Chuyện lạ có thật: Kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ "mắc màn" cho cam

( PHUNUTODAY ) - Đây là câu chuyện về người đàn ông được mệnh danh là "vua cam" với vườn trái cây hơn 2000 gốc cho doanh thu lên đến 5 tỷ đồng mỗi năm.

Cam là thứ quả nổi tiếng ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Toàn huyện có hơn 2.000 hecta trồng cam, tập trung nhiều ở xã Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy và đặc biệt là “thủ phủ cam” Khe Mây ở xã Hương Đô, thơm ngon nức tiếng.

Với hơn 2.000 gốc cam được sản xuất theo quy trình khép kín, lão nông Đinh Văn Oánh ở vùng đất Hương Đô được mệnh danh là “vua cam”, mỗi năm vườn cam cho doanh thu trên 5 tỷ. Trị giá vườn cam đặc biệt này có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngoài say mê tìm hiểu thành tựu khoa học công nghệ để áp dụng thì ông là người rất kỹ tính trong nghề làm vườn. "Hễ thấy ai vứt vỏ cam dưới gốc tôi đều nhặt hết từng vỏ đưa về nhà, tránh hiện tượng gây nấm và tạo thêm độ sạch cho cam".

Khi quả bắt đầu lớn, ông Oánh mắc thêm một chiếc màn màu trắng bao trùm toàn bộ cây. Ông Oánh cho biết, để cam “ngủ” trong màn là kỹ thuật trong sản xuất ông tự tìm tòi và nghĩ ra. Vườn cam này mắc màn từ rằm tháng 7. Mục đích của việc mắc màn cho cây, theo ông Oánh, là để tránh bướm đêm chích làm thối quả. Ngoài ra, để tránh ruồi vàng, bọ xít, sâu đục quả. 

Ở Nghệ An, đến vườn cam nhà anh Thắng giữa mùa thu hoạch, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những hàng cam trên đồi được phủ màn trắng, bao trùm từ ngọn đến gốc. Mỗi chiếc màn có chiều dài hàng chục mét, được may ghép từ nhiều mảng màn với nhau, phủ kín gần cả hàng cam.

Theo anh Thắng, màn này được phủ lên cam cách đây khoảng 3 tháng. Đó là lúc quả cam đã bước vào giai đoạn gần chín, tỏa mùi thơm, nhiều loại côn trùng tụ tập về vườn cam để "châm chích". Việc phủ màn lên cam, lúc đầu đã gây sự chú ý của những người trồng cam trong xã. Ai cũng thấy lạ vì từ xưa tới nay chỉ diệt sâu bọ để bảo vệ cam bằng cách bắt sâu bằng tay, phun thuốc sâu, thắp bóng điện, bọc quả cam bằng túi nilon chứ chưa ai mắc màn cho cam cả.

Ở địa phương, người dân đã dùng nhiều cách để đối phó với nạn sâu bọ phá hoại cam, nhất là loại “bướm ma" mắt đỏ đốt rụng hàng tạ quả. Gia đình anh Thắng cũng như nhiều hộ trồng cam đã triển khai nhiều cách phòng chống nhưng không đem lại hiệu quả. Và "mắc màn" cho cam là giải pháp do gia đình anh Thắng thử nghiệm.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thắng đã nảy ra ý tưởng sẽ bảo vệ cam bằng một cái lồng. Lúc đầu anh nghĩ sẽ bọc những cây cam bằng lưới thép, nhưng làm lưới chi phí khá cao, lại không bền với mưa nắng, sau anh nghĩ đến việc mua màn về phủ cho cam.

Do làm lần đầu nên anh Thắng chỉ làm thí điểm một phần diện tích để theo dõi, so sánh và rút kinh nghiệm. Sau một thời gian ngắn, 100 gốc cam trong vườn nhà anh đã được “mắc màn” bảo vệ.

"Rất mừng là cam vẫn xanh tốt bình thường. Các loại sâu bướm phá hoại thường gặp không thể chui vào trong màn. Sau 3 tháng, lứa cam “đội màn” đầu tiên với mùa quả bói đã cho thu hoạch 1 tấn quả. Chất lượng cam rất tốt, màu quả đẹp, thơm ngon như những cây cam khác...” - anh Thắng chia sẻ.

Hiện cam "mắc màn" của anh Thắng được người tiêu dùng ưa chuộng, người mua đăng ký khá nhiều nhưng không có cam để bán."Hiệu quả đã rõ, mùa cam tới tui sẽ "mắc màn" cho toàn bộ số cam trong vườn. Tuy chi phí ban đầu khá cao, nhưng sản phẩm cam sạch, đảm bảo uy tín cho vườn cam của mình" - anh Thắng quả quyết như vậy.

Thế mới biết người nông dân cũng vô cùng sáng tạo và có chí làm giàu. Cam mắc màn, nghe thì thật lạ nhưng đó chính là cách giúp người nông dân thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tác giả:

Tin nên đọc