Theo Newsmedical, măng tươi chứa rất nhiều prtotein, chất béo, đường, carotin, các vitamin B, C và canxi, photpho, chất xơ. Tuy nhiên món ăn này không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em và những người đang mắc một số bệnh sau cần cẩn trọng hoặc tránh dùng măng.
Sỏi thận
Măng chứa nhiều axit oxalic có thể dễ dàng kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành axit oxalic canxi dẫn đến sỏi thận đường tiết niệu. Do vậy người bị bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều măng tươi.
Viêm loét dạ dày, tá tràng
Măng tươi giàu chất xơ. Theo Đông y, loại thực phẩm này có tính hàn, khó tiêu hóa nên những người mắc bệnh loét dạ dày và tráng tràng, viêm dạ dày, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, không nên ăn nhiều để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Mẹo khử độc măng tươi
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
Cách 1:
Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi tùy theo từng loại măng độc nhiều hay ít, măng thường hay măng đắng mà có cách xử lý khác nhau. Có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
Cách 2:
Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
Tác giả: Nguyễn Thị Vân Anh