4 kiểu mẹ nên đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho con

( PHUNUTODAY ) - Đẻ thường là phương pháp sinh nở luôn được khuyến khích, thế nhưng nếu gặp phải những trường hợp sau, tốt nhất mẹ bầu nên đẻ mổ.

Mẹ bầu có thai nhi bị dây rốn quấn cổ

Thai nhi bị dây rốn quấn cổ xảy ra khá phổ biến với khoảng 12% ở thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng. Dây rốn thường có chiều dài trung bình từ 50 đến 60 cm. Dây rốn càng dài, càng làm tăng nguy cơ quấn quanh cổ, tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút. Hiện tượng này không gây nguy hiểm. Thế nhưng, với những trường hợp hi hữu như dây rốn thắt quá chặt, quấn quá nhiều vòng có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, suy thai và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, khiến sinh nở khó khăn. Vì vậy, sinh mổ là giải pháp an toàn. 

Thai nhi của mẹ quá lớn

Xương chậu của người phụ nữ sẽ bị hạn chế nếu thai nhi có cân nặng quá lớn. Vì vậy, nếu thai nhi quá lớn, việc sinh nở sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, khi thai nhi chào đời, có thể bị ngạt hoặc phải sử dụng những biện pháp hỗ trợ vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn của cả mẹ và bé. Thế nên, với trường hợp thai nhi to, mẹ nên xem xét biện pháp sinh mổ.

Mẹ bầu bị vỡ ối sớm

Vỡ ối là tín hiệu báo thời gian sinh nở của mẹ bầu đang đến rất gần. Thế nhưng, nếu mẹ bầu vỡ ối, nhưng cổ tử cung không mở, không có dấu hiệu đau đẻ, rất có thể mẹ sẽ phải sinh mổ. Theo nghiên cứu chỉ ra, nước ối đã vỡ rất có thể thai nhi bị thiếu oxy trong tử cung. Với trường hợp này sẽ nảy sinh nhiều nguy cơ đáng lo ngại, thế nên tốt nhất cần đẻ mổ để đưa thai nhi ra ngoài nhanh nhất và an toàn nhất. 

Mẹ có thai nhi nằm ở vị trí bất thường

Thông thường, vị trí của thai nhi trong những tuần cuối cùng của thai kỳ sẽ quay đầu xuống dưới, mặt úp vào trong bụng mẹ. Thế nhưng, nhiều thai nhi đến tận ngày sinh vẫn không chịu quay đầu, thậm chí là ngôi thai ngang, gây khó khăn cho quá trình sinh thường. Thế nên, nếu thai nhi nằm ở vị trí ngôi thai bất thường, mẹ bầu nên cân nhắc đẻ mổ. 

Bên cạnh đó, với những trường hợp sau cũng được chỉ định mổ lấy thai:

- Xuất hiện bất thường khung chậu người mẹ như hẹp, méo.

- Đường ra của thai nhi bị cản trở: Rau tiền đạo, u buồng trứng nằm sâu trong tiểu khung, u xơ tử cung ở thân hay ở cổ tử cung...

- Tử cung tồn tại sẹo xấu ở lần sinh mổ trước.

- Sức khỏe của mẹ không bảo đảm, bị cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén.

- Âm đạo bị chít hẹp bẩm sinh hay mắc phải hoặc bị rách trong các lần đẻ trước không được khâu phục hồi tốt, hoặc do mổ sa sinh dục, do dị dạng sinh dục như tử cung đôi, tử cung 2 sừng

- Suy thai cấp đứa bé không thể ở lâu trong bụng mẹ được, thai bị suy dinh dưỡng nặng, bất đồng nhóm máu.

- Mổ lấy thai khi đang chuyển dạ

- Mẹ bị chảy máu âm đạo như rau tiền đạo, dọa vỡ tử cung, nhau bong non, sa dây rau.

Tin nên đọc