Cách chăm sóc răng sữa cho bé trong từng giai đoạn

( PHUNUTODAY ) - Răng sữa sẽ dần được thay thế từ từ bằng răng vĩnh viễn.Tuy nhiên, không phải vì vậy mà việc chăm sóc răng sữa kém quan trọng. Giúp bé vệ sinh răng sữa ngay từ giai đoạn đầu tiên không chỉ giúp con có hàm răng đẹp mà còn giúp hình thành thói quen tự chăm sóc và vệ sinh răng miệng về sau.

 Ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ, những mầm móng đầu tiên của những chiếc răng sữa đã xuất hiện và tiếp tục phát triển sau khi trẻ chào đời. Được gọi là răng sữa bởi những chiếc răng này chỉ mọc tạm thời vài năm rồi sẽ được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn chắc khoẻ. Mẹ sẽ bắt gặp chiếc răng sữa đầu tiên của trẻ (thường nằm vị trí giữa hàm dưới) nhú lên ở giai đoạn con yêu từ 4 đến 8 tháng tuổi, sau đó cứ trung bình 4 tháng sẽ mọc những chiếc tiếp theo.

1. Giai đoạn chuẩn bị mọc răng từ 0 đến 6 tháng

Thực tế, những vi khuẩn đang tồn tại trong miệng không thể gây những tác động xấu cho nướu khi bé cưng chưa mọc răng. Tuy nhiên, lúc này bạn nên bắt đầu chăm sóc răng miệng cho trẻ bằng việc vệ sinh nướu. Điều này sẽ giảm các nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng khi mọc răng.

Các mẹ chỉ cần quấn chiếc khăn sạch hay miếng gạc nhỏ xung quanh ngón tay trỏ rồi chà nhẹ lên nướu của trẻ, cả hàm trên lẫn hàm dưới. Bạn nên vệ sinh nướu cho con cưng trước khi bé đi ngủ và sau khi ăn sáng để tránh các vi khuẩn có hại phá vỡ bề mặt răng sữa của con.

Trong vòng vài ngày hay thậm chí vài tuần trước khi mọc răng, các mẹ sẽ dễ nhận thấy bé yêu thường chảy nước dãi nhiều kèm theo sở thích nhai bất cứ vật gì trẻ có được. Bên cạnh đó, việc đưa bé đến khám răng trong vòng 6 tháng kể từ khi bé mọc chiếc răng sữa nhỏ xinh đầu tiên cũng được các nha sĩ khuyến khích.

2. Giai đoạn 6 đến 12 tháng

Sau sự xuất hiện của chiếc răng sữa đầu tiên, mẹ sẽ nhận thấy con yêu sẽ mọc thêm ít nhất khoảng 8 chiếc răng và vị trí của chúng lần lượt theo thứ tự: Răng cửa trung tâm thấp hơn, răng cửa trung tâm trên và răng cửa phía dưới. Trong giai đoạn này, nếu con yêu cảm thấy ngứa lợi, mẹ có thể cho bé ngậm núm vú giả để tránh cho con mút tay dẫn đến việc đụng chạm vào nướu và lợi gây đau.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách quấn chiếc khăn sạch hay miếng gạc nhỏ xung quanh ngón tay trỏ rồi chà nhẹ lên nướu của trẻ, cả hàm trên lẫn hàm dưới. Nếu bé quấy khóc nhiều do cảm thấy đau trong quá trình mọc răng, các mẹ có thể tham khảo bác sĩ về việc cho con cưng sử dụng thuốc giảm đau.

3. Giai đoạn 12 đến 18 tháng

Với độ tuổi này, bạn có thể dễ dàng cho bé cưng sử dụng bàn chải đánh răng. Bố mẹ nên chọn cho trẻ loại bàn chải với lông mềm, có cấu trúc và kích thước phù hợp với những chiếc răng sữa của con. Đồng thời, bé nên sử dụng kem đánh răng được các nha sĩ khuyên dùng như loại không cay, có vị ngọt dịu và mùi thơm tự nhiên kèm theo các hợp chất giúp phòng ngừa các bệnh răng miệng.

Ngoài ra, khi hướng dẫn trẻ đánh răng, bố mẹ cần lưu ý nhắc con yêu vệ sinh vùng lưỡi đễ tránh các vi khuẩn và mảng bám gây hôi miệng. Bé nên được khuyến khích chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và sẽ thay thế bàn chải khi khi phần lông bị mòn và xoè ra.

Tác giả: Phùng Thu Thủy