Tôi cần trừng phạt những người làm tổn thương mình
Đây là một trong những suy nghĩ nguy hại đẩy chúng ta giết chết các mối quan hệ. Nó bắt đầu từ việc cho rằng trong nhiều tình huống, chúng ta là những người bị hại, vì việc đẩy trách nhiệm cho người khác và biến mình thành nạn nhân bao giờ cũng dễ dàng hơn. Để có thể nhận lãnh trách nhiệm về mình, bạn cần có sự dũng cảm và cương trực.
Tuy nhiên, xã hội thụ hưởng ngày nay đang biến con người trở nên yếu đuối, thậm chí hèn nhát. Trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta không muốn nhận phần thiệt về mình. Đẩy trách nhiệm cho người khác sẽ khiến người đó phải chịu sự trừng phạt.
Suy nghĩ này còn khiến chúng ta tập trung vào việc phân chia “ai đúng”, “ai sai” mà quên đi việc tìm ra cách giải quyết vấn đề thực sự.
Lẩn tránh dễ hơn là đối đầu với các vấn đề
Nhiều thông điệp xã hội bảo bạn “đừng làm phức tạp cuộc sống của bạn”, “đừng đi vào những vấn đề của người khác”, để kệ sự việc như nó vốn thế, như thể không có gì xảy ra. Điều này thường biến bạn thành một người thụ động, phục tùng.
Điều tồi tệ nhất của việc không đối đầu với các vấn đề thường lại làm phức tạp chúng lên. Một sự đối mặt kịp thời có thể tránh được một chuỗi tổn thương. Rúc đầu trong cát có thể phải trả giá rất đắt, bạn sẽ tạm thời ngừng nhìn thấy vấn đề nhưng, về lâu dài, hậu quả của thái độ này có thể rất tai hại. Bởi những mâu thuẫn bạn từ chối giải quyết sẽ tích lại. Đến một lúc, chúng sẽ trở thành những mâu thuẫn vô cùng căng thẳng và rất khó để vượt qua.
Mọi thứ không theo cách tôi muốn và nó thật khủng khiếp
Suy nghĩ nguy hại này thường có trong tâm trí những người thường coi mình là trung tâm của vũ trụ; thói cho mình là trung tâm ngăn cản họ lên tiếng thừa nhận rằng có thể họ đã nhầm. Từ đó, nó khiến bạn cảm thấy thất vọng bởi mọi thứ không diễn ra theo cách bạn muốn.
Họ cho rằng chỉ có một cách duy nhất để nhìn nhận các sự việc, và tất nhiên đấy là cách của họ. Khi thực tế ngược lại mong muốn của họ, họ không thể vượt qua điều đó để mở rộng tầm nhìn. Thay vào đó, họ quyết định phủ nhận nó. Sự phủ nhận khiến người đó đứng yên tại chỗ với những khó chịu, buồn bực.
Nếu có thể bước ra khỏi những cảm xúc tiêu cực, nhìn nhận một cách bình tĩnh vấn đề, bạn sẽ thấy mọi thứ đều có nguyên do. Hiểu được nguyên nhân và tình hình thực tế, bạn sẽ có được những điều chỉnh đúng đắn cho hành vi của mình.
Mọi người không cư xử như cần phải có
Cách suy nghĩ này ngăn trở bạn nhìn vào bản thân mình, phân tích đánh giá các suy nghĩ, hành động của mình trong hoàn cảnh ấy. Người kia có thể có lỗi, có thể cư xử chưa đúng với điều họ nên làm. Tuy nhiên, bạn không thể dựa vào thực tế đó để khẳng định rằng “Tôi hoàn toàn đúng” trong tình huống này. Đồng thời, bạn cũng không thể thay đổi hành vi của người kia khi chăm chú vào tìm các lỗi sai của họ.
Khi nuôi dưỡng suy nghĩ “mọi người không hành xử như cần phải có”, bạn đang hạn chế sự chủ động tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Thay vì nghĩ xem người khác đã cư xử đúng hay chưa, bạn hoàn toàn có thể xem xét hành vi của mình và tìm ra cách tích cực nhất để thay đổi tình huống từ góc độ cá nhân.
Bất hạnh đến từ những yếu tố bên ngoài và tôi không thể làm gì
Đây là một trong những suy nghĩ nguy hại phổ biến nhất. Bạn có lý khi cho rằng những bất hạnh đổ xuống là từ các lực lượng vô hình vượt khỏi sự hiểu biết, sự kiểm soát của chúng ta, được ấn định cho ta. Tuy nhiên, việc phủ nhận trách nhiệm của bản thân trong hoàn cảnh này là một sai lầm.
Lấy ví dụ, bạn sinh ra trong một gia đình nghèo. Đó là số phận của bạn, là do phúc đức từ những kiếp sống trước của bạn tạo thành. Tuy nhiên, ở mãi trong cái nghèo ấy, hay cố gắng làm việc chăm chỉ, chân chính để thoát nghèo hoàn toàn là quyết định của bạn. Hãy nhìn những bạn trẻ con nhà nghèo vượt khó ở những vùng quê miền Trung của nước ta. Họ nghèo, không có tiền đi học thêm. Nhưng họ chọn cố gắng, nỗ lực học tốt để cải thiện cuộc sống của mình.
Hãy nhớ cách tốt nhất để cuộc sống của bạn được tốt đẹp là tự mình cải thiện nó. Đừng bao giờ đổ lỗi hay nghĩ rằng ai đó có trách nhiệm với bạn hơn là chính bản thân mình.
Tác giả: Minh Ngọc