Cách tính lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nhanh và dễ hiểu

( PHUNUTODAY ) - Khi gửi tiết kiệm ngân hàng, nếu bạn muốn biết số tiền lãi mà mình có thể nhận được là bao nhiêu, hãy tham khảo cách tính lãi suất gửi tiết kiệm dưới đây.

Gửi tiết kiệm ngân hàng là một cách tích lũy cho tương lai được nhiều người lựa chọn. Khi gửi tiền ở bất cứ ngân hàng nào, mọi người đều chú ý đến lãi suất tiền gửi.

Lãi suất tiết kiệm sẽ có sự khác biệt ở từng ngân hàng và tùy thuộc vào kỳ hạn gửi tiền. Để biết được số tiền lãi mình có thể nhận được là bao nhiêu, bạn có thể áp dụng công thức tính dưới đây.

Tính lãi suất tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn

Khi gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn, khách hàng có thể rút tiền ở bất cứ thời điểm nào mình cần mà không cần phải thông báo trước với ngân hàng.

Cách tính lãi suất huy động không kỳ hạn như sau:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365

Ví dụ, khách hàng gửi số tiền 100.000.00 đồng không kỳ hạn tại ngân hàng A với mức lãi suất là 3%/năm. Sau 180 ngày (khoảng 6 tháng gửi tiết kiệm) khách hàng muốn rút tiền thì số tiền lãi mà khách có thể nhận được là:

Tiền lãi = 100.000.000 x 3% x 180/365 = 1.479.452

Như vậy, với số tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là 100.000.000 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi là 1.479.452 đồng sau 180 ngày.

Lưu ý, công thức tính này chưa bao gồm các loại phụ phí, tỷ lệ lạm phát... Trên thực tế, số tiền khách hàng nhận được có thể thấp hơn do ảnh hưởng của những yếu tố nói trên.

Tính lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn

Hình thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng là một trong những loại tiết kiệm được nhiều khách hàng lựa chọn. Với hình thức này, khách hàng có thể chọn gửi tiền với các loại kỳ hạn ngắn (1 tháng, 2 tháng...) hoặc dài hơn từ 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng... Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể lựa chọn thời hạn gửi tiền phù hợp. Với mỗi kỳ hạn, mức lãi suất sẽ có sự thay đổi. Thông thường, các kỳ hạn gửi tiết kiệm dài sẽ có mức lãi suất cao hơn các kỳ hạn gửi tiền ngắn một chút. Lưu ý, với trường hợp gửi tiền có kỳ hạn, chỉ khi rút tiền đúng kỳ hạn đã thỏa thuận với ngân hàng, khách hàng mới nhận được đủ số tiền lãi.

- Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng theo ngày:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365

- Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo tháng:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất/12 x số tháng thực gửi

- Tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng theo năm:

Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất x số năm thực gửi

Lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng

- Gửi tiền trực tiếp tại quầy hoặc gửi online

Hiện nay, khách hàng có thể lựa chọn cách gửi tiền trực tiếp tại quầy hoặc gửi online thông qua ứng dụng của các ngân hàng.

Khách hàng có thể cân nhắc hình thức gửi tiết kiệm phù hợp với mình. Ngoài ra, mức lãi suất của hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp và gửi tiết kiệm online thường có sự khác biệt nên khách hàng cũng phải chú ý.

- Không ký sẵn chứng từ trống

Khi làm bất cứ thủ tục nào như gửi/rút tiền, chuyển tiền, khách hàng đều không được ký vào trang giấy trắng. Ngân hàng có biểu mẫu cho tất cả các thủ tục nêu trên. Nhân viên giao dịch phải tuân thủ đúng quy trình giao dịch với khách tức là điền đầy đủ thông tin yêu cầu trong mẫu rồi mới ký tên xác nhận.

Nếu ký vào trang giấy trắng thì nhân viên ngân hàng có thể dễ dàng điền các thông tin vào đó và thực hiện việc rút tiền của khách hàng.

- Chia nhỏ sổ tiết kiệm

Khách hàng có thể chia nhỏ số tiền mà mình có thành nhiều sổ tiết kiệm với những kỳ hạn khác nhau. Như vậy, trong trường hợp cần rút tiền, khách hàng sẽ rút ở các sổ có kỳ hạn ngắn trước, tránh được trường hợp phải cả sổ tiết kiệm với số tiền lớn mà chưa chắc đã dùng đến hết.

- Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ

Khách hàng có thể thực hiện việc kiểm tra số dư tài khoản định kỳ để biết chắc chắn số tiền của mình vẫn đang nằm trong tài khoản. Nếu trường hợp có biến động số dư bất thường, khách hàng cần báo ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được giải quyết càng sớm càng tốt.

Tác giả: Thanh Huyền