Mới đây, trên Facebook, nữ ca sĩ Hương Tràm chia sẻ hình ảnh đôi bàn tay trầy trụa, da tay bong tróc cùng dòng trạng thái: "Làm sao ngưng việc này lại hả Tràm" thu hút sự chú ý của dân mạng.
Theo đại diện của nữ ca sĩ, thời gian gần đây Hương Tràm liên tục rơi vào trạng thái stress, căng thẳng đến mất ngủ. Mỗi lần như vậy, cô đều tự mình bóc da tay đến mức rỉ máu.
GS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103, cho hay đây là một trong những biểu hiện của Hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Theo TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần đã điều trị cho nhiều trường hợp mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân. Đơn cử như trường hợp một nữ sinh viên 21 tuổi đã phải nhập viện điều trị vì tự dùng dao lam cắt 16 vết thương vào tay.
Khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân cắt những vết thương nông, đủ rỉ máu tại hai cổ tay. Bệnh nhân cũng cho biết mình phải chịu quá nhiều áp lực, trong cuộc sống nhưng không biết cách giải quyết thế nào. Cứ khi nào quá stress, cô lại tự cứa vào tay mình và cảm thẩy trong lòng nhẹ nhõm, thoải mái hơn.
Chuyên gia cho biết có thể nhận biết sớm bệnh như thường xuyên mệt mỏi, có cảm giác buồn chán, giấc ngủ kém, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian trong ngày, kèm theo trạng thái lo âu.
Cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng ở một số cơ quan như tim đập không đều nhịp, nhanh, đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp. Bệnh nhân có cảm giác mỏi đầu gối, bứt rứt, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp, tay và chân, cảm giác kiến bò và tê, thở khó và nông, sợ chết ngạt, ăn uống thường có cảm giác buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy.
Theo các chuyên gia, tự ngược đãi bản thân có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ 2-3 tuổi, hay người già trên 70 tuổi.
Nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là căng thẳng trong các vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và được đáp ứng của cá nhân.
Cũng theo chuyên gia, tự ngược đãi bản thân không phải là bệnh là một hội chứng bệnh nên chưa có những thống kê nghiên cứu cụ thể, hiện nay các bác sĩ chủ yếu điều trị các sang chấn tâm lý, giúp đỡ và chỉ dẫn người bệnh có thể tự thích nghi với stress.
Khi mắc phải Hội chứng tự ngược đãi bản thân ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể tự thoát ra được bằng cách thay đổi suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện căng thẳng thần kinh, bệnh nhân cần phải điều trị thuốc.
Tác giả: