1. Chính thức tăng lương cơ sở từ 01/7/2023
Năm 2020, 2021 và bước sang năm 2022, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức liên tục bị trì hoãn do sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đến cuối năm 2022, khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, Quốc hội tiếp tục đề xuất tăng lương và chính thức được thông qua, đây là tín hiệu đáng mừng đối với mọi cán bộ, công chức, viên chức sau nhiều năm mong đợi.
Nội dung này đã được ghi rõ trong Nghị quyết 69/2022/QH15, theo đó, từ ngày 01/7/2023, chính thức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 310.000 đồng/tháng). Như vậy, mức lương cơ sở trong năm 2023 như sau:
- Từ 01/01 - 30/6/2023: 1,49 triệu đồng/tháng.
- Từ 01/7 - 31/12/2023: 1,8 triệu đồng/tháng.
Việc tăng lương cơ sở 2023 không chỉ giúp tăng đáng kể thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mà còn tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội,….
2. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 01/7/2022
Cùng với tăng lương cơ sở, Nghị quyết 69/2022/QH15 cũng đề cập đến việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Cụ thể, từ ngày 01/7/2023, tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm, đồng thời hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
3. Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 01/7/2023
Một trong những nội dung đáng chú ý khác tại Nghị quyết 69/2022/QH15 là tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.từ 01/7/2023.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì hiện nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đang được áp dụng là 1.624 triệu đồng. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 như sau:
- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 02 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Do đó, đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/tháng thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 - 2025 là 02 triệu đồng.
Căn cứ theo các quy định trên, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng năm 2023 như sau:
- Từ ngày 01/01 - 30/06/2023: Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay là 1,642 triệu đồng.
- Từ ngày 01/7/2023: Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh tăng bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 - 2025 là 02 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở tư 01/07/2023.
4. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở từ 01/01/2023
Không cần chờ đến ngày 01/7/2023, riêng đối với đối tượng là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở được tăng phụ cấp ưu đãi nghề ngay khi bước sang năm 2023. Theo đó, việc tăng phụ cấp ưu đãi nghề được thực hiện dựa trên tinh thần Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập như sau:
- Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
+ Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;
+ Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
- Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:
+ Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;
+ Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;
+ Kiểm dịch y tế biên giới.
- Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
- Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa;…
5. Năm 2023, chưa cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW
Mặc dù có sự điều chỉnh về mức lương cơ sở, tuy nhiên Quốc hội chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023. Do đó, năm 2023 vẫn tiếp tục áp dụng hệ số lương được nêu trong các phụ lục lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Việc cải cách tiền lương đã được đề cập đến nhiều trước đây. Theo dự kiến ban đầu, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới. Tuy nhiên, do tác động của Covid-19 nên thời điểm cải cách tiền lương được dời đến ngày 01/7/2022. Sau đó, thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022, Quốc hội đã quyết định tiếp tục lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức đến thời điểm thích hợp.
Tác giả: Mộc
-
2 đối tượng được tăng lương trước hạn, 1 đối tượng được lên lương 11,92 triệu trước tháng 7/2023
-
3 đối tượng tạm dừng nhận lương hưu, 2 trường hợp bị cắt trợ cấp xã hội hàng năm 2023
-
3 con giáp không biết giữ tiền, chưa hết tháng đã rỗng túi
-
Mức lương hưu tối đa của cán bộ hưu trí sau ngày 1/7/2023 được hưởng là bao nhiêu?
-
Năm 2023: 3 đối tượng tạm dừng nhận lương hưu, 2 đối tượng không được trợ cấp xã hội