Vì sao táo nhập khẩu để lâu không hỏng?
Khi mua táo, bạn có thể thấy rằng các loại táo nhập khẩu để ở nhiệt độ bình thường vẫn có thể bảo quản cả tháng mà không bị hỏng. Khi rửa, vỏ táo trơn tuột như bôi mỡ hoặc có lớp sáp dẻo quánh, có màu đục, dính. Rất nhiều người tỏ ra lo ngại không biết liệu táo như vậy có phải do được ngâm trong hóa chất bảo quản độc hại hay không?
Thực tế, lớp sáp bên ngoài quả táo chính là thứ dùng để bảo quản chúng.
ThS Nguyễn Mạnh Khải, Khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống, để trái cây được tươi lâu, các nước tiên tiến đã tiến hành bảo quản chúng bằng các lớp sáp tự nhiên làm từ thực vật, lành tính và không gây hại cho sức khỏe.
Có hai loại sáp thực phẩm chính được sử dụng cho táo. Một là sáp Shellac được làm từ dịch tiết của bọ lac - một loài bọ cánh cứng được tìm thấy ở Thái Lan và Ấn Độ. Loại sáp này tạo ra độ bóng cho các quả táo. Khoảng 85% sáp táo được sử dụng ở Úc là loại sáp này. Một loại sáp khác dùng để bảo quản trái cây là sáp carnauba. Nó có nguồn gốc từ cây cọ Copernicia prunifera chỉ được trồng ở Brazil. Loại sáp này ổn định hơn trong nhiều điều kiện đổ ẩm và nhiệt độ. Khoảng 15% sáp táo được sử dụng ở Úc có nguồn gốc từ sáp carnauba.
Cả hai loại sáp này đều được chấp nhận là phụ gia thực phẩm ở Úc theo Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc và New Zealand (FSANZ). Chúng cũng được nhiều quốc gia khác trên thế giới phê duyệt, bao gồm cả châu Âu, vương quốc Anh và Mỹ.
Vì vậy, người tiêu dùng không cần lo ngại về an toàn thực phẩm với táo nhập khẩu. Các loại hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cả tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm soát chặt chẽ. Các lô hàng không đạt yêu cầu đều sẽ bị trả lại, không được nhập khẩu vào Việt Nam.
Điều đáng lo ngại là loại táo được bán không rõ nguồn gốc hoặc do thương lái sau khi nhập về tự bảo quản bằng các loại thuốc không được phép.
Nếu táo nhập khẩu chính ngạch thì đã sử dụng công nghệ bảo quản tối ưu nhất để có thể đi đến các nước trên khắp thế giới trong thời gian dài mà không hỏng.
Tại Việt Nam, chúng ta cũng có nhiều công nghệ bảo quản trái cây tươi lâu bằng phương pháp sinh học từ nhựa cây, lá cây hay các chế phẩm an toàn khác. Mục đích chính của các cách này là hạn chế quá trình hô hấp, giúp quả tự bảo vệ và tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, tránh ảnh hưởng của điều kiện khí hậu. Tuy nhiên, do giá thành cao, không có quy mô sản xuất đại trà nên việc ứng dụng ở thời điểm hiện tại chỉ thu gọn trong một nhóm nhỏ, chưa nhiều người biết đến.
Nên ăn trái cây đúng mùa, đúng vụ
Việc bảo quản trái cây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. ThS Nguyễn Mạnh Khải cho rằng nếu thấy trái cây giữ được lâu thì không nên vội vàng kết luận là do chúng được bảo quản bằng hóa chất.
Táo, lê thường có thời gian bảo quản dài cộng với việc đã được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm các vi sinh vật, điều kiện bảo quản tốt thì có thể để được từ 6-10 tháng, thậm chí cả năm.
Bên cạnh đó, thời gian bảo quản ngắn hay dài còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản như nồng độ CO2, độ ẩm, nhiệt độ (nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 1-5 độ C), điều kiện sản xuất, giống cây, loại cây, chất lượng sản phẩm... Trong điều kiện bình thường, táo, lê không thể để được vài tháng. Tuy nhiên, khi có sự góp mặt của các chất bảo quản an toàn thì không sao.
Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên ăn các loại trái cây để quá lâu mà không hỏng. Dù bên ngoài trông chúng vẫn còn tươi nhưng bên trong vẫn có thể bị chuyển hóa. Nên ăn trái cây theo mùa. Với các loại trái cây nhập khẩu, nên chọn những loại có nguồn gốc xuất xứ. Loại này có thể giữ được lâu nhưng tốt nhất vẫn nên dùng ngay sau khi mua.
Tác giả: Thanh Huyền
-
4 thực phẩm cứ ngỡ giúp giảm cân, nào ngờ chứa nhiều calo hơn cả thịt mỡ
-
6 loại rau củ bổ hơn thịt, rẻ hơn thuốc, qúy như nhân sâm bán đầy ngoài chợ
-
Đắp hành tây vào lòng bàn chân trước khi đi ngủ, nhận ngay lợi ích tuyệt vời
-
Ớt chuông mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng không phải ai ăn cũng tốt
-
Nhỏ 1 giọt dầu gió vào rốn trước khi đi ngủ: Chỉ 3 ngày thấy ngay thay đổi