Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch tự là Thế Thành là con trai thứ 7 của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn. Theo ghi chép trong “Lương Thư”, ông ta là người kiến thức uyên thâm, tài trí thông minh sáng suốt. Khi mới lên 10, đang là Đông Tương quận vương ông đã lấy Từ Chiêu Bội là con gái tướng quân Từ Cổn.
Vào ngày Từ Chiêu Bội xuất giá, khi xe đưa bà đến Tây Châu đột nhiên nổi cơn mưa bão lớn. Khắp nơi nhà cửa đổ sập, cây lớn gãy đầy đường. Chỉ trong chốc lát tuyết lớn phủ trắng xóa mặt đất. Từ Chiêu Bội linh cảm có điểm gở sẽ đến với cuộc hôn nhân của mình. Không ngờ điều đó đã trở thành sự thật.
Nói về vị vương phi Từ Chiêu Bội này, người ta chỉ có thể dùng những cụm từ mỹ miều như sắc nước hương trời, chim sa cá lặn để miêu tả bà. Chính vì thế, Từ Chiêu Bội là người được rất nhiều đàn ông khao khát. Việc bà được gả cho Lương Nguyên Đế từ khi ông vẫn còn chưa lên ngôi Hoàng đế quả thật đã khiến nhiều người tiếc nuối.
Bởi lẽ, nhiều người tin chắc rằng, cuộc sống chốn cung đình của Từ Chiêu Bội sẽ không được hạnh phúc. Lương Nguyên Đế tên thật là Tiêu Dịch (sinh năm 508, mất năm 555), là vị vua thứ 3 của triều Lương thời Nam Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Ông được coi là một tài tử đa tài, hiểu biết rộng với nhiều tài năng như viết chữ đẹp, giỏi thi phú, âm luật, bác cổ tinh kim.
Những tưởng như thế thì Tiêu Dịch sẽ trở thành một vị vua và một người chồng tốt. Nhưng thực ra, trái ngược với những tài năng trời phú, ông lại bất tài trong việc trị quốc và có một thân hình không được như người bình thường. Vị vua này bị hỏng một bên mắt nên có cái tên "độc nhãn long" và chính vì lý do đó nên dù có nhiều tài năng thơ ca, nhạc họa...
Ngược lại, phi tần của Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch - Từ Chiêu Bội, tuy nhan sắc lộng lẫy, cũng có tài văn thơ nhưng là người đàn bà mạnh mẽ với tính cách nổi trội, thậm chí có phần hoang dã.
Bà ham mê uống rượu, chính những sự trái ngược đó đã khiến cho tình cảm của hai vợ chồng họ càng ngày càng bất hòa, xung đột. Theo ghi chép trong sử sách, cứ khoảng 2 - 3 năm Lương Nguyên Đế mới đến phòng bà một lần. Từ Chiêu Bội cũng cố gắng tìm mọi cách để có thể hòa hợp với chồng nhưng đều bị cự tuyệt.
Thân là phi tần bị ghẻ lạnh, từ yêu chuyển sang hận, bà tìm cách rửa hận, cuối cùng lún sâu vào sự hận thù và chịu cái kết bi thảm. Bắt đầu từ việc chọc tức chồng, mỗi lần gặp mặt chồng, bà đều trang điểm một nửa mặt để trêu ngươi, chế giễu Tiêu Dịch bị chột một mắt. Chính vì thế mối quan hệ vợ chồng của họ càng trở nên tồi tệ.
Từ Chiêu Bội không chịu nổi sự cô đơn nên đã cả gan cắm sừng lên đầu Tiêu Dịch. Bà đã thông dâm với một hòa thượng tên Trí Viễn ở hậu đường Kinh Châu. Hòa thượng vẫn là hoà thượng, Từ Chiêu Bội nhanh chóng chán ngán Trí Viễn và bắt đầu tìm mục tiêu mới. Người lần này được Từ Chiêu Bội để mắt tới đó chính là Ký Quý Giang - một thị vệ của Tiêu Dịch. Ký Quý Giang tuy có ngoại hình tương đối sáng sủa, nhưng không phải là người đàng hoàng. Gặp ai anh ta cũng rêu rao, chế giễu rằng: “Tuy Từ nương đã già nhưng vẫn đa tình”.
Nhưng điều quan trọng nhất anh ta cũng làm Từ Chiêu Bội thỏa mãn. Đương thời có một văn sĩ nổi tiếng đẹp trai tên là Hạ Huy, vừa nhìn thấy anh ta Từ Chiêu Bội đã thấy mê mẩn, bèn sai người hẹn anh ta tại miếu Phổ Hiền Ni. Những việc làm trái đạo lý của bà khiến Tiêu Dịch vô cùng căm phẫn, sau nhiều lần nhắm mắt làm ngơ cuối cùng ông cũng tống bà vào thâm cung.
Nhân cơ hội sủng phi Vương thị của Tiêu Dịch đột ngột qua đời, Tiêu Dịch nghi ngờ do Từ Chiêu Bội hạ độc. Đến năm thứ ba Thái Thanh, tức năm 549 sau công nguyên, hoàng tử Tiêu Phương con đẻ của Từ Chiêu Bội và Tiêu Dịch qua đời càng khiến cho Tiêu Dịch đau đớn và căm hận Từ Chiêu Bội.
Cũng trong năm đó, Tiêu Dịch đã lệnh ép Từ Chiêu Bội phải tự sát. Biết không thể tránh được cái chết, Từ Chiêu Bội đã nhảy xuống giếng tự vẫn. Chưa dừng ở đó, Tiêu Dịch còn sai vớt xác Từ Chiêu Bội trả về Từ gia, ông cấm các con không ai được phép để tang mẹ. Chưa hả cơn giận Tiêu Dịch còn đích thân viết bài "Đãng phu thu tư phú" để miêu tả và lên án hành vi dâm dục của Từ Chiêu Bội. Sống trong đau khổ vì tình, đau khổ vì hận thù, đối với bà mà nói sống chính là kéo dài sự đau khổ khôn cùng. Có lẽ cái chết chính là giải thoát tốt nhất dành cho Từ Chiêu Bội.
Năm 552 sau công nguyên, sau khi tiêu diệt Hầu Cảnh, Tiêu Dịch xưng đế, tức Lương Nguyên Đế tại Giang Lăng (Kinh Châu, Hồ Bắc). Tuy Từ Chiêu Bội là chính thất của Lương Nguyên Đế, nhưng Tiêu Dịch cũng không truy phong hoàng hậu cho bà. Điều này chứng tỏ Tiêu Dịch chưa hết hận thù người vợ bội bạc của mình. Trong suốt hai năm tại vị, Tiêu Dịch cũng không sắc phong ai làm hoàng hậu, phải chăng sâu thẳm trong tim Tiêu Dịch vẫn có chút áy náy dành cho người vợ của mình.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang
-
Bí mật mỹ nữ khiến Tào Tháo bất chấp hậu quả, khát khao chiếm hữu
-
Chuyện tình ái: Võ Tắc Thiên làm vợ của cả cha và con vua Đại Đường
-
Chuyện chưa kể về tình yêu “ngược đời” của Đường Cao Tông dành cho Võ Tắc Thiên
-
Bí ẩn giấu kín ngàn năm trong mộ Quan Vân Trường khiến hậu thế “kinh hãi”
-
Bí mật hoàng cung TQ được hoạn quan cuối cùng tiết lộ (P.2)