Gừng thối, gừng mọc mầm
Gừng thối gây hại gan vì có chứa một lượng nhỏ safrole. Đây là độc tố cực mạnh có thể gây hoại tử tế bào gan. Sau khi gừng bị thối, độc tố safrole sẽ lan ra toàn bộ củ gừng khiến tưởng lành lặn nhưng thực tế củ gừng đã bị nhiễm độc. Vì vậy, gừng hỏng nên vứt bỏ.
Bên cạnh đó, gừng mọc mầm làm giảm giá trị dinh dưỡng, vì vậy cũng không nên ăn.
Rau củ sơ chế sẵn kém chất lượng
Khi vào siêu thị, hẳn bạn đã từng thấy những gói rau củ được cắt sẵn, được gói trong màng bọc thực phẩm, nhìn rất sạch đẹp, lại tiện dụng, giá thành rẻ nên được nhiều người tìm mua.
Tuy nhiên, nhiều loại rau cắt sẵn bị kém chất lượng, thối mốc một phần. Để tránh lãng phí, các nhân viên thường cắt bỏ phần hỏng và biến chúng thành những hộp rau cắt sẵn trông ngon lành, đẹp mắt.
Khi mua những loại rau kém chất lượng như vậy thì không thể dám chắc chúng có bị nhiễm vi khuẩn hay nấm mốc hay không, khó lòng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Các loại rau củ đã bị héo, mốc
Thi thoảng ra chợ, bạn sẽ được người bán mời mua một số loại rau héo, bán ế với giá thành siêu rẻ. Tuy tiết kiệm chi phí nhưng rau bị héo thường không còn ngon và giữ nguyên được dinh dưỡng. Không những vậy, nhiều người bán còn tiết lộ họ không bao giờ dám ăn loại rau này mà chỉ bán cho khách.
Chưa kể đến việc nếu rau bị mốc thì chúng rất có thể chứa nhiều vi khuẩn nấm mốc, đặc biệt là độc tố aflatoxin. Aflatoxin là một loại độc tố có trong các thực phẩm mốc, sản sinh bởi loài nấm mốc tên là Aspergillus. Bên cạnh việc gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính thì aflatoxin còn có thể làm tổn thương trực tiếp đến tế bào gan, gây thoái hóa và hoại tử, gây ung thư gan.
Ngược lại, nếu bạn tiêu thụ rau tươi, an toàn thì lại có thể giảm sự hấp thụ aflatoxin vào cơ thể do rau có chất diệp lục. Do đó, bạn nên từ chối, không nên mua rau héo, mốc.
Bí đỏ để lâu ngày
Bí đỏ không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Tuy nhiên, bí đỏ để lâu ngày có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong bí đỏ có hàm lượng đường cao, nếu để trong thời gian dài sẽ bị lên men và biến chất.
Người ăn loại bí này có thể ngộ độc, biểu hiện là chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược toàn thân, nôn mửa nhiều, tiêu chảy.
Nếu bí đỏ có mùi như mùi rượu chứng tỏ nó đã bị biến chất, không nên ăn.
Mộc nhĩ tươi
Trong mộc nhĩ tươi có chất Porphyrin nhạy cảm với ánh sáng. Nếu nạp nhiều chất này thì khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn có thể bị viêm da, xuất hiện triệu chứng ngứa, phù thũng, đau nhức.
Phần lớn porphyrin trong mộc nhĩ sẽ phân hủy khi được phơi khô. Vì vậy, bạn nên sử dụng mộc nhĩ khô, ngâm trong nước và nấu lên để đảm bảo an toàn. Việc ngâm mộc nhĩ khô trong nước trước khi nấu sẽ giúp lượng porphyrin còn lại bị hòa tan.
Khi ngâm mộc nhĩ khô, bạn cần lưu ý thay nước nhiều lần, tốt nhất không ngâm quá hai tiếng vì ngâm lâu sẽ khiến vi khuẩn phát triển.
Khoai tây mọc mầm
Khoai tây mọc mầm thực sự là loại rau củ ngậm đầy độc tố mà nhiều người vẫn ăn. Trong khoai tây mọc mầm có một lượng lớn solanine - chất có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4 gram trên 1kg trọng lượng cơ thể.
Triệu chứng ngộ độc solanine là nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, tê liệt hệ thần kinh trung ương, hôn mê và trong một số trường hợp hiếm gặp là tử vong. Dù tình trạng ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt (do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai) nhưng tốt nhất bạn nên tuyệt đối vứt bỏ khoai tây đã mọc mầm hay phần vỏ đã chuyển màu xanh.
Nhiều người vì tiếc nên cắt bỏ phần mầm đi và tiếp tục dùng khoai tây. Điều này là sai lầm, vì nếu như bạn gọt bỏ mầm mọc trên củ khoai, chất độc vẫn còn lưu trong phần còn lại, có thể sẽ gây ngộ độc ở một mức nhẹ hơn, giống như cảm giác trúng gió.
Tác giả: M