4 điều tuyệt đối không nên làm để tránh trở thành kẻ vô duyên, EQ thấp trong mắt người đối diện

( PHUNUTODAY ) - Việc mang đời tư hay chuyện gia đình của người khác làm trò đùa sẽ khiến bạn trở thành người vô duyên, chẳng ai muốn đến gần.

Đùa giỡn quá trớn với người khác giới

Trong mối quan hệ với người khác giới, cần phải thiết lập giới hạn rõ ràng. Dù mối quan hệ có tốt đẹp đến đâu, những lời nói đùa và hành động trêu chọc cũng phải được kiểm soát để tránh gây phản cảm.

Cách đây không lâu, cô Dư, một nhân viên văn phòng tại Quảng Châu (Trung Quốc), đã đến sở cảnh sát để báo án. Khi đang làm việc, cô bị một đồng nghiệp nam ôm chầm từ phía sau.

Dù cô đã chống cự, người đồng nghiệp này vẫn không buông tay. Đây không phải là lần đầu tiên anh ta có hành vi tương tự với cô. Không thể chịu đựng thêm, cô Dư đã gọi điện cho cảnh sát.

Trong mối quan hệ với người khác giới, cần phải thiết lập giới hạn rõ ràng.

Giữa thanh thiên bạch nhật và trước mặt nhiều đồng nghiệp, hành động của nam đồng nghiệp này là gì?

Khi bị cảnh sát thẩm vấn, anh ta oan ức nói: "Tôi chỉ đùa thôi mà."

Rõ ràng, việc tùy tiện đụng chạm hay nói đùa quá trớn với người khác giới (hay thậm chí là người đồng giới) là hành vi thiếu tôn trọng. Những người làm vậy thường có chỉ số EQ thấp.

Lấy đời tư người khác ra làm trò đùa

Trên mạng từng có một chủ đề rất hot: "Làm thế nào để kết thúc một mối quan hệ?"

Một cư dân mạng tên A Cố đã chia sẻ câu chuyện của mình. Anh từng có một người bạn rất thân, nhưng người bạn này lại lôi bí mật mà anh chia sẻ ra làm chủ đề "trà dư tửu hậu" với những người khác.

Khi A Cố còn học cấp 3, gia đình anh xảy ra biến cố, khiến tinh thần anh gặp vấn đề nghiêm trọng, thậm chí phải vào bệnh viện điều trị một thời gian dài. Anh đã chôn sâu chuyện này trong lòng, chỉ kể với người bạn thân.

Sau đó, anh có chuyến công tác đến thành phố nơi người bạn thân đang sống. Người bạn thân đến đón và mời thêm vài người bạn khác để cùng ăn liên hoan.

Trên mạng từng có một chủ đề rất hot: "Làm thế nào để kết thúc một mối quan hệ?"

Trong bữa ăn, mọi người nói về những trải nghiệm trong quá khứ. Đúng lúc này, người bạn thân bất ngờ đặt tay lên vai A Cố và cười nói: "Để tôi kể cho mọi người nghe, bạn tôi từng vào bệnh viện tâm thần. Cố, chia sẻ cho mọi người nghe trong bệnh viện tâm thần có gì, đồ ăn thế nào đi!"

Ánh mắt mọi người đều hướng về A Cố, khiến anh cảm thấy vô cùng xấu hổ và không nói được lời nào. Sau bữa liên hoan đó, A Cố đã cắt đứt liên lạc với người bạn thân kia.

Những người lấy chuyện riêng tư của người khác ra làm trò cười không chỉ có EQ thấp mà còn thiếu sự đồng cảm. Khi đối phương tức giận, họ còn đổ lỗi: "Cậu chẳng biết đùa gì cả."

Thực tế, vấn đề không phải là "không biết đùa", mà là "trò đùa sai" ngay từ đầu. Ai cũng có những bí mật không muốn ai biết, và với tư cách là bạn bè, chúng ta nên giữ bí mật giúp họ, thay vì lấy đó làm trò đùa để xát muối vào vết thương của đối phương.

Trêu chọc ngoại hình của người khác

Trong cuộc sống, luôn có một số người lấy vẻ bề ngoài của người khác ra làm trò đùa:

"Nhìn bụng của cậu kìa, bầu mấy tháng rồi?"

"Cậu mà cũng sợ đi ra ngoài buổi tối à, nhìn cậu... an toàn lắm luôn."

"Sao cậu lùn thế? Lùn hơn cả mấy đứa cấp 2, haha."

Lấy ngoại hình của người khác ra để pha trò, thoạt nhìn có vẻ như người đó đang muốn thể hiện sự hài hước, nhưng thực tế họ có thể chỉ muốn hạ thấp người khác để cảm thấy mình vượt trội hơn.

Tiểu S và A Nhã là đôi bạn thân nổi tiếng trong giới showbiz Đài Loan (Trung Quốc). Được biết, cả hai đã chơi với nhau từ thời cấp 2. Hồi đó, A Nhã thường ăn mặc xuề xòa, khá giống con trai và Tiểu S thường xuyên trêu chọc ngoại hình của cô. Sau khi tốt nghiệp, cả A Nhã và Tiểu S đều gia nhập làng giải trí, gần gây dựng được danh tiếng riêng. Thế nhưng, Tiểu S vẫn không thay đổi, vẫn hay lấy ngoại hình của A Nhã ra làm chuyện cười. Thậm chí, trong show Khang Hy Đến Rồi, Tiểu S còn gọi A Nhã là "đàn ông".

Một lần, A Nhã đi làm cùng Tiểu S và Tiểu S tiếp tục chọc A Nhã trước mặt mọi người như mọi khi. Thế nhưng lần này, A Nhã không hùa theo mà chỉ im lặng. Kết thúc công việc xong, A Nhã đã tìm đến Tiểu S để nói chuyện riêng: "Hy Đệ, sau này đừng chế giễu tớ trước mặt mọi người như thế, tớ rất khó chịu, và cũng không thích bị như thế."

Sau này, Tiểu S mời A Nhã làm khách mời trong một tập S-style Show của mình. Nhắc lại chuyện cũ, Tiểu S đã chân thành xin lỗi A Nhã. Cô cho hay mình không nhận thức được sự trưởng thành và thay đổi của A nhã, đồng thời biết rằng mình không nên đùa như vậy.

Giễu cợt gia đình người khác

Gia đình là một phần quan trọng của mỗi người, cần được tôn trọng và bảo vệ. Một người có thể phàn nàn về gia đình mình nhiều lần, nhưng chắc chắn họ không chấp nhận người khác nói xấu gia đình mình. Khi người thân bị chế giễu, cười nhạo, họ cảm thấy còn khó chịu hơn khi chính mình bị tổn thương.

Vì vậy, trong mối quan hệ bạn bè, bạn có thể trêu chọc, đùa giỡn, nhưng đừng bao giờ đụng chạm đến gia đình của đối phương. Mối quan hệ dừng lại ở bạn bè thì những lời nói đùa cũng nên chỉ dừng lại ở bạn bè.

Những người lấy gia đình người khác ra làm trò đùa không chỉ thiếu EQ mà còn thiếu lễ độ và giáo dưỡng.

Có một câu chuyện thế này:

Đại Hoa có một người bạn rất thân. Một ngày nọ, người bạn bị bong gân khi chơi bóng rổ, Đại Hoa chê bạn mình bất cẩn nhưng vẫn bôi thuốc lên vết thương giúp. Tuy nhiên, người bạn lại thờ ơ và còn nói đùa: "Ê, liệu tôi có bị giống bố cậu không nhỉ?".

Chỉ một câu thôi đã khiến Đại Hoa giận dữ, anh nghiêm túc nói: "Đừng giễu cợt bố tôi". Người bạn chẳng quan tâm, tiếp tục bắt chước giọng điệu của bố Đại Hoa và nói: "Bố không đi nổi nữa rồi, con trai lại đây đỡ bố nào". Hồi trẻ, bố của Đại Hoa từng gặp tai nạn và bị thương ở chân, sau này chân ông có tật, phải đi khập khiễng.

Trò đùa của người bạn không chỉ xúc phạm người thân của Đại Hoa mà còn đụng vào "vết sẹo" của gia đình anh.

Lòng khoan dung và độ lượng giữa bạn bè cũng có giới hạn. Lấy gia đình của đối phương ra làm trò cười là phá vỡ nguyên tắc và điểm mấu chốt của một người. Dù mối quan hệ có tốt đến đâu, người ta cũng sẽ trở mặt. Tôn trọng gia đình của bạn bè là biểu hiện của EQ cao, đồng thời cũng là tu dưỡng đạo đức cơ bản nhất của một người.

Như tác giả Emerson từng nói: "Khi nói đùa với người khác, bạn phải có chừng mực. Sự hài hước và đùa giỡn phù hợp giống như gia vị trong bữa ăn, có thể làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng và thú vị hơn. Gia vị thái quá hoặc không phù hợp có thể làm hỏng một bữa ăn ngon".

Tác giả: Quỳnh Trang