VietNamNet đưa tin, tại hội thảo Miễn dịch - Dị ứng – Khớp ngày 4/12 vừa qua, TS Lê Quỳnh Chi, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về trường hợp một bé trai 10 tuổi ở Hà Nội được đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch do sốc phản vệ sau khi ăn một chiếc hamburger.
Gia đình bệnh nhi biết con trai bị dị ứng với bột mì nhưng chưa bao giờ đưa bé đi khám. Thay vào đó, phụ huynh tự tập cho bé ăn từng chút bột mì một với hy vọng cháu sẽ quen dần. Có lúc, bé đã ăn hết nửa ổ bánh mì mà không sao nên cha mẹ yên tâm và cho rằng con mình hết dị ứng.
Tuy nhiên, cách đây một tuần, cậu bé ăn hết một chiếc hamburger trong tiệc sinh nhật của mình. Chỉ sau vài phút, bé nổi phát ban khắp người, khó thở và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc phản vệ rồi bất tỉnh.
Khi được đưa đến bệnh viện, bệnh nhi ở trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. May mắn là bệnh nhi đến viện kịp thời nên sau một tuần điều trị là có thể viện, không phải lọc máu.
TS Lê Quỳnh Chi cho biết khi phát hiện con có dấu hiệu dị ứng, phụ huynh nên đưa bé đến khám tại chuyên khoa dị ứng để được tư vấn điều trị. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ tập ăn đồ mà bé bị dị ứng. Để giảm mẫn cảm cần phải có phác đồ cụ thể.
Dưới đây là một số thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ nhỏ mà gia đình nên chú ý.
Sữa bò
Sữa bò là thủ phạm gây dị ứng cho nhiều trẻ nhỏ. Khoảng 2-3% trẻ em bị dị ứng với sữa. Rất may, 90% các bé có thể tự khỏi khi lên 6 tuổi.
Hải sản
Tình trạng dị ứng với các loại hản sản như tôm, cua diễn ra rất phổ biến cả ở người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Dị ứng hải sản rất nguy hiểm. Nó có thể gây ra phản ứng cục bộ nhẹ như ngứa miệng, họng nhưng cũng có thể gây ra phản ứng toàn thân, có biểu hiện về tiêu hóa, hô hấp, đe dọa đến tính mạng.
Người dị ứng với tôm, cua cũng thường dị ứng với các loài nhuyễn thể khác như mực, bạch tuộc, ngao, trai, sò, ốc, hến...
Lạc
Có khoảng 0,5-1% trẻ nhỏ bị dị ứng với lạc. Không giống như dị ứng sữa, bệnh này ít tự khỏi. Khoảng 75% trẻ vẫn tiếp tục dị ứng với lạc khi trưởng thành.
Trong các loại dị ứng, dị ứng lạc thường có biểu hiện nặng nề nhất. Lạc có thể gây phản ứng mạnh ngay trong lần sử dụng đàu tiên với các triệu chứng như ngứa miệng, hong, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ.
Lúa mì
Có khoảng 0,4% trẻ nhỏ dị ứng với lúa mì và khoảng 80% trong số đó sẽ tự khỏi khi lên 6 tuổi. Các biểu hiện dị ứng bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ ở da, họng và ruột, trường hợp nặng có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ.
Tác giả: Thanh Huyền