Bi thảm cuộc đời của vị vua bị giam cầm và bỏ đói chỉ sau 3 ngày lên ngôi

( PHUNUTODAY ) - Sau khi vua Tự Đức băng hà, triều đình nhà Nguyễn trở nên rối ren. Vua Dục Đức lên ngôi kế vị ngai vàng nhưng cũng chỉ được 3 ngày. Số phận sau đó cực kì bi thảm.

Bất đắc dĩ lên làm vua

Trong số 13 vị vua của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng của nước ta, Dục Đức là ông vua thứ 5.

Vua Tự Đức từ nhỏ đã mắc bệnh nên cơ thể gầy yếu. Ông lại có tới 103 bà vợ nhưng vì bệnh tật nên không có con. Dục Đức là 1 trong 3 người được Tự Đức nhận làm con nuôi. Theo sách sử thì Dục Đức (1852 – 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau được Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân.

Ông là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Năm 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và cho xây dựng phòng riêng để học tập, giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên trông nom dạy bảo. Chỗ học của vua về sau được gọi là Dục Đức Đường. Năm 1883, ông được phong làm Thụy Quốc công.

Trong 3 người con nuôi của mình, người mà vua Tự Đức yêu quý và muốn truyền ngôi nhất là người con nuôi thứ 3 Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con của Kiên thái vương và Nguyễn Thị Hương. Thế nhưng khi vua Tự Đức sắp mất thì Ưng Đăng còn quá nhỏ. Tình hình đất nước lúc bấy giờ khiến Tự Đức buộc phải chọn một ông vua lớn tuổi để chăm lo chính sự. Vậy nên vua Tự Đức buộc phải chọn Nguyễn Phúc Ưng Chân, khi ấy 32 tuổi.

Trong di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, Tự Đức có viết: “Ưng Chân có tật ở con mắt nên hành vi mờ ám, sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt, chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây?”

Mặc dù Hội đồng phụ chính gồm Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đều dâng sớ xin vua Tự Đức lược bỏ đoạn di chiếu không hay về Ưng Chân nhưng vua không đồng ý, cho rằng viết như thế là để cảnh tỉnh Ưng Chân.

Bi kịch của ông vua 3 ngày

Ngày làm lễ tấn tôn Ưng Chân lên ngai vàng, Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chiếu, đến đoạn văn trên thì không đọc, liền bị Tôn Thất Thuyết đàn hặc, phải dừng đọc. Tôn Thất Thuyết cử Tham tri Nguyễn Trọng Hợp đọc lại di chiếu, rồi kết tội Ưng Chân. Họ dâng biểu hạch tội lên cho Lưỡng cung là Thái hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng thái hậu Lệ Thiên Anh, quy kết Ưng Chân ba tội: Muốn sửa di chiếu - Có đại tang mà mặc áo màu - Hư hỏng chơi bời.

Trước sức ép của 2 vị đại thần quyền lực khuynh đảo triều đình, bà Từ Dũ không thể làm gì ngoài việc buộc phải đồng ý phế ngôi của Dục Đức. Chỉ sau 3 ngày làm vua, chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức đã trở thành kẻ trọng tội.

Vua Dục Đức bị quản thúc tại Dục Đức Đường, hôm sau bị tuyên án, giam ở Thái y viện. Tại đây, một phòng kín được cấp tốc xây lên, ông bị bỏ đói và không cho uống nước. Những người lính canh thương tình vua cũ thỉnh thoảng nhét cho ít cơm nắm cùng chiếc áo rách đã nhúng nước để nhà vua vắt ra lấy nước uống. Đến tháng 10 năm 1884, ông qua đời vì bị bỏ đói.

Sau khi mất, thi hài của vua Dục Đức được gói trong một chiếc chiếu, do hai người lính và một viên quyền suất đội gánh đi chôn. Trên đường đi, chiếc “quan tài” bằng chiếu này bị đứt dây rơi xuống cạnh một khe nước cạn ở đầu làng An Cựu. Một người lính chạy vào chùa Tường Quang mời ni sư trụ trì ra xử lý vụ việc. Mọi người nhất trí chọn nơi chiếc quan tài rơi xuống làm nơi yên nghỉ của vua vì cho rằng đó là đất “thiên táng” và chôn cất qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang. Nấm mộ đất cạnh khe nước cạn, lại không người chăm sóc nên nhanh chóng tàn lụi.