Ngày nay, nhiều người có thói quen thức khuya để học tập, làm việc, chơi game, xem phim... Hành động này dẫn tới khá nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.
Việc thức khuya sẽ khiến cơ thể không được nghỉ ngơi, các bộ phận phải làm việc trong thời gian dài dẫn tới sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.
Nhiều người có thắc mắc, vậy thức đến mấy giờ đêm được coi là thức khuya?
Tác hại của thức khuya đối với sức khỏe
Thức khuya kiến cơ thể mệt mỏi và cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh mạn tính. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, người đi ngủ sau 22 giờ có nguy cơ béo bụng, béo phì tăng thêm 20%. Các trường hợp ngủ sau 2 giờ sáng có nguy cơ béo phì tăng lên 35%.
Theo một khảo sát được thực hiện với hơn 136.000 người trên 26 quốc gia cho thấy, thức khuya làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì, huyết áp cao, bệnh tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vào ngủ bù vào ban ngày hoặc ngủ nướng vào ngày nghỉ không thể khắc phục được những tác hại do việc thiếu ngủ mang lại.
Ngoài vấn đề thể chất, thức khuya cũng ảnh hưởng đến tinh thần của con người.
Theo một nghiên cứu của đại học Columbia (Mỹ), thức khuya gây hại cho sức khỏe tinh thần, đặc biệt là đối với nữ giới. Nó làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Những người thường xuyên ngủ muộn hay gặp khó khăn trong việc quản lý căng thẳng, dễ có cảm xúc tiêu cực, tâm lý không ổn định.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng người thường xuyên thiếu ngủ dễ bị kích thích hơn. Khi rơi vào tình huống căng thẳng, họ có khả năng quản lý cảm xúc kém hơn, phản ứng tiêu cực hơn. Điều này có thể gây ra các hệ lụy đối với mối quan hệ xã hội, công việc của họ.

Thức đến mấy giờ đêm được coi là thức khuya?
Một người trưởng thành cần ngủ 7-8 giờ/đêm. Ngoài việc ngủ đủ số giờ, chúng ta cần quan tâm đến thời điểm đi ngủ.
Các nghiên cứu lâm sàng chi ra rằng từ 23 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau là thời gian vàng để gan thực hiện quá trình giải độc. trong khi đó, từ 3-4 giờ sáng, phổi bắt đầu phục hồi, hấp thụ oxy từ môi trường bên ngoài để cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Tất cả những quá trình này đều diễn ra trong lúc bạn đang ngủ.
Dựa trên khía cạnh sinh học, thức từ sau 22h30 trở đi, được coi là thức khuya. Khi cơ thể không đạt được trạng thái ngủ dâu vào lúc 22h30, các nội tạng quan trọng trong cơ thể như gan, phổi sẽ không thể hoạt động tốt. Những hoạt động này diễn ra hiệu quả nhất khi chúng ta đi vào giấc ngủ sâu lúc 22h30.
Cách cải thiện chất lượng giấc ngủ
Thói quen sinh hoạt, thoái quen ăn uống có tác động không nhỏ tới chất lượng giấc ngủ. Bổ sung một số loại thực phẩm tự nhiên có tác dụng rất tốt để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể tham khảo và bổ sung một số thực phẩm dưới đây vào bữa ăn hằng ngày, giúp cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, có lợi cho giấc ngủ.
- Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch có lượng chất xơ và vitamin B dồi dào, có tác dụng duy trì lượng đường trong máu ổn định, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Thực phẩm chứa men vi sinh
Các thực phẩm chứa men vi sinh như sữa chua mang lại lợi ích cho tiêu hóa và cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Bạn nên bổ sung các thực phẩm như trứng, sữa, cá hồi... để bổ sung vitamin D cho cơ thể.
- Thực phẩm chứa omega-3
Omega-3 là dưỡng chất quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của não bộ và cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.