Bố mẹ cùng ra đi vì Covid trong vòng 1 tháng, em trai thành trụ cột chăm anh: 'Nhìn ảnh là lại nhớ ba'

( PHUNUTODAY ) - Căn nhà như rộng thênh thang, hai hũ cốt của bố mẹ Bảo được đặt cạnh nhau, nhắc nhở về nỗi mất mát khó lòng nguôi ngoai trong một sớm một chiều.

Bố mẹ của Bảo đều là giáo viên đã về hưu. Một ngày đầu tháng 8, bố của em đi tiêm về thì bắt đầu sốt. Ban đầu, mọi người nghĩ rằng đó là phản ứng của thuốc nhưng sau 7 ngày thì bố của Bảo sốt cao và nặng hơn.

Kể về khoảnh khắc ba bất ngờ gục xuống trước khi được chở đến bệnh viện, Bảo nghẹn ngào: “Ba em vừa mặc xong chiếc áo thì gục xuống, rồi đi luôn. Mọi thứ nhanh khủng khiếp, chỉ mới một giây trước ba còn đang ngồi mặc áo mà gục xuống là ba đi luôn. Lúc đó là 3 giờ 30 phút sáng 7.8, mẹ cũng chết điếng người, em gọi các dì, các bác sang lo cho ba”.

Sau đó, ba mẹ con của Bảo đều có kết quả dương tính và được chuyển đến điều trị tại bệnh viện thu dung. Tai đây, mẹ của Bảo trở nặng và chuyển xuống phòng cấp cứu, rồi chuyển sang BV ĐH Y Dược TP.HCM. Suốt thời gian nằm viện điều trị, Bảo vừa chạy xuống phòng cấp cứu thăm mẹ, vừa chăm sóc anh trai. Đến ngày 22/8, cậu học trò lớp 11 nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, thông báo mẹ của em đã không qua khỏi.

Cậu học trò 17 tuổi giờ đây phải gắng gượng vượt đau buồn để vừa học, vừa chăm sóc anh trai

Sau khi khỏi bệnh, hai anh em của Bảo được xuất viện nhưng căn nhà giờ đây lại vắng vẻ, đau thương đến thắt lòng. Căn nhà như rộng thênh thang, hai hũ cốt của bố mẹ Bảo được đặt cạnh nhau, nhắc nhở về nỗi mất mát khó lòng nguôi ngoai trong một sớm một chiều.

Cậu học trò 17 tuổi giờ đây phải gắng gượng vượt đau buồn để vừa học, vừa chăm sóc anh trai. Bảo tự tập giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh trai. Người thân sống cạnh nhà mang đồ ăn sang cho hai anh em, chỉ Bảo làm việc nhà, cách chăm anh…

Nhiều lúc, vừa lau dọn, Bảo vừa rớt nước mắt vì nhớ bố mẹ, nhìn sang thấy anh trai hồn nhiên bật cười trước một đoạn phim hoạt hình càng khiến em quặn thắt hơn và vội chạy đến ôm anh để xoa dịu vết thương trong lòng.

Chia sẻ về những ký ức với bố mẹ, Bảo kể lại: “Ba là giáo viên dạy toán nên luôn muốn em phải học toán thật giỏi. Đợt dịch vừa qua, ba đã chỉ cho em nhiều cách giải hình học không gian, em cũng đang học kèm thầy giáo và lớp ôn ở trường. Em tự hứa với ba là sẽ học thật tốt, quyết tâm đạt huy chương vàng Olympic toán như tâm nguyện của ba. Giờ cứ thấy hình ba là em mở toán ra học, mà học toán là lại nhớ ba”.

Nghe cậu học sinh lớp 11 chia sẻ mà nghẹn lòng, lại nể phục em vô cùng. Tận cùng của mất mát, đau thương, Bảo đã biến những điều ấy thành động lực để cố gắng học thật giỏi, không phụ lòng mong mỏi của bố.

Theo thông tin trên Thanh Niên, phía nhà trường sau khi biết được trường hợp của Bảo đã kịp thời hỗ trợ 3 triệu đồng và miễn giảm học phí cho em đến hết năm lớp 12. Trong năm học, trường lo cho em bữa trưa học bán trú. Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Hy vọng với sự giúp đỡ từ mọi người, Bảo sẽ thêm bản lĩnh, mạnh mẽ biến mất mát thành động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong vài tháng qua, có biết bao trường hợp thành trẻ mồ côi do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mất mát nào cũng đau đớn, chia lìa nào cũng quặn lòng và hy vọng tình thương từ cộng đồng sẽ giúp những hoàn cảnh ấy sớm gượng dậy.

Dịch Covid-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trên thế giới. Và tại Việt Nam, cũng có rất nhiều đứa trẻ mồ côi bố mẹ do đại dịch.

Bỗng chốc mất cả cha mẹ, Trường chưa thể chấp nhận được sự thật này

Có thể kể đến trường hợp của hai chị em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi). Từ ngày cha mẹ mất, chị em Trường không mở cửa nhà khiến căn nhà càng thêm lạnh lẽo, tối tăm. Hai chị em thường ngồi trên chiếc giường gỗ, ngổn ngang mền gối, sách vở, mì gói; đối diện là chiếc bàn để vài hộp cá, sữa tươi, vitamin C và bàn thờ có hũ cốt của mẹ.Tuyền cho biết, giữa tháng 7, ba em bị ho, khó thở nhiều ngày liên tiếp và được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Ngày 30/7, mẹ và hai chị em cũng dương tính, được đưa đi cách ly, điều trị tại Hóc Môn.

Trong khu cách ly, ba mẹ con được sắp xếp nằm chung một phòng. Mẹ Tuyền nặng nhất, thường phải thở ô xy, hai chị em chỉ bị sốt nhẹ. Ngày 4.8, Trường lay hoài không thấy mẹ trả lời, hai chị em tá hỏa gọi bác sĩ. “Bác sĩ kiểm tra, nói mẹ mất rồi mà em không tin, em sờ tay mẹ lạnh ngắt, tim mẹ ngưng đập nên chỉ biết khóc thôi. Mẹ còn chưa ăn hết cái bánh em cho nữa”, Trường nghẹn giọng kể.

Mọi chuyện quá đột ngột, hai chị em gọi cho ba để báo tin nhưng không được, cả trăm cuộc điện thoại vẫn chỉ là những tiếng tút tút liên hồi. Cả hai chết lặng, nhìn nhân viên y tế đến đưa mẹ đi. Nước mắt chảy ướt lớp khẩu trang, Tuyền nói: “Hôm đó tụi em tiễn mẹ được tới thang máy thì bác sĩ không cho đi theo nữa. Cánh cửa thang máy đóng lại, thằng em em ngồi bệt xuống, khóc mấy ngày liền. Còn em lớn rồi, em không muốn ai thấy mình phải khóc cả. Nhưng thấy mẹ đi ngay cùng phòng cách ly với mình vậy đau lắm, em không kìm chế được”.

Vài ngày sau, cả hai được chuyển đến phòng điều trị khác vì bệnh tình đã giảm. Trường vẫn ra hành lang trước phòng bệnh, cầm điện thoại bấm gọi cho ba, rồi lại nức nở. “Thấy em khóc cô y tá đến nói thôi đừng khóc nữa, mẹ cũng đi rồi, mà động viên một hồi cổ khóc theo em luôn. Tối trước khi mất, mẹ thều thào gì đó mà tụi em không dịch được, mẹ cũng chưa dặn gì tụi em cả”, cứ nhắc đến mẹ, Trường lại òa lên khóc. Em tâm sự rằng, chỉ có khóc như vậy mới làm em cảm thấy dễ chịu hơn.Được về nhà, ngày 14.8, Tuyền nhận tin ba mất vào ngày 5.8, sau mẹ đúng 1 ngày. Thêm một cú sốc nữa, Tuyền rụng rời tay chân báo với em trai. Hai chị em ngồi đực xuống giường, nhìn nhau tuyệt vọng.

Tác giả: Vũ Ngọc