7 điều người khôn ngoan không bao giờ nói, cứ im lặng vận may sẽ đến

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là 7 lời không nên nói trong đối nhân xử thế.

Người khôn ngoan không nói dối

Người quang minh chính đại không làm chuyện mờ ám, người chân thật không nói lời giả dối. Những người khôn khéo là người chân thật và nhất quyết không làm việc gì phải hổ thẹn với lương tâm.

Chính vì vậy họ không đánh lừa bất kỳ người nào để mưu cầu lợi ích cho mình. Bởi họ hiểu rằng những lời nói dối đôi khi không phải để hại người mà nói dối cho vui, ba hoa nhưng đôi khi có thể rước hoạ vào thân. Dẫu lời nói dối xuất phát từ hảo tâm hay ác ý đều là tạo nghiệp, làm tổn hại danh dự và hạ thấp bản thân.

Thêm nữa, một người đã nói dối thì sẽ rất khó dừng lại. Bởi vì để che giấu những lời nói dối, người đó bắt buộc phải chất chồng thêm những lời nói dối. Điều này tựa như vũng bùn, càng lún sâu và kết cục là chính họ bị chìm trong những kết cục không mấy tốt đẹp.

Người khôn ngoan không nói lời phàn nàn

Lỗ Tấn từng nói: "Thường thì mọi người bắt đầu phàn nàn, mọi thứ sẽ xấu đi theo chiều hướng phàn nàn của anh ta mà thôi".

Kêu ca, phàn nàn thực ra không giúp ích nhiều cho bạn. Phàn nàn giống như đổ nước vào giày. Điều này sẽ ngày càng khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn. Thay vì phàn nàn, tốt hơn hết, bạn cần tự nhìn lại bản thân. Thay vì phàn nàn về bóng tối, bạn nên tiến về phía trước có ánh sáng.

Không nói lời thị phi

Người thích buôn chuyện thường khiến người khác chán ghét, đặc biệt là những người thích nói xấu sau lưng người khác. Thường nói chuyện thị phi, ắt là kẻ thị phi. Những người thích chuyện bé xé ra to, tất nhiên cũng không phải là người tốt.

Hứa Kính Tôn, cận thần của vua Đường Thái Tông từng nói: “Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.”

Cổ nhân có câu: “Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, nghĩa là “Ngồi tĩnh lặng, thường nghĩ lỗi của mình, khi trò chuyện không nói xấu người khác.” Người thực sự thông minh, sẽ tranh thủ những lúc nhàn rỗi học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, chứ không lãng phí thời gian và tâm sức của mình vào những chuyện vô bổ.

Không nói lời oán hận

Trong cuộc sống chúng ta thường gặp những người thích oán trách bản thân hoặc người khác. Kỳ thực không ai thích nghe những lời oán thán bởi chúng khiến người ta cảm thấy khó chịu, tiêu cực.

Những người hay oán hận, thích phàn nàn thường có ý chí không kiên định, khả năng nhẫn chịu áp lực kém. Khi gặp chuyện phiền toái họ thường không ngừng tìm nguyên nhân ở người khác, oán trách sự đời bất công, khiến bản thân rơi vào cảnh thê thảm. Thường xuyên oán hận sẽ dễ khiến bạn trở thành một kẻ lười nhác và yếu nhược.

Luận Ngữ giảng: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, người quân tử trách mình, kẻ tiểu nhân trách người. Lại giảng: “Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân, tắc viễn oán hĩ”, nghĩa là người tự mình nhận lấy mà không trách người, thì sẽ tránh xa được điều oán hận.

Thay vì trách móc người khác, chi bằng hãy tĩnh tâm suy nghĩ xem vì sao chúng ta lại thất bại? Liệu có giải pháp nào cho vấn đề này hay không? Lần sau nếu gặp lại liệu chúng ta có thể làm được tốt hơn không? Đây mới là điều chúng ta cần thực sự chú ý.

Người khôn ngoan không nịnh nọt

Người với người chung sống với nhau, sự chân thành là quan trọng nhất. Một mực tâng bốc người khác, sẽ chỉ làm cho đối phương xem thường bạn.

Vì vậy, mọi lời khen ngợi đều nên xuất phát từ trái tim, chứ không phải là những lời giả vờ cốt chỉ để lấy lòng.

Cuộc sống con người quá ngắn ngủi, không nên vì mong muốn lấy lòng người khác mà làm những việc, nói những điều trái với lương tâm. Thật tâm mới có thể đổi được tấm chân tình.

Người khôn ngoan không nói xấu sau lưng

Người đâm bị thóc chọc bị gạo là kiểu người thường bị ghét bỏ. Nhiều người luôn than thở mình bận rộn, nhưng lại có thời gian để đi bình phẩm và đánh giá khiếm nhã về cuộc sống của người khác.

Nhìn thấy mà không nói, đôi lúc là điều thông minh nhất của đời người. Một người khôn khéo sẽ không nhiều lời vào chuyện của người khác.

Không nói lời ác độc

“Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.” Vậy nên, trước khi nói, chúng ta nhất định phải suy xét nhiều lần, nhằm loại bỏ những lời cay độc khiến người khác tổn thương. Hãy đặt mình ở địa vị của đối phương và suy xét trong hoàn cảnh của họ.

Làm người phải nhân hậu, không nói những lời tuyệt tình, không làm những việc cạn tàu ráo máng. Tích khẩu đức, tôn trọng và bao dung người khác chính là tạo phúc và bao dung cho bản thân mình. Vì thế cần cố gắng học cách kiểm soát, tránh nói lời ác độc.

Cổ nhân có câu rất hay rằng: “Chỉ một niệm mà khiến quỷ thần phẫn nộ, chỉ một lời mà làm tổn thương hoà khí của đất trời, chỉ một hành vi mà gây hoạ hại cho con cháu, mọi thứ đều nên cẩn trọng.” Vậy nên khi nói năng chúng ta cần vô cùng cẩn trọng, xét xem lời nào nên nói, lời nào không.

Tác giả: Vũ Ngọc