Lòng xe điếu – phần ruột non được xoắn lại thành từng khúc nhỏ, có độ giòn đặc trưng và vị lạ miệng – hiện đang trở thành "món hot" tại nhiều hàng quán và trên mạng xã hội, với mức giá ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, ẩn sau cơn sốt này là không ít nguy cơ tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cảnh báo thủ đoạn làm giả lòng xe điếu gây hại sức khỏe
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cảnh báo rằng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ thị trường, một số cơ sở đã dùng lòng heo kém chất lượng và tẩm hóa chất để "biến hóa" thành lòng xe điếu giả – trông bắt mắt, giòn dai như thật.
Quy trình gian dối này thường bắt đầu bằng việc tẩy trắng lòng bằng oxy già nhằm khử mùi và làm sáng màu. Tiếp theo, họ dùng phèn chua và formol pha loãng để tạo độ giòn và giúp lòng không bị phân hủy nhanh. Thậm chí, một số nơi còn trộn lòng với hồ dán công nghiệp hoặc dùng hóa chất làm se niêm mạc để định hình lòng theo dạng xoắn tròn đặc trưng.
Theo bác sĩ Hà, formol là chất bị cấm trong chế biến thực phẩm vì độc tính cao, có thể gây hại gan, thận và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1 – chất chắc chắn gây ung thư cho con người. Ăn phải thực phẩm chứa formol dễ gây đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa cấp tính, và nếu tích lũy lâu dài có thể gây tổn thương gan, thậm chí dẫn đến ung thư gan.
Phèn chua (nhôm sunfat) cũng không được khuyến khích sử dụng trong thực phẩm, vì nhôm có thể tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và có liên quan đến bệnh Alzheimer.
Việc tiêu thụ lòng xe điếu giả được chế biến bằng hóa chất công nghiệp tiềm ẩn nhiều hệ lụy:
Gây tổn thương hệ tiêu hóa: Chất oxy già, formol và hóa chất làm se niêm mạc có thể gây viêm loét, đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài.
Ngộ độc cấp/mạn tính: Ăn thường xuyên gây tích tụ chất độc, dẫn đến mệt mỏi, vàng da, chán ăn, tổn thương gan.
Tăng nguy cơ ung thư: Đặc biệt là ung thư vòm họng và bệnh bạch cầu nếu tiếp xúc formol trong thời gian dài.
Ảnh hưởng thần kinh và thận: Nhôm trong phèn chua làm giảm trí nhớ, ảnh hưởng não bộ; gan và thận cũng bị tổn thương do liên tục phải lọc độc tố.
Cách phân biệt lòng xe điếu thật và giả để tránh "bẫy thị giác"
Giữa cơn sốt lòng xe điếu trên mạng xã hội và các quán ăn, nhiều người tiêu dùng dễ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hấp dẫn của lòng giả – giòn bất thường, trắng tinh và không có mùi đặc trưng. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn), những sản phẩm này thường đã qua xử lý bằng hóa chất độc hại.
Để tránh mua phải lòng xe điếu giả, người tiêu dùng nên lưu ý các đặc điểm sau:
Màu sắc: Lòng thật thường có màu trắng ngà, không đều màu, còn lẫn gân máu hoặc mỡ tự nhiên. Lòng giả lại trắng bệch, đồng màu bất thường.
Độ giòn: Lòng thật dai nhẹ tự nhiên. Lòng giả giòn gắt, thậm chí dễ vỡ nếu bóp mạnh.
Mùi: Lòng thật có mùi đặc trưng, kể cả sau khi làm sạch. Lòng giả thường không mùi hoặc có mùi hóa chất nhẹ.
Bề mặt: Lòng thật có độ sần nhẹ. Lòng giả trơn nhẵn, có cảm giác như phủ keo hoặc dính tay.
Biểu hiện bất thường: Lòng bán sẵn có màu trắng sáng, ngâm nước lâu không đổi màu, giá quá thấp hoặc quá cao bất thường đều đáng nghi ngờ.
Ngoài vấn đề giả - thật, bác sĩ Hà còn cảnh báo: nội tạng động vật như lòng heo chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa và purin. Ăn quá nhiều có thể gây rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, gút, tiểu đường và tăng nguy cơ bệnh tim – đặc biệt với người có bệnh nền.
Lời khuyên: Hãy chọn mua lòng heo ở nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và nên tự sơ chế tại nhà để đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, cần tỉnh táo trước các trào lưu ẩm thực trên mạng, không nên đánh đổi sức khỏe chỉ vì món ăn lạ miệng.
Tác giả: Bảo Ninh
-
8 dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh thận giai đoạn nặng: Có 1 cũng nên đi khám gấp
-
Không phải cắt muối – Đây mới là cách đơn giản giúp bạn kiểm soát huyết áp mỗi ngày
-
Mẹo bảo quản cơm nguội không bị thiu vào mùa hè: Đơn giản, an toàn
-
Đi nhậu không thể bỏ qua 3 món này giúp giảm tác hại rượu bia hiệu quả
-
Vỏ tôm hay thịt tôm giàu canxi hơn? Có nên cho trẻ ăn vỏ tôm không? Rất nhiều người đang hiểu sai