Chú ý: 2 nhóm người này bắt buộc phải dùng Căn cước, không được dùng Căn cước công dân

( PHUNUTODAY ) - Luật Căn cước ra đời đã có những thay đổi trong việc sử dụng giấy tờ tùy thân. Một số trường hợp căn cước công dân vẫn được dùng, một số trường hợp bắt buộc phải cấp đổi.

Từ 1/7/2024, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 đã chính thức có hiệu lực. Nhưng trên thực tế có người vẫn còn dùng Căn cước công dân, người đã dùng Căn cước. Tuy nhiên sẽ có một số đối tượng bắt buộc phải đổi.

Quy định về giai đoạn chuyển tiếp từ Căn cước công dân sang Căn cước

Khi Luật Căn cước có hiệu lực thì cần có một giai đoạn chuyển tiếp từ giấy tờ tùy thân dạng cũ sang dạng mới. Theo đó Điều 46 của Luật này quy định giai đoạn chuyển tiếp như sau:

Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7/2024 thì sẽ được dùng tới hết hiệu lực in trên thẻ (trừ trường hợp công dân tự nguyện muốn cấp đổi hoặc những trường hợp buộc phải cấp đổi vì thay đổi)

Chính vì quy định này nên có nhiều trường hợp công dân đã có căn cước công dân còn thời hạn dài, thậm chí có vô  thời hạn (người cấp căn cước công dân khi đủ 60 tuổi) thì sẽ có thể còn dùng căn cước công dân nhiều năm nữa.

Luật Căn cước có hiệu lực nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp một số người còn dùng Căn cước công dân

Từ nay những trường hợp này phải bắt buộc dùng Căn cước

1. Những trường hợp làm lại do mất hỏng, hết hiệu lực, làm lần đầu giấy tờ tùy thân sau ngày 1/7/2024

Khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, những người đi cấp mới hoặc cấp lại giấy tờ tùy thân thì sẽ được đổi sang mẫu Căn cước.

Theo Luật Căn cước thì Căn cước được cấp cho mọi công dân không ngoại trừ độ tuổi nào (Trước đây Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân chỉ cấp từ đủ 14 tuổi trở lên). Do đó trẻ em, người lớn đều được quyền cấp Căn cước. Các đối tượng cấp lần đầu từ nay đều sẽ dùng căn cước, không được cấp căn cước công dân.

2. Những trường hợp có căn cước công dân còn hiệu lực nhưng chủ động cấp đổi

Theo quy định chuyển tiếp thì Căn cước công dân đã cấp còn hiệu lực thì vẫn được sử dụng tới khi hết hạn ghi trên thẻ. Tuy nhiên những người đã chủ động xin cấp đổi từ ngày 1/7/2024 thì sẽ được cấp đổi sang Căn cước, và thẻ Căn cước công dân sẽ hết hiệu lực ngay khi cấp Căn cước.

Trường hợp này người dân lưu ý trên bản cứng thẻ Căn cước công dân cũ thời hạn còn nhưng trên hệ thống của Bộ Công an đã ghi nhận loại thẻ đó hết hiệu lực. Theo quy định khi được cấp đổi sang Căn cước thì thẻ Căn cước công dân kia bị thu hồi nhưng thực tế có một số trường hợp cán bộ thực thi không thu hồi hoặc công dân không nộp bản cũ. 

Ngay cả khi công dân còn giữ bản Căn cước công dân cũ (trên mặt thẻ ghi còn hiệu lực) thì trường hợp này cũng không được phép dùng bản Căn cước công dân này trong các giao dịch nữa.

Cố tình dùng bản Căn cước công dân cũ khi đã chủ động cấp đổi Căn cước, có bị xử phạt không?

Theo quy định Căn cước hoặc Căn cước công dân phải được cấp đổi khi hết hiệu lực thực hiện thủ tục cấp đổi thì phải thu hồi bản cũ. Người dân không làm đúng thủ tục cấp đổi thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300-500 nghìn đồng. Hơn nữa giấy tờ tùy thân hết hiệu lực mà không cấp đổi thì khi cơ quan chức năng có yêu cầu kiểm tra, không xuất trình được giấy tờ hợp lệ cũng sẽ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Trường hợp công dân đã cấp căn cước mà vẫn cố tình dùng bản Căn cước công dân cũ trong các giao dịch còn gây ra rủi ro về tính pháp lý sau này. Thế nên khi đã chủ động cấp đổi sang Căn cước, người dân không nên dùng bản Căn cước công dân cũ nữa.

Tác giả: Như Bình