Khuẩn E.coli gây bệnh thường sinh sống ở đâu
Các bác sĩ cho biết, E.coli thường sống cộng sinh trong đường ruột, là nhóm có ích. Trong khi đó chủng gây bệnh là loại sống ngoài ngoại cảnh, vùng nước bẩn, sông rạch nhiễm phân của súc vật. Khi đó, người ăn phải thức ăn có vi khuẩn đấy vào đường ruột, nó sẽ phát triển gây độc tố.
Đáng nói, khuẩn E.coli có một số tuýp gây bệnh rất nặng. Cụ thể có loại có độc tố giống như tả gây bệnh rất nặng; Thứ hai là gây bệnh biểu hiện giống lỵ; Thứ ba là gây tiêu chảy lẫn máu như lỵ amip.
Theo Phó giáo sư Đoàn Mai Phương, nguyên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai, vi khuẩn E.coli hiện nay đã kháng kháng sinh Carbapenem - loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị. Tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn này đang tăng 30-40%, so với năm 2009.
"Nếu không kiểm soát thì kháng kháng sinh sẽ lan truyền giữa vi khuẩn này với vi khuẩn khác, tình trạng đề kháng kháng sinh Carbapenem tăng nhanh chóng", bà Phương nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ một vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Nguyên nhân khiến khuẩn E.coli ở Việt Nam bị kháng kháng sinh
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh xảy ra bắt nguồn từ thói quen mua thuốc không cần đơn của người dân. Thậm chí các bác sĩ cũng sử dụng kháng sinh không hợp lý.
Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra trong cộng đồng đã tăng gấp hai lần. Có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 91%.
Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến loại vi khuẩn độc hại này trở nên ngày càng mạnh mẽ. Trên thế giới đã từng có những vụ dịch tiêu chảy do E.coli kháng thuốc với tỉ lệ tử vong cao tại Thụy Điển, Đức. Tại Việt Nam, các khuẩn E.coli kháng thuốc này cũng tìm thấy và trong thực tế điều trị, tỉ lệ tử vong không cao như ở các nước châu Âu nhưng đang có xu hướng tăng.
Làm thế nào để tránh nhiễm khuẩn E.coli
Vì nhiễm vi khuẩn E.coli vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe cũng như tính mạng, đặc biệt là tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng cao nên các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đề phòng nhiễm phải loại vi khuẩn này.
Con đường lây nhiễm của vi khuẩn E.coli là đường phân miệng, vì thế nên chú ý rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, không ăn rau quả tưới bằng phân tươi… Bên cạnh đó cần thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, ăn chín uống sôi là rất quan trọng để phòng bệnh.
Lưu ý khi ăn rau sống để không nhiễm bệnh chết người
Bệnh đường tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy là căn bệnh thường gặp nhất khi bạn ăn rau sống bẩn, không đảm bảo vệ sinh.
Những loại rau sống kể cả rau tự trồng tại nhà cũng có thể có trứng giun sán hoặc các loại ký sinh trùng gây bệnh lỵ, tả bám lên và bạn dễ nhiễm những bệnh này nếu ăn rau rửa không sạch.
Ngoài ra, rau sống cũng thường tồn dư các loại thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo vệ thực vật nên hoàn toàn có thể khiến bạn bị ngộ độc khi ăn phải.
Các chuyên gia ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM từng tiến hành nghiên cứu trên 8 loại rau thường được dùng ăn sống nhiều nhất gồm xà lách, xà lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, rau đắng, rau cải cúc, rau má, rau húng, tía tô, húng quế... Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên rau là 92,3-100%.
Kể cả sau 3 lần rửa sạch và rửa bằng nước rửa chuyên dụng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn ở mức 51,9-82,6%.
Vì thế cách ăn rau sống tốt nhất để không nhiễm bệnh chính là ăn rau sạch được trồng hữu cơ an toàn, đúng kỹ thuật có nguồn gốc rõ ràng. Rau phải được rửa sạch kỹ càng dưới vòi nước chảy.
Trần sơ rau sống trước khi ăn cũng là một cách để giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc khi ăn rau.
Với các loại quả, khi ăn sống bạn nên rửa sạch sau đó gọt sạch vỏ trước khi ăn.
Tác giả: