Ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.
Nghị định này quy định hạn mức khuyến mãi, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ như sau:
Trong trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mãi, giảm giá) thì được khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Hạn mức khuyến mãi, giảm giá 100% cũng được áp dụng với các hoạt động khuyến mãi trong khuôn khổ chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.
Ngoài trường hợp nêu trên, hạn mức khuyến mãi, giảm giá không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trước thời gian khuyến mãi.
Cũng theo Nghị định này, không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mãi giảm giá cho: Hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Nghị định quy định thương nhân thực hiện khuyến mãi gồm:
1- Thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện khuyến mãi hoặc thực hiện khuyến mãi thông qua các thương nhân phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân phối khác theo quy định của pháp luật);
2- Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mãi thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó.
Việc thực hiện khuyến mãi phải đảm bảo:
1- Không đưa ra điều kiện để khách hàng được hưởng khuyến mãi là phải từ bỏ, từ chối hoặc đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức khác;
2- Không có sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
Nghị định cũng nêu rõ, không được sử dụng kết quả xổ số để làm kết quả xác định trúng thưởng, làm căn cứ để tặng, thưởng trong các chương trình khuyến mãi theo hình thức quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 9 Điều 92 Luật thương mại.
Theo các doanh nghiệp, hạn mức tối đa 50% là bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua. Quy định này là “vòng kim cô” bó buộc doanh nghiệp không thể bán hàng để thu hồi vốn trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng xuống thấp, hàng hóa tồn kho cao, dòng tiền bị ngưng trệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý thì gặp khó trong việc thực thi.
Trên thực tế, nhiều ngành nghề như công nghệ thông tin hay thời trang…, các sản phẩm, mẫu mã liên tục thay đổi. Thế nhưng, nếu như doanh nghiệp muốn bán hàng tồn kho của mình với mức giả rẻ hơn 50% để xả hết hàng thì cũng không được bởi “quy định không cho phép”.
Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mãi có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt khi một doanh nghiệp mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mãi để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Mặt khác, mức trần khuyến mãi còn cản trở khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp trong nhiều trường hợp, hạn chế tính linh động của thương nhân trong việc chấm dứt kinh doanh và chuyển sang lĩnh vực khác.
Nghị định cũng quy định doanh nghiệp không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không được thực hiện khuyến mãi theo mô hình đa cấp, trong đó đối tượng khuyến mãi gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, người trước được hưởng lợi ích từ việc mua hàng của người sau.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được thực hiện các hoạt động khuyến mãi theo quy định của pháp luật nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tác giả: