Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, toàn bộ cây mít đều sử dụng chữa bệnh. Quả xanh chát làm săn da. Quả chín với các múi mít có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Hạt mít có vị ngọt, tính bình, có mùi thơm, có tác dụng tu dưỡng ích khí, thông sữa. Nhựa có vị nhạt, tính bình, có tác dụng tán kết tiêu thũng, giải độc, giảm đau. Lá mít lợi sữa, giúp tiêu hoá, an thần.
– Mụn nhọt sưng đau: Sử dụng 40g lá mít tươi rửa sạch, sau đó giã nát và đắp lên mụn nhọt sẽ giúp giảm sưng đau nhanh chóng.
– Sản phụ sau sinh ít sữa: Dùng lá mít tươi đem nấu nước uống sẽ giúp tiết sữa. Hoặc sử dụng mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào thịt lợn nạc, nêm gia vị và dùng ăn với cơm sẽ có công dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa. Thực hiện mỗi liệu trình từ 3-5 ngày.
– Trẻ bị tưa lưỡi: Lấy 30g lá mít vàng đem rửa sạch, phơi thật khô rồi đốt thành than, trộn với mật ong, bôi vào chỗ tưa lưỡi mỗi ngày 2 lần sáng và tối trước khi ngủ sẽ giúp chữa tưa lưỡi hiệu quả.
– Giải rượu: Mít chín 30 múi, đường trắng 300g, chanh tươi 1 quả. Chọn mít dai vừa chín, múi to thịt dày, loại bỏ hạt, thái miếng vuông. Cho đường vào nồi cùng với 300ml nước, đun sôi, cho mít vào đảo đều. Cho nhỏ lửa lại chỉ để sôi lăn tăn, khi mít chín trong, nước đường hơi sánh lại là được. Để mít nguội, đem ướp lạnh. Lúc ăn, lấy mít vào cốc, vắt chanh vào nước đường còn lại, khuấy đều, tưới lên mít, ăn mát lạnh.
– Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Lấy lá mít, lá mía, than tre, cả 3 thứ có lượng bằng nhau sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.
– Ăn không tiêu, rối loạn tiêu hóa do dung thức ăn sống lạnh: Lá mít 20g sao vàng sắc với 550ml khi sôi cho nhỏ lửa còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày. Có thể phối hợp với Nam mộc hương 12g, ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 – 50ml.
– Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Lá và vỏ mít, mỗi thứ 20g sắc với 550ml khi sôi cho nhỏ lửa còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
– Tăng cường hệ miễn dịch: Mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời. Vitamin C tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào máu trắng, giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh.
Mít đem lại nhiều công dụng sức khỏe nhưng không nên lạm dụng. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mỗi lần ăn chỉ ăn 80-100g trái cây ngọt này. Ngoài ra, bạn chỉ nên ăn mít sau 1-2 tiếng, không ăn khi bụng đói, không ăn vào chiều tối hoặc tối.
Thời điểm không nên ăn mít kẻo gây hại sức khỏe
Ăn mít khi bụng đói
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn chỉ nên ăn mít sau khi ăn cơm 1-2 tiếng, bởi mít có hàm lượng đường khá cao nên ăn lúc đói sẽ khiến hàm lượng đường trong máu của cơ thể đột ngột tăng cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mít chứa rất nhiều kali, magiê, vitamin A, C... và những dưỡng chất khác có lợi cho cơ thể. Ăn mít thường xuyên với một liều lượng vừa phải giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh ung thư, nhưng đối với những người mắc bệnh mãn tính, chỉ nên ăn tối đa 3 - 4 múi/ngày( tương đương khoảng 80g).
Ăn mít vào buổi chiều tối
Chiều tối cũng là thời điểm ăn mít có hại cho sức khỏe, bởi bạn sẽ dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Với trẻ em và người cao tuổi nên tiêu thụ một lượng vừa phải mít và nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn để ăn sẽ nhanh tiêu hóa hơn.
Khi mang thai
Theo nhiều bác sỹ chuyên khoa, phụ nữ mang thai có thể ăn tất cả các loại trái cây. Ăn mít không gây hại cho phụ nữ mang thai. Trên thực tế, có nhiều người quan niệm, ăn mít khi mang thai có thể bị sảy thai, đây là điều hoàn toàn không có căn cứ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nguyên tắc quan trọng là điều độ, tránh ăn quá nhiều.
Tác giả: