Cách kiểm tra nhà đất có đang bị thế chấp ngân hàng không, tránh gặp rủi ro khi đầu tư

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là 5 cách kiểm tra nhà đất có đang thế chấp ngân hàng hay không sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro và trở thành người đầu tư thông thái.

Cách kiểm tra nhà đất có đang thế chấp ngân hàng hay không 

Kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo quy định, khi nhà đất được thế chấp tại ngân hàng, ngân hàng sẽ ghi rõ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đính kèm một tờ giấy riêng (đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai). Các thông tin này được thể hiện ở mặt số 3 hoặc số 4 của Giấy chứng nhận.

Theo đó, bên nhận thế chấp sẽ giữ bản chính và được cơ quan có thẩm quyền đóng dấu và ghi dòng chữ: “Đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng… theo hợp đồng số...”.

Trường hợp người bán cố tình giấu thông tin về việc bất động sản đang bị thế chấp, có thể họ sẽ chỉ cho người mua xem bản photo hoặc sẽ gỡ tờ giấy chứng nhận thế chấp ra. Khi đó, ở 1 góc của Giấy chứng nhận, bạn sẽ chỉ thấy một nửa dấu giáp lai hoặc dấu của ghim bấm. Bạn cần đặc biệt lưu ý và không nên bỏ qua các điểm này.

Tra cứu thông tin tại phòng công chứng

Người mua có thể yêu cầu người bán cung cấp bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng sau đó đem đến văn phòng công chứng để họ tra cứu thông tin xem nhà, đất đó có đang thế chấp ngân hàng hay không.

Kiểm tra thông tin tại cơ quan có thẩm quyền

Người mua có thể kiểm tra thông tin nhà đất thông qua Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà, đất.

Tuy nhiên, cách làm này chỉ có hiệu quả khi bên bán thế chấp nhà đất cho ngân hàng. Còn nếu thế chấp cho các cá nhân hoặc tổ chức cho vay nóng, lãi cao thì bạn sẽ khó có thể kiểm tra được.

Tìm hiểu thông tin qua những người xung quanh

Để chắc chắn và an toàn thì trước khi giao dịch, người mua cần kiểm tra kỹ các thông tin về bên bán. Khi bên bán thế chấp nhà đất cho các tổ chức vay nóng, bạn hoàn toàn sẽ không thể kiểm tra thông tin tại cơ quan chức năng. Việc dò hỏi người dân trong khu vực lân cận được cho là một cách làm hiệu quả nhất.

Bạn có thể hỏi họ về thông tin người bán cũng như bất động sản định mua. Như người bán là người thế nào? Nhà đất đó có đúng là thuộc quyền sở hữu của họ hay không và vấn đề an ninh ở địa chỉ đó ra sao? Có thấy ai đến đòi tiền hay siết nợ không?...

Chú ý hợp đồng đặt cọc

Thông thường, khoản tiền đặt cọc sẽ không vượt quá 10% giá trị mua bán, đồng thời trong hợp đồng đặt cọc phải nêu đầy đủ các thông tin như: Thời gian và địa điểm đặt cọc, thông tin các bên tham gia giao dịch, hình thức thanh toán, xử lý tiền đặt cọc khi phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng…

Trường hợp bên bán công khai hoặc người mua phát hiện ra rằng nhà đất định mua đang thế chấp, bạn cần lập biên bản cam kết 3 bên gồm bạn (người mua) – người bán (bên thế chấp) – ngân hàng (bên nhận thế chấp).

Nội dung biên bản sẽ liên quan đến việc thanh toán tiền mua giữa bên bán với bên mua và thanh toán tiền nợ giữa bên bán với ngân hàng. Văn bản này sẽ giúp ràng buộc quyền, nghĩa vụ của cả 3 bên trong việc thanh toán tiền, xử lý vi phạm hợp đồng cũng như xử lý tài sản là căn nhà thế chấp.

Những kiểu hợp đồng mua bán nhà đất tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hợp đồng mua bán nhà đất viết tay

Hợp đồng viết tay được xem là hình thức giao dịch nhà đất do hai bên tự động viết ra và tự ký với nhau. Hoàn toàn không có một cơ quan hay tổ chức thẩm định công chứng xác nhận. Chính vì vậy, về mặt pháp lý thì loại hợp đồng này sẽ không được công nhận.

Khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa hai bên thì khi đưa ra tòa chắc chắn tòa sẽ tuyên bố hợp đồng viết tay là vô hiệu. Thông thường, người chịu thiệt nhiều nhất là bên mua. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp bên phía người mua phải trả lại nhà đất, trả các khoản phí hoặc bị cưỡng chế nếu họ không tự nguyên đóng.

Hợp đồng đặt cọc

Để có thể có thêm thời gian huy động vốn mua nhà đất mà không phải vay lãi ngân hàng, nhiều người đã lựa chọn giải pháp ký hợp đồng đặt cọc giữ chỗ mua nhà. Tuy nhiên, có nhiều người mua không tìm hiểu kỹ khi cho rằng đây chỉ là khoản phí để đảm bảo việc giao kết hợp đồng.

Hợp đồng cọc đa phần do bên bán đặt ra nên khá sơ sài, các cam kết còn yếu và nửa vời, nước đôi và ngắn hạn nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Người mua không biết thẩm định và thiếu kiến thức về pháp lý rất có thể rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản.

Người mua đặt cọc càng nhiều càng phải cẩn trọng vì dễ gặp rủi ro. Thực tế có không ít trường hợp người mua đã đặt tiền cọc tuy nhiên bên bán đưa ra nhiều lý do vô lý khiến người mua gặp khó khăn, thậm chí không thực hiện tiếp được thỏa thuận và mất tiền cọc.

Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất là một dạng bên bán ủy quyền cho bên mua toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt nhà đất, bao gồm toàn quyền mua bán, cho tặng, thế chấp, cầm cố,… quyền hạn tương đương như người đứng tên trên sổ. Vì thế nhiều người vẫn nghĩ có giấy ủy quyền trong tay thì chính là chủ nhà.

Nhiều người dân không muốn mất phí chuyển nhượng, không muốn nộp nên đã chọn giải pháp lập hợp đồng ủy quyền để thay thế hợp đồng mua bán. Đây thực chất chỉ là một loại giao dịch ảo để nhằm mục đích trốn thuê khi mua bán tài sản có giá trị cao.

Hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn hay còn được gọi là hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư đều là hợp đồng dân sự, về bản chất là hình thức huy động vốn tinh vi của các chủ đầu tư để thực hiện dự án. Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi ký loại hợp đồng này để tránh rơi vào bẫy của các tay lừa đảo, hay bị chiếm dụng vốn mà không thể ngờ tới.

Tác giả: Vũ Ngọc