Bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo mới đúng?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người thắc mắc về việc bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương nên được làm trước hay sau khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo.

Bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo mới đúng? 

Cuối năm, các gia đình sẽ thực hiện một số nghi lễ quan trọng để chuẩn bị đón Tết như cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương...

Việc bao sái bàn thờ (lau dọn bàn thờ), rút tỉa chân hương là một trong những việc quan trọng mà gia đình nào cũng phải làm. Thông thường, các gia đình sẽ chọn làm việc ngày vào ngày 23 tháng Chạp.

Theo quan điểm của một số người, nên bao sái bàn thờ sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo vì thời điểm này các vị thần đã về gặp Ngọc Hoàng báo cáo tình hình gia đình trong năm. Nên tranh thủ lúc các vị thần đi vắng để dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân hương, chuẩn bị nơi thờ cúng sạch sẽ để đón các Táo trở về. Cũng có gia đình tiến hành lau dọn bàn thờ sạch sẽ, rút tỉa chân hương trước rồi mới tiến hành lễ cúng ông Công ông Táo.

Theo các chuyên gia phong thủy, không có quy định cụ thể về việc phải bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương trước hay sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo. Gia chủ có thể lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện thủ tục này một cách nghiêm túc, trang trọng.

Gia chủ có thể lựa chọn thời điểm bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương cho phù hợp với thời gian, điều kiện của mình.

Một số lưu ý khi bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương

Theo quan niệm của người xưa, người thực hiện nghi thức bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề. Trước khi tiến hành lau dọn, nên chuẩn bị một đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ rồi thắp nén hương và khấn xin bề trên cho phép bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương.

Bàn thờ là nơi linh thiêng nên cần giữ sạch sẽ. Việc bao sái bàn thờ cần phải thực hiện thường xuyên, không nhất thiết phải chờ đến ngày 23 tháng Chạp mới làm.

Khi bao sái bàn thờ, cần dùng khăn sạch, nước sạch (nên là nước ấm, nước ngũ vị, nước cánh hoa) để lau bàn thờ và đồ cúng. Không dùng khăn cũ hoặc khăn đã dùng vào mục đích khác để lau bàn thờ.

Khi lau bàn thờ, không được làm xê dịch bát hương. Rút bớt chân hương trong bát và để lại một vài cây theo số lẻ (3, 5, 7, 9). Nên để lại những chân hương đẹp nhất. Chân hương cũ đã rút ra nên để gọn gàng rồi đem đốt thành tro. Tro này có thể đem thả sông hoặc vun vào gốc cây.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền