5 lỗi cơ bản ai cũng mắc phải khi dùng máy giặt khiến bạn tốn cả triệu tiền điện, máy vừa dùng đã hỏng

( PHUNUTODAY ) - Một số thói quen sử dụng máy giặt hàng ngày vừa gây tốn điện, vừa hỏng quần áo lại nhanh hỏng máy.

Giặt quần áo với khối lượng không phù hợp

Việc giặt quần áo quá nhiều hay quá ít so với trọng lượng quy định đều làm mặt giặt vận hành không hiệu quả.

Đối với việc giặt quá tải, quần áo sẽ chuyển động thành một khối, không thể khuấy hoặc lắc mạnh theo guồng quay của dòng nước và bột giặt sẽ không thể lưu thông làm quần áo sẽ không thể giặt sạch hoàn toàn. Hơn nữa, nếu bắt máy giặt làm việc quá tải có thể dẫn đến sự cố khiến máy ngừng hoạt động.

Đối với việc giặt quá ít, quần áo giặt có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy. Việc này làm hao tốn nhiều điện nước không cần thiết.

Để không làm máy quá tải, mức quần áo khô khi bỏ vào có thể ước lượng khoảng 4/5 so với chiều cao của lồng giặt.

Dùng nhiều bột giặt, nước giặt hơn yêu cầu

Dùng quá nhiều bột giặt hay nước giặt trong mỗi lần giặt sẽ khiến máy không dùng hết, lượng nước giặt còn thừa không được xả hết ra ngoài, dễ gây tắc máy mà quần áo sau khi giặt vẫn không sạch. 

Việc tùy tiện sử dụng xà phòng giặt tay cho giặt máy hoặc nước giặt cho cửa trên để dùng cho máy cửa trước cũng là một sai lầm. Bởi loại xà phòng giặt tay hay giặt cửa trên cho lượng bọt rất nhiều, có thể dẫn đến bọt trào ra ngoài thùng giặt, gây hư hỏng các bộ phận của máy.

Mở nắp máy giặt đột ngột khi máy đang hoạt động

Mở nắp máy khi lồng giặt đang quay là điều cấm kỵ, có thể gây hại nặng nề cho thiết bị cũng như gây nguy hiểm cho người sử dụng. Việc mở nắp hoặc thay đổi chế độ làm gián đoạn quá trình giặt, đôi khi nó có thể khiến cho trục xoay lồng giặt bị lệch.

Để an toàn, bạn cần nhấn nút Tạm dừng/Pause trước khi muốn mở nắp máy giặt.

Quên kiểm tra và phân loại quần áo trước khi cho vào giặt

Những vật dụng còn sót lại trong túi quần, túi áo hay khóa kéo, cúc cài của quần áo có thể làm hỏng lồng giặt khi máy hoạt động. Trước khi giặt là kiểm tra và loại bỏ các vật dụng có nguy cơ gây hại cho máy. Với những món đồ có khóa kéo và cúc cài, bạn nên kéo hết khóa, cài hết cúc và lộn trái quần áo lại.

Ngoài ra, bạn nên phân loại quần áo theo chất liệu vải, theo màu sắc… để bảo vệ tối đa độ bền đẹp của quần áo, giúp quần áo không bị phai màu hay lem màu. 

Các loại quần áo bằng chất liệu mỏng, dễ co giãn như lụa, len hay đồ lót, tốt nhất nên để vào túi giặt để giữ độ bền cho quần áo.

Đóng kín cửa máy giặt sau khi dùng

Đa số các gia đình đều có thói quen đóng kín của máy giặt sau khi sử dụng. Cẩn thận hơn có nhà còn dùng khăn để che cho máy giặt. Tuy nhiên, đóng cửa máy giặt sau khi kết thúc chu trình giặt sẽ tạo điều kiện lý tưởng để sản sinh ra nấm mốc và mùi hôi.

Sau khi giặt và lấy đồ ra phơi, bạn nên mở cửa máy giặt để nước trong máy bay hơi.

Tác giả: Thanh Huyền