Cái "dũng" thực sự của bậc thánh nhân nằm ở đâu

( PHUNUTODAY ) - Dũng khí thực sự không phải là phải tranh đấu một cách tàn khốc, mà chính là đứng về chân lý, chỉ cần có đạo nghĩa, thì dù phải đối mặt với cường quyền, bạo lực, cho dù có ngàn vạn người cản trở, phản đối, không lý giải được, cũng quyết không nản lòng thay đổi chí hướng của mình.

 Đại dũng của Khổng Tử

Khổng Tử nói: “Kẻ nhân không lo lắng, kẻ trí không nghi hoặc, kẻ dũng không sợ hãi”. Có thể thấy, để đạt được cảnh giới nhân sinh hoàn mỹ, cần có Nhân – Trí – Dũng.

Trong lịch sử Đông Tây kim cổ, đã xuất hiện rất nhiều kẻ dũng. Trong các môn đệ của Mặc Tử, có 800 người có thể xông vào biển lửa, đạp lên núi đao, chết không lùi bước. Kinh Kha hành thích vua Tần, trong tiếng ca bi tráng “Gió hiu hiu hề, Dịch Thủy lạnh, tráng sỹ ra đi, chẳng trở về” mà khảng khái đi vào chỗ chết, “gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.

Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, khí thế bao trùm thế gian, nhưng chỉ vì không còn mặt mũi nào nhìn lại các bậc phụ lão Giang Đông, nên không muốn lưu lại tấm thân mà tự vẫn bên sông. Họ đều là những bậc “dũng giả” (kẻ dũng, người dũng cảm).

Tử Lộ là một trong các môn đồ của Khổng Tử, tính cách quả cảm chính trực, nổi tiếng vì chữ “Dũng”, được Khổng Tử đánh giá rằng: “Trọng Do (tức Tử Lộ) dũng cảm hơn cả ta, còn các tài năng khác thì chưa đủ”. Điều Khổng Tử thúc đẩy và tôn sùng chính là đại dũng.

Một biểu tượng của đại dũng khác chính là nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại Socrates

Năm 594 trước Công nguyên, chính trị gia Athens là Solon đã khai sáng ra nghị sự, bầu cử công dân, nhưng trong thời kỳ này đạo đức và tín ngưỡng truyền thống lại bị suy yếu. Kiểm sát trưởng, quan tòa được tuyển chọn ra từ những nhóm người nông dân, thương nhân, trong mắt họ chỉ toàn là khoa học và pháp luật, bài xích thần thánh, tự cho là mình có tri thức và trí huệ.

Socrates lại đề xướng mọi người nhận thức về đạo đức làm người, sống có đạo đức. Ông nhận thức rằng sinh tồn phát triển và diệt vong của các chủng loại sự vật trên đời đều là do thần an bài, thần là chúa tể của thế giới.

Ông coi trọng lý luận học, cho rằng “mỹ đức chính là tri thức”, ông cả đời dùng trí huệ, tinh lực, và thời gian của mình để đối thoại với mọi người, biện chứng chỉ ra những sai lầm logic trong cách nói và tư tưởng của người khác, mục đích là giáo hóa mọi người rằng nếu chỉ chạy theo tri thức và khoa học mà không chú ý đến phương diện đạo đức thì sẽ khiến mình cuồng ngạo, khuyên bảo mọi người hãy làm một công dân có tri thức, tuân thủ pháp luật, kính ngưỡng thần linh.

Bất kể là đứng trước người quyền cao vọng trọng hay người đông thế mạnh, Socrates đều kiên định với nguyên tắc và chính nghĩa của mình, bởi vậy nên ông đã gặp phải sự phản đối của rất nhiều các giai tầng khác nhau.

Có người tố cáo ông phản đối chính trị dân chủ, dùng tà thuyết đầu độc thanh niên. Socrates vì thế mà đã bị bắt giam vào trong ngục, tại tòa án Socrates bỏ qua sự uy hiếp sinh tử, bác bỏ những lên án về mình, ông đã nói:

“Các vị! Tôi kính trọng các vị, tôi yêu các vị, nhưng tôi nguyện nghe theo thần, mà không nghe các vị… Tôi không làm chuyện nào khác ngoài việc khuyên bảo nhắc nhở mọi người, đừng chỉ quan tâm đến cá nhân mình và tài sản, trước tiên hãy quan tâm đến việc làm sao để có tâm hồn thiện, đây là chuyện quan trọng hơn.

Tôi cho cho các vị biết, tiền tài không thể mang mỹ đức đến cho chúng ta, mỹ đức cũng không mang tiền tài đến cho ta, cũng như hết thảy những việc tốt khác của cá nhân và quốc gia. Đây chính là giáo lý của tôi… Tôi quyết không thay đổi việc làm của mình, có chết vạn lần cũng không thay đổi!”.

Sau đó Socrates đã bị xử tội chết. Socrates từ chối kế hoạch bỏ chạy mà các học trò của ông nghĩ ra, cuối cùng ông đã uống thuốc độc tự tử.

Có thể thấy, dũng khí thực sự không phải là phải tranh đấu một cách tàn khốc, mà chính là đứng về chân lý, chỉ cần có đạo nghĩa, thì dù phải đối mặt với cường quyền, bạo lực, cho dù có ngàn vạn người cản trở, phản đối, không lý giải được, cũng quyết không nản lòng thay đổi chí hướng của mình.

Tác giả:

Tin nên đọc