Trà cúc hoa (Gukhwacha)
Trà cúc hoa được tạo nên từ hoa cúc khô. Những bông hoa cúc khô được ướp trong mật ong một tháng. Sau đó những bông hoa được ủ để thành trà. Trà hoa cúc có vẻ đẹp tuyệt hảo. Những bông hoa khô hút nước trở lại, dường như chứa đựng sức sống của cả mùa xuân trong tách trà vàng rực rỡ. Loại đồ uống này có hương vị ngọt ngào dịu nhẹ.
Theo y học cổ truyền Hàn Quốc, trà cúc hoa có tác dụng làm mát gan khi cơ quan này quá nóng hoặc phải làm việc quá tải. Trà này cũng tốt cho việc giảm đau đầu và mỏi mắt, cải thiện tuần hoàn máu, chống cảm lạnh, ngăn ngừa các rối loạn tiêu hoá bao gồm viêm dạ dày và ung thư dạ dày. Nó cũng có tác dụng chống viêm và giải độc.
Trà táo tàu (Deachucha)
Trà táo tàu là một loại trà được làm từ quả táo tàu khô (thường dùng hồng táo). Trà có màu nâu đậm hoặc nâu đỏ; giàu sắt, kali và các vitamin A, B1, B2. Từ xa xưa, nó được sử dụng như thuốc điều trị suy nhược thần kinh, thiếu máu, chán ăn và mệt mỏi. Nó cũng rất tốt cho làn da.
Để pha trà thì bạn chỉ việc đun sôi táo tàu khô với nước, trang trí thêm cho tách trà bằng những hạt thông. Bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một ít xi-rô táo tàu đậm đặc để thêm vào khi nước sôi, như vậy sẽ tăng hương vị cho trà.
Cách làm xi-rô: khi nước táo tàu khô sôi thì vặn nhỏ lửa và đun trong khoảng một ngày. Khi nước sánh đặc là được, để nguội, rót vào bình thuỷ tinh dùng dần.
Trà Ssanghwa (Ssanghwacha)
Ssanghwacha, hay còn gọi “trà nhân đôi hương vị” , được tạo ra bằng cách sắc nhiều loại thảo mộc cùng nhau, bao gồm Mẫu đơn bì Nhật Bản, Sinh địa, Đương quy Triều Tiên, Xuyên khung, Nhục quế và Cam thảo. Đôi lúc loại trà này được gọi là canh ssanghwa, hoặc canh hài hoà kép. Đúng như tên gọi của nó, loại trà này giúp điều hoà hai yếu tố trong cơ thể người: khí (năng lượng) và huyết (máu).
Giống như trà táo tàu, nó có màu nâu đậm, nhưng vị hơi đắng. Mọi người thường uống ssanghwacha vào mùa đông, đặc biệt rất hiệu quả khi bị cảm lạnh. Gần như mọi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đều có bán những chai trà nhỏ loại này. Khi bạn gọi loại đồ uống này ở quán trà, thì đôi lúc có thể được phục vụ thêm một lòng đỏ trứng trong chén trà của bạn.
Trà gừng (Seanggangcha)
Trà gừng tươi hay đơn giản gọi là trà gừng – là loại trà được làm từ gừng tươi, thường được chế biến bằng cách nấu sôi một vài lát gừng hoặc cho gừng đã được cô đặc lại vào nước sôi. Mật ong hoặc đường có thể được thêm vào để khử bớt đi vị cay thé của gừng.
Củ gừng có lượng vitamin C rất cao, giúp phòng ngừa và điều trị cảm lạnh. Nó trợ giúp tiêu hoá, kích thích sự thèm ăn và làm dịu dạ dày. Gừng cũng giúp làm giảm cảm giác buồn nôn.
Trà thanh yên (Yujacha)
Trà thanh yên là một loại trà ngọt được làm từ chanh Hàn Quốc. Thanh yên là một loại quả thuộc họ cam quýt có hương vị tương tự như chanh Tây. Giống như chanh, thanh yên cũng rất giàu vitamin C, thậm chí là gấp 3 lần chanh Tây. Bạn đừng ngạc nhiên về điều này, bởi vì lý do này mà loại trà này mới có tác dụng tốt chống lại ho và cảm lạnh, cũng như giảm bớt chứng khó tiêu. Theo cuốn y khoa cổ nổi tiếng của Hàn Quốc “Donguibogam”, trà thanh yên có tác dụng giải rượu, làm sạch nhanh hơi thở của người say rượu nặng
Trà thanh yên được tạo ra bằng cách pha mứt thanh yên, còn gọi là yujacheong cùng với nước nóng. Cách làm mứt: Quả thanh yên tách riêng phần vỏ và cùi. Cùi xay nhuyễn, gạn lấy nước, vỏ thái lát mỏng, tất cả trộn đều với mật ong hoặc đường, đậy nắp kín để trong vòng 3 – 4 tháng.
Trà kỷ tử (Gugijacha)
Trà kỷ tử được tạo ra từ lá hoặc quả kỷ tử của cây kỷ tử Hàn Quốc, được gọi là gugija (câu kỷ). Trà này có vị ngọt, giàu các axit amin như betaine, methionine, lecithin; chứa nhiều rutin và kali; có tác dụng chữa mồ hôi trộm, giảm ho, trị viêm phổi, nôn mửa, chống viêm và đái tháo đường.
Chuẩn bị một tách trà bằng cách đun sôi hạt kỷ tử khô trong nước. Nếu dùng lá thay cho quả, bạn chỉ cần hãm lá với nước sôi, chờ một chút là có thể sử dụng. Nếu không bị đái tháo đường thì bạn cũng có thể thêm mật ong để đồ uống ngon hơn.
Trà ngũ vị tử bắc (Omijacha)
Trà ngũ vị tử bắc được làm từ quả chín phơi khô của cây bắc ngũ vị, có tên tiếng Hàn là omija. Tên của loại quả này có nghĩa là quả 5 vị, bởi vị của quả mọng gồm: vị ngọt, vị chua, vị đắng, vị mặn và vị cay. Trà có thể dùng nóng hoặc lạnh, có màu đỏ tươi. Loại đồ uống này được cho là tốt cho gan và có tác dụng chống lại cảm lạnh.
Giống như những loại trà khác, trà ngũ vị tử bắc được pha từ xi-rô đậm đặc của loại quả này. Cách làm xiro: Trộn quả kỷ tử tươi với đường và đậy kín trong ít nhất 5 ngày. Ngoài ra bạn có thể ngâm quả kỷ tử khô trong vòng vài giờ rồi sử dụng.
Trà sipjeondeabotang
Sipjeondeabotang có thể được xem là một trong những loại trà thảo dược Hàn Quốc tuyệt vời nhất. Tên của nó được dịch là “canh được làm từ 10 loại thảo mộc hoàn toàn có lợi cho cơ thể”. 10 loại thảo mộc đó bao gồm: nhân sâm, bạch chỉ, đương quy, mẫu đơn bì, hoàng kỳ, nhục quế, bạch truật, lộc giác giao, phục linh, thục địa.
Các vị thuốc được đun sôi trong một thời gian dài cùng với gừng và đại táo. Thành phẩm thu được là một hỗn hợp dung dịch cay đắng ngọt giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và nâng cao thể trạng. Loại trà này đặc biệt tốt cho những người có thể trạng yếu, chẳng hạn như người bị bệnh trong một thời gian dài.
Trà mận (Maesilcha)
Trà mận có vị chua ngọt, được làm bằng cách pha xi-rô mận đậm đặc với nước nóng hoặc nước nguội, phụ thuộc vào cách bạn dùng trà nóng hay trà lạnh.
Cách làm xi-rô: Ngâm mận chín với đường lượng bằng nhau và để trong vòng 100 ngày. Bạn hãy nhớ là tỉ lệ đường/mận 1:1 là rất quan trọng vì nó ngăn cản hỗn hợp lên men thành rượu.
Vị chua của trà mận giúp kích thích tiêu hoá, và trở thành một phương thuốc trị chứng khó tiêu. Nó cũng thúc đẩy sự tiết dịch vị dạ dày, giúp giảm chứng ợ nóng.
Như vậy, chỉ với 1 ly trà quen thuộc, người dân xứ sở Kim Chi đã có thể tự tăng cường sức khỏe cho chính bản thân mình.
Tác giả: Mộc
-
Những sự thật bất ngờ về những điểm hấp dẫn phái đẹp qua con mắt đàn ông
-
9 món đồ chơi theo phương pháp Montessori giúp trẻ thông minh hơn cha mẹ nào cũng nên biết
-
Tình cũ - tình mới của CR7 người giản dị tột độ, người sang chảnh lạ thường
-
Đâu là lý do khiến bạn nổi cáu khi đói? Kiểm soát cơn "thịnh nộ" khi đói như thế nào?
-
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa