Tôi thường đùa vui với bố mẹ nuôi của mình rằng “nhà mình di truyền gene ăn ớt”. Đó không chỉ đặc trưng ẩm thực mà những câu chuyện mà bố mẹ thường nói với chúng tôi cũng liên quan tới trái ớt, thậm chí cả chuyện dạy con cũng liên quan tới ớt.
Có những khi tủ lạnh không còn thực phẩm gì nhưng ở ngăn trên cũng vẫn luôn có ớt. Trong góc gia vị thì các loại muối, tiêu, điều, đường, bột ngọt… đều chỉ đựng trong những chiếc lọ bé xinh, riêng ớt thì có vài lọ từ tương ớt tự làm tới muối ớt, ớt bột khô, trái ớt tươi, ớt ngâm giấm, ớt xanh, ớt đỏ. Tính gia truyền thể hiện ngay ở những đứa cháu nhỏ, mới 3-4 tuổi cũng đã biết ăn ớt, biết khen tương ớt ông bà tự làm ngon, đến nỗi quà gửi cho cháu cũng là vài chai tương ớt tự làm.
Mọi bữa cơm của chúng tôi, đặc biệt trong nước chấm, các món cá tanh thì không thể thiếu ớt. Thế mà chúng tôi lại không thể ăn được món mì cay Hàn Quốc đang là mốt ở Việt Nam. Thế nên mẹ tôi bảo “Đấy, các con cứ nghĩ tới điều đó để thấy giận hờn, ghen tuông, buồn vui, trách cứ, hiềm tỵ có vừa đủ như gia vị thì sẽ có tác động tích cực lên tinh thần, nhưng mà lại biến nó thành vị chính của bữa ăn hay cay đến mức xé họng thì… ngay cả thú vui ăn cũng chỉ còn là khổ cực mà thôi”.
Thế nên mỗi khi chúng tôi có than thở về gia đình chồng, về công việc công sở, về những khó khăn trong cuộc sống, mẹ tôi lại bảo “Không có tý cay thì có gì hay như bữa cơm nhà mình ấy, đủ đầy món thơm ngon ngọt rồi mà ai cũng xoắn lên đi tìm khắp vườn, khắp các góc tủ nếu chưa có tý cay. Đôi khi chỉ cay vừa phải mà cứ xuýt xoa quá thì càng tạo cảm giác kinh khủng. Hay lúc bị cay người ta thưởng uống nước lạnh hoặc há hốc miệng thở ra, hoặc vừa xuýt vừa kêu, tưởng thế thì vị cay sẽ giảm mà thật ra không phải, lúc ấy ngậm luôn ngụm sữa tươi và im lặng là ổn nhất…Cũng như cuộc sống đôi khi thở than, kể lể với người khác càng thấy ê chề hơn là tự mình im lặng giải quyết”.
Với mấy đứa con gái và con dâu thì mẹ đặc biệt dành tặng châm ngôn “Là ớt thì đừng chỉ biết cay”. Với những người có “gene ăn ớt trong gia đình tôi” thì ớt không chỉ đạt tiêu chí cay. Có loại ớt chỉ thiên, ớt thóc quả nhỏ gầy, màu đỏ đậm nhưng cay xé họng và cây rất sai trái. Đó là loại ớt được bán phổ biến nhất nhưng mùi lại không thơm mà hơi hắc. Còn ớt quả mọng, cùi dày cũng cay nhưng không rát xé, lại xen vị hơi ngòn ngọt và mùi thơm nhưng không sai trái. Trong loại ớt cùi dày quả mọng lại có nhiều loại như ớt vàng cam, ớt xanh trái dài, ớt tròn như trứng chim và mau tim tím…
Bởi thế với chúng tôi, ớt ngon không chỉ là cay. Và bởi thế mỗi lần đi chợ gặp những trái ớt đúng vị “gia truyền” thì mẹ sẽ mua rất nhiều rồi làm tương hoặc ngâm giấm, và món quà mà mấy đứa cháu rất thích lại chẳng phải bim bim, bánh kẹo mà là đúng loại ớt ngon khó tìm chúng đã từng ăn. Có những bữa cơm, không thấy ai khen gà, cá ngon mà lại khen “ớt hôm nay ngon”, bởi hôm đó có ớt mọng. Chúng tôi chỉ dùng ớt quả gầy bán phổ biến ngoài chợ khi hết loại ớt mọng.
Và bởi thế mẹ thường hay nhắc chúng tôi rằng đàn bà ghen chồng, quản chồng, “mắng” chồng như trái ớt, cay ngọt thơm thì ăn nửa quả người ta cất đi mai ăn tiếp chứ cay rát họng thì ăn chưa hết cũng bị bỏ, cay vừa thì là thú vị nâng tầm món ăn, cay quá thì làm hỏng món ăn, bởi khi rát lưỡi vì cay thì không còn cảm nhận được vị ngọt ngon của món ăn nữa. Còn nếu không có tí cay nào thì gọi là ớt nhưng thực ra lại là rau (rau ớt chuông), mà người ta thường dùng rau cải, rau muống, chứ rau ớt chỉ thỉnh thoảng khi vui mới dùng, hoặc cả đời không dùng cũng chả sao. Hóa ra trái ớt của mẹ chứa đựng cả một thế giới thú vị.
Tác giả: An Nhiên
-
3 khác biệt rõ rệt của đứa trẻ nuôi dạy theo kiểu nghèo khó và giàu sang khi trưởng thành
-
Người có 1 thói quen được thần Tài yêu mến, đi đâu cũng có tiền, làm gì cũng thuận
-
Gia đình trên đà lụi bại thường thiếu 3 điều này, nhất là cái cuối cùng
-
Phụ nữ đến 3 độ tuổi này, đa phần sẽ chủ động tìm kiếm đàn ông, đó là độ tuổi nào?
-
Nhà có 3 điều này thì là điềm báo mối quan hệ cha mẹ và con cái đang đi xuống