Theo nghiên cứu mới nhất vừa được công bố, có khoảng 10-25% phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh và nếu không được chữa trị kịp thời, sự phát triển tâm thần, học tập của trẻ có thể tiếp diễn qua những năm thiếu niên, nguy cơ chậm phát triển nhận thức, ngôn ngữ và phát triển, không loại trừ những rối loạn hành vi như tăng động giảm chú ý (ADHD).
Nguyên nhân được cho là do sự thay đổi hooc-mon ở người mẹ trong quá trình mang thai và cho con bú sẽ gây ra căng thẳng và lo lắng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Một trong những chất xúc tác quan trọng cho việc học tập và kết nối thần kinh khi não của trẻ phát triển chính là sự tương tác với gia đình, đặc biệt người mẹ là người bạn thân thiết nhất đối với con.
Tuy nhiên, triệu chứng điển hình của trầm cảm là cảm giác cô lập và không quan tâm đến các hoạt động vui chơi giải trí khác, do đó, khi người mẹ đang phải chiến đấu với căn bệnh này đương nhiên sẽ ít hoặc không chơi với con được.
Cách phòng chống bệnh trầm cảm
Nguyên nhân chính khiến phụ nữ dễ mắc phải căn bệnh này chính là tác nhân gây stress trong cuộc sống của họ. Theo số liệu nghiên cứu, 1/5 số người mẹ bị trầm cảm nặng khi con lên một tuổi vẫn tiếp tục bị trầm cảm trong thời gian sau đó.
Để không gặp phải căn bệnh này, theo các chuyên gia y tế, ngay từ thời gian mang bầu, người phụ nữ phải có lối sống tích cực, rèn luyện thể dục thể thao và chế độ ăn phù hợp. Tăng cường trò chuyện với thai nhi và các hành động tương tác giữa mẹ và bé.
Vào kì sinh nở, người mẹ nên yêu cầu sự giúp đỡ tích cực từ người thân, nên thường xuyên ra ngoài giao lưu và trò chuyện, không nên ở cữ quá lâu khiến cơ thể mệt mỏi và hạn chế khả năng giao tiếp. Phụ nữ sau sinh nên có chế độ ăn phù hợp, tránh bị nhồi nhét và gượng ép. Nên làm những điều mình muốn và không bị những lời nói tiêu cực gây ảnh hưởng đến bản thân.
Một lối sống tích cực và vui vẻ sẽ giúp cho giai đoạn đầu của mẹ và bé trở nên dễ dàng hơn nhiều.