Ngày xưa, có một con rắn hổ mang sống ở một ngôi làng. Nó đã cắn chết rất nhiều người dân trong làng và làm bao người khổ sở vì nó. Dân làng bèn đến ngôi đình để cầu xin vị thần tối cao cứu giúp.
Vị thần cho gọi con rắn hổ mang đến và ra lệnh nó không được cắn người nữa. Con rắn lập tức nghe lời. Thế nhưng, từ khi con rắn đã trở nên vô hại, dân làng lại bắt đầu chọc phá nó. Một vài đứa trẻ nghịch ngợm còn ném đá vào nó.
Một thời gian sau, con rắn tìm đến vị thần tối cao than phiền về nỗi bực dọc của mình. Vị thần tỏ ra thông cảm với nó rồi nói…
"Từ đây, ngươi có thể trừng trị những kẻ chọc phá quá đáng bằng nọc độc của mình. Nhưng trước khi cắn bất kỳ ai, ngươi hãy rít lên và bạnh cổ ra để báo cho họ biết mà kịp thời dừng cách ứng xử ngu ngốc của họ lại và tránh ra xa."
Biết "rít lên" khi cần
Đôi khi, chúng ta thể hiện sự tức giận của mình dù trong thâm tâm, ta không thực sự giận dữ
Ví dụ dễ hiểu nhất là cách các bậc phụ huynh dạy con: Có thể họ tỏ ra giận dữ, thậm chí đánh đòn bọn trẻ nhưng thực lòng, họ lại không tức giận hoặc ghét bỏ gì chúng. Đó là cách răn dạy để bọn trẻ không tái phạm lần sau.
Trong cuộc sống của những người lớn cũng vậy, đôi khi cái gì quá sức chịu đựng, lặp lại nhiều lần, khiến chúng ta bất mãn thì cũng cần phải biết "rít lên" đúng lúc. Cam chịu quá mức chỉ khiến bạn ngày càng bị coi thường và trở nên chẳng có giá trị trong mắt người khác.
Biết cách kiểm soát cơn giận dữ là rất tốt, nhưng đừng quá nhẫn nhịn và chịu đựng quá mức nếu bạn không muốn bản thân mất đi sự tự tôn và trở nên tầm thường.
Ý nghĩa của những cơn cáu
Theo nhà tâm lý học Bruno Fortin, cơn cáu là phản ứng khi những nhu cầu không được đáp ứng, thỏa mãn. Nó làm cho ta có sức mạnh. Cơn cáu gắn với tình huống một người bị xử sự không phù hợp với những niềm tin và hệ thống giá trị theo quan niệm của mình. Sự đụng chạm đến danh dự hoặc vi phạm sự cân bằng mà ta muốn duy trì thường trở thành ngòi nổ cho cơn cáu. Khi đó, ta cảm thấy bị xúc phạm, bị đe dọa, bị khinh miệt.
Người xưa đã tổng kết, cáu giận là một phần “không thể thiếu của cuộc sống” mà người ta gọi là “thất tình” (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Nó có thể có tính tích cực theo khẳng định của Catherine Fourment, chuyên gia tâm lý trẻ em: “Cáu là một phản ứng tự nhiên. Một đứa bé dù chưa có ý thức bị người ta giằng mất bình sữa nó đang bú, lẽ tự nhiên nó nổi cáu để 'sự tấn công thô bạo' ấy khỏi tái diễn. Có một tính chất bình thường và tự vệ trong khi cáu”. Cáu có tác dụng đòi lại sự công bằng.
Tác giả: Minh Ngọc