Mẻ là gì?
Mẻ hay còn gọi là cơm mẻ, là một loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn Việt. Nó có vị chua thanh, mùi thơm đặc trưng, hay dùng trong các món om, canh chua, làm nước lẩu, nấu nước dùng bún riêu...
Mẻ có thành phần chính là cơm được ủ lên men nên rất dễ làm.
Cách làm mẻ không cần cái
Có nhiều cách để làm mẻ khác nhau. Ngày xưa, các bà các mẹ muốn gây mẻ thường sang nhà hàng xóm xin một bát mẻ cái. Mẻ cái này được cho vào hũ sành rồi thêm cơm nguội, đậy kín, để trên chạn vài ngày là lên men chua và có thể dùng được.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải có mẻ cái, bạn vẫn có thể làm được cơm mẻ.
Yêu cầu đầu tiên khi làm cơm mẻ là phải có hũ sành, sứ hoặc thủy tinh sạch, vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa an toàn trong quá trình nuôi mẻ. Đem hũ đi rửa sạch, trụng nước sôi để tiệt trùng và để ráo nước.
Hai nguyên liệu cần có để tự làm mẻ tại nhà là gạo và nước sạch. Tùy từng loại gạo mà mẻ sẽ có màu khác nhau. Gạo cũ sẽ cho ra phần mẻ có màu hơi ngả vàng. Gạo trắng sẽ cho ra mẻ trắng.
Gạo đem vo sạch rồi cho vào nồi. Thêm lượng nước gấp đôi lượng gạo hoặc hơn và bật nút nấu như bình thường.
Khi nước sôi, hạt gạo nở trong, bạn hãy chắt lấy phần nước cơm và để cơm tiếp tục được nấu chín. Phần nước cơm cũng để nguội hoàn toàn.
Xới cơm đã nấu chín ra bát và để thật nguội.
Cho cơm nguội vào hũ đã chuẩn bị trước và đổ nước cơm lên trên. Dùng một miếng khăn vải mỏng phủ lên trên rồi đậy nắp lại (không cần đậy chặt mà nên để nắp hờ hờ cho không khí lưu thông giúp tạo điều kiện cho các vi sinh vật phát triển).
Đặt lọ ở thoáng mát, đủ ấm để quá trình lên men diễn ra nhanh hơn. Tầm 2 ngày lại lấy đũa hoặc thìa sạch đảo nhẹ để cơm và nước cơm hòa quyện với nhau. Sau khoảng 2-3 tuần (tùy vào thời tiết), cơm mẻ sẽ lên men và có vị chua dịu. Cơm mẻ sẽ ngấu dần và có mùi vị đậm đà hơn khi ủ lâu.
Để nuôi mẻ, vài hôm bạn lại cho 1-2 thìa cơm hoặc bún sạch vào hũ. Để hũ mẻ ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Để cơm mẻ trắng thơm, có thể cho một vài lát riềng hoặc một cục xương gà, xương lợn vào hũ mẻ.
Khi lấy mẻ, hãy dùng thìa sạch gạt phần cơm bên trên ra và lấy phần mẻ đã ngấu ở bên dưới.
Mẻ đã lấy ra không được đổ ngược trở lại vào hũ mẻ.
Nếu thấy mẻ có dấu hiệu bị mốc thì nên bỏ đi, không được sử dụng tiếp.
Ngoài nấu ăn, bạn có thể sử dụng mẻ để làm sạch đồ dùng. Chẳng hạn như thoa đều mẻ vào đáy nồi và để qua đêm. Mẻ sẽ phát huy tác dụng làm sạch, giúp loại bỏ các vết bẩn đen xì dưới đáy nồi.
Tác giả: Thanh Huyền
-
Mẹo muối dưa cải chỉ 2 ngày là ăn được, dưa vàng giòn, để lâu không bị khú
-
Mẹo pha bột bánh xèo chuẩn, bánh vàng ruộm, giòn lâu
-
Tỷ lệ gia vị pha nước mắm chua ngọt chuẩn, tỏi ớt 100% nổi lên trên
-
Mẹo rửa lòng già trắng sạch, hết mùi hôi: Chỉ cần đúng một loại gia vị
-
Bí quyết hầm thịt bò mềm tan trong miệng mà không cần nồi áp suất