnh Trời
Mệnh trời còn gọi là số mệnh, 50 tuổi biết mệnh Trời. Người 50 tuổi đã tới giai đoạn chín muồi trong cuộc đời. Lúc này có rất nhiều việc trong đời dường như đã thành hình.
Người 50 tuổi hiểu biết hơn về xã hội nên càng thấu hiểu bản thân hơn. Họ học được cách thản nhiên đối mặt với mọi việc. Họ không oán trời, không trách người, không lười nhác.
- Tri thiên mệnh
Người 50 tuổi sức khỏe không còn như trước. Họ càng hiểu rõ hơn về sự yếu nhược của sinh mệnh, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe. Sức khỏe là vốn liếng của sinh mệnh. Không khi nào con người lại có trải nghiệm sâu sắc như thế về sức khỏe như ở độ tuổi này. Họ sẽ chú trọng tới việc dưỡng sinh hơn trước và bắt đầu tích cực rèn luyện.
- Biết trân trọng tình cảm
Người 50 tuổi đã trải qua sự gột rửa của thời gian. Họ sẽ biết trân quý hơn người bạn đời đồng cam cộng khổ trong đời mình, biết trân trọng hơn đứa con đã trưởng thành và những người bạn cũ luôn kề vai sát cánh bấy lâu nay… Tình thân, tình bạn, tình yêu, những điều này dần sẽ trở thành những điều quan trọng trong số những điều được coi trọng trong lòng họ. Tâm danh lợi của họ cũng dần tiêu tan.
Lục thập nhĩ thuận: 60 tuổi tai biết điều phải trái
Tới khi 60 tuổi, dẫu cho ai nói ngả nói nghiêng, dù gặp phải trắc trở, khó khăn thế nào thì con người cũng đều không quá kích động. Họ có thể suy nghĩ mọi sự một cách điềm tĩnh và thuận theo quy luật của sự vật. Họ có thể thản nhiên trước vinh nhục, ngộ ra ý nghĩa đời người, nhìn thấu kiếp nhân sinh và coi nhẹ danh lợi.
- 60 tuổi nhìn thấu kiếp nhân sinh
Từ khi nghỉ hưu, họ chuyển từ vai trò chính ngoài xã hội về với vai trò chính trong gia đình, vui hưởng đạo cùng trời đất. Người 60 tuổi đã minh bạch những điều này, nên có thể vui vẻ tiếp nhận cuộc sống hiện thực và hiểu rõ cuộc sống nên có của một người ở độ tuổi này.
- 60 tuổi nhìn thấu sinh mệnh
Người 60 tuổi phải sống thật mạnh khỏe, vui vẻ, điều này cũng là một sự cống hiến đối với xã hội. Ý nghĩa của sinh mệnh là nghĩ cho người khác nhiều hơn là đòi hỏi cho riêng mình. Khi bạn đã làm được thì cũng không còn gì phải nuối tiếc nữa.
Thất thập tòng tâm sở dục: 70 tuổi tâm theo ý mình
Người 70 tuổi có thể muốn gì làm nấy theo cách nghĩ của mình. Họ biết cách sống thuận theo tự nhiên, thích ứng với mọi hoàn cảnh, cũng không được vượt quá quy củ.
Cơm ăn không quan trọng cao lương mỹ vị hay đạm bạc đơn sơ, chỉ cần thấy ngon miệng là được. Phòng ốc không quan trọng lớn hay nhỏ, chỉ cần sống vui vẻ là được.
Hãy làm những chuyện bản thân thấy hứng thú, đừng oán người, trách trời, trách đất, cũng đừng để tâm lo nghĩ quá mức tới người khác.
Thấy sức khỏe suy giảm từng ngày cũng đừng hoảng hốt, thấy cái chết cận kề mỗi ngày cũng đừng khiếp sợ. Mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, tùy cảnh mà an.
Tác giả: Dương Ngọc
-
9 bài học của Phật dạy chúng ta cách hóa giải những khó khăn trong cuộc đời
-
Phật dạy rằng, có 4 loại duyên giữa con cái và cha mẹ. Vậy 4 loại duyên này là gì?
-
Đời người có 5 nỗi khổ lớn nhất, ai vượt qua được rồi sẽ thấy biển rộng trời cao
-
Dù thế nào cũng đừng vội oán trách số phận, Trời cao ắt có sự an bài
-
Ông Trời luôn công bằng, trải qua 7 kiếp bạn sinh tử, trả hết nợ rồi quả ngọt tất sẽ đến