I. Những khoản chi cần thiết cho bé từ sơ sinh đến 6 tháng
1. Tã:
Trong vài ngày đầu, trẻ sơ sinh đi phân su rải rác trong khoảng 3 – 5 ngày đầu. Trung bình 1 ngày mẹ phải thay từ 5 – 7 cái tã. Nếu bạn sử dụng loại tã thường là 160k/ bịch thì 1 tháng Mẹ mất khoảng 650k. Chi phí này sẽ cao hơn nếu Mẹ lựa chọn các loại tã cao cấp.
2. Quần áo:
Bé sơ sinh phát triển rất nhanh, nên Mẹ chỉ cần mua đủ dùng trong một giai đoạn nhất định. Bạn cần khoảng 10 bộ mặc ở nhà cho 3 tháng đầu với 2 size khác nhau và 1- 2 bộ dành cho những lúc ra ngoài. Chi phí vào khoảng 500k và sẽ cao hơn nếu bạn chọn các loại chất liệu cao cấp.
3. Nôi:
Nếu bạn muốn bé nhà mình ngủ tự lập thì bạn cần khoảng 1 – 2 triệu đối với nôi gỗ và 2 – 3 triệu đối với nôi siêu nhẹ. Giá thành sản phẩm sẽ tùy vào thương hiệu bạn muốn mua. Để tiết kiệm chi phí bạn có thể mua đồ thanh lý hoặc không cần mua nếu bạn thấy kinh tế cũng như không gian của gia đình không phù hợp.
4. Đồ chơi:
Bạn chỉ cần mua 1 vài món đồ chơi đơn giản để cho bé dùng hết giai đoạn 6 tháng. Mức chi phí ở giai đoạn này vào khoảng 300 – 500k
5. Sữa:
Nếu Mẹ có đủ sữa cho bé bú thì Mẹ có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn và hoàn toàn yên tâm về sự phát triển của con.
Nếu bạn chuẩn bị đi làm hãy vắt sữa và trữ trong túi trữ sữa chuyên dụng để cho bé dùng dần. Đối với loại túi này chỉ cần khoảng 100k – 200k là bạn đã có 50pcs để dùng. Ngoài ra, cần sử dụng miếng thấm sữa để đảm bảo vệ sinh cho bầu ngực của mình và con. Khoản này cần 250k/ tháng
Nếu mẹ muốn tẩm bổ cho bản thân để tăng cường chất lượng sữa cho bé bú thì có thể bổ xung thêm: sắt, thức ăn,…Chi phí khoảng 1,5 – 2tr/ tháng.
Trường hợp nuôi con bằng sữa ngoài
– Sữa: Nếu bạn chọn sữa ngoại, ít nhất một tháng bạn cần mua 5 hộp sữa 900gr. Như vậy, bạn cần chi khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Nếu bạn chọn sữa nội, có thể giảm được khoảng 1/3 chi phí này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là bạn cần theo dõi xem con mình phù hợp với loại sữa nào để đảm bảo bé hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
– Bình sữa và dụng cụ vệ sinh bình sữa
Với bình sữa, bạn không nên quá tiết kiệm để tránh chọn phải hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bạn có thể phải chi khoảng 200 -300 nghìn đồng cho khoản này.
Dụng cụ vệ sinh cũng sẽ cần chi khoảng thêm 100 nghìn là đủ.
– Khám chữa bệnh: So với trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, nhất là những trẻ được cho bủ sữa non, trẻ bú sữa công thức thường dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch của cơ thể kém. Do đó, bạn nên dự trù khoảng 1 triệu đồng phòng khi cần khám chữa bệnh cho con.
II. Kinh phí trung bình trong một tháng dành cho trẻ nhỏ từ 6 đến 12 tháng
1. Sữa
Giai đoạn này trẻ đã bắt đầu ăn bột nên trẻ bú sữa ít hơn. Bạn có thể chỉ mất khoảng 3-4 lon sữa 900gr trong một tháng = 1,2 – 1,5 triệu đồng (tùy loại sữa).
Với những ai nuôi con bằng sữa mẹ, nếu còn sữa, bạn có thể tiếp tục cho bú nhưng nên nhớ lúc này sữa đã kém chất lượng hơn. Vì thế, bạn có thể cho con dặm thêm sữa ngoài một tháng khoảng 1 hộp 900gr.
2. Bột
Bạn cần chi thêm khoảng 300 nghìn đồng để mua bột cho trẻ trong 2 tháng đầu và tăng thêm khoảng từ 500 – 600 khi bé đã quen với chuyện ăn uống. Nếu chọn bột cao cấp, khoản chi sẽ còn tăng thêm. Mặt khác, bạn có thể mua nguyên liệu về và tự chế biến để tiết kiệm hơn.
3. Tã
Lúc này bạn không cần cho trẻ mặc bỉm 24/24h. Vì thế mỗi ngày bạn chỉ cần dùng 1-2 miếng vào mỗi tối. Như vậy, mỗi tháng bạn chỉ mất khoảng 160 nghìn cho việc mua tã.
4. Đồ chơi
Trẻ ở giai đoạn này đã bắt đầu biết cầm nắm, đùa giỡn với đồ vật có được. Do đó, mỗi tháng bạn có thể mua thêm cho bé một món đồ chơi thay vì dồn mua một lần. Với khoản này, bạn không nên tiết kiệm mua hàng rẻ tiền để tránh mua phải hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Trung bình, mỗi tháng bạn chỉ cần chi từ 200-300 nghìn đồng cho khoản đồ chơi.
5. Quần áo
Vì trẻ lớn liên tục và có thể ra ngoài vui chơi nhiều hơn nên bạn cần mua sắm quần áo cho trẻ hàng tháng. Mỗi tháng như vậy bạn cần mua khoảng 3 – 5 bộ và mất từ 500 – 700 nghìn đồng.
6. Thức ăn dặm: sữa chua, váng sữa, phomai và trái câyTrẻ từ 8 tháng trở lên có thể dùng thêm trái cây và các loại sữa chua, phomai, váng sữa.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng cao trong giai đoạn này nên bố mẹ cần cho bé ăn dặm thêm nhiều dạng thức ăn khác nhau. Bạn có thể phải chi khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu cho khoản này. Để tiết kiệm thời gian đi lại, bạn có thể mua một lần và dùng dần đối với sữa chua, phomai và váng sữa. Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng những thực phẩm này nếu không thực sự cần thiết.
7. Thuốc bổ
Chỉ nên dùng với những trẻ bị thiếu hụt chất và được bác sĩ chỉ định. Những dạng thuốc này có thể cần chi khoảng 200-300 nghìn đồng.
8. Khám chữa bệnh
Do hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, nên trong giai đoạn này, trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, bạn cần dự trù khoảng 1 triệu đề phòng xa. Tất nhiên, không phải tháng nào con bạn cũng dễ mắc bệnh nhưng có những tháng trẻ có thể đến thăm bác sĩ đều đặn. Bạn không nên quá lo lắng vì đây là vấn đề rất phổ biến ở trẻ nhỏ.
III. Khoản chi cho việc tiêm ngừa trong suốt một năm đầu đời của trẻ
Việc tiêm ngừa rất cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của những bệnh nguy hiểm. Vì thế, bạn cần duy trì các mũi tiêm xuyên suốt những năm đầu đời của trẻ.
Tóm lại:
– Với trẻ sơ sinh tháng đầu: Chi phí cho các khoản cần thiết khoảng từ 4 – 5 triệu với trường hợp nuôi con bằng sữa ngoài và từ 2 – 3 triệu với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.
– Với trẻ nhũ nhi từ 2 – 5 tháng: Chi phí cho các khoản cần thiết trong tháng khoảng từ 3 – 4 triệu và từ 1 – 1,5 triệu với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.
– Với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 1 tuổi: Chi phí cho các khoản cần thiết trong tháng khoảng từ 3 – 4 triệu và từ 2 – 3 triệu với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.
Như vậy, trong năm đầu tiên bạn cần khoảng 40 – 50 triệu đồng nuôi con nếu dùng hoàn toàn bằng sữa công thức. Trong khi đó, bạn có thể tiết kiệm đến một nửa chi phí ấy nếu nuôi con bằng sữa mẹ. Con số này đáng để bạn cân nhắc lựa chọn cách thức nuôi con phải không?
Đây chỉ là những khoản dự trù tham khảo. Sự chênh lệch cao thấp còn do mức chi tiêu theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Tác giả: