Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi lời cảm ơn được nói ra chân thành, nó giúp mọi người cư xử với nhau dễ dàng hơn. Lời cảm ơn không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.
Trước đây, trong quan hệ xã hội mọi người cảm ơn nhau là chuyện rất bình thường. Khi ai đó làm điều gì tốt với bạn hoặc giúp bạn một điều gì đó, bạn nói lời cảm ơn. Có thể hiểu “cảm ơn” là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó. Người nhận được lời cảm ơn của bạn sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng bởi vì họ nghĩ rằng bạn đã hiểu được tấm lòng và sự chân thành mà họ dành cho bạn.
Ngày nay, dường như văn hóa “cảm ơn” đã bị dần dần lãng quên. Có thể do mọi người phải chạy theo dòng chảy của cuộc sống, sống gấp hơn, vội vàng hơn và dễ dàng cho qua những thứ mà họ nghĩ là vụn vặt, không cần thiết, trong đó có từ “cảm ơn”.
Biết ơn là phẩm chất cao quý của một tâm hồn đẹp. Chính vì vậy mà có rất nhiều truyện kể được lưu truyền để nhắc nhở chúng ta rằng: Làm người, cần có lòng biết ơn, hãy biết nói lời cảm ơn. Xin được kể các câu chuyện sau:
Câu chuyện vợ chồng người thu rác
Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.
Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.
Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.
Hãy luôn nói lời cảm ơn cuộc đời này, và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ. Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?
Ân nhân vô danh
Xưa có một hành khách bước đơn độc trên chặng đường xa. Khi đã quá mỏi mệt và kiệt quệ, anh nằm xuống và ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ ven đường. Không lâu sau, một con rắn độc từ trong bụi cỏ chui ra và bò về phía người độc hành này.
Khi con rắn chuẩn bị cắn người khách đang ngủ, bỗng một người đi ngang qua đó, kịp thời đánh chết con rắn độc rồi đi tiếp. Người độc hành vẫn ngủ say sưa mà không hề biết chuyện gì đang diễn ra. Cho đến cuối cuộc đời, anh vẫn không hay biết rằng mình đang sống trong ân huệ của người qua đường vô danh thuở nọ…
Có thể vị khách độc hành không hề biết đến ơn cứu mạng ấy, và người qua đường cũng đã quên từ lâu, nhưng sự tình này đều ghi dấu trong Trời Đất.
Mới đây, khi mà khắp nước Mỹ đang hướng về buổi lễ tưởng niệm tròn 10 năm diễn ra vụ tấn công 11/9 làm kinh hãi cả thế giới, nữ diễn viên của “Shakespeare đang yêu” Gwyneth Paltrow đã chia sẻ câu chuyện về cái ngày 11/9 cách đây 10 năm… ngày mà cô vô tình cứu mạng một người phụ nữ.
Gwyneth Paltrow kể lại: “Vào buổi sáng ngày 11/9 mười năm trước, khi tôi đang trên đường về nhà sau buổi tập yoga thì gặp một người phụ nữ đang băng qua đường, ngay trước mũi xe của tôi, cô ấy đi bộ hơi ẩu và vì sự cố này, cả hai chúng tôi đều dừng lại. Cả hai đều không hiểu chuyện gì đang diễn ra mà chỉ nhìn nhau rất lâu rồi cùng cười phá lên. Sau đó cô ấy đi khỏi và tôi cũng về nhà, không hề để tâm gì đến sự vụ đó cả”.
“Mười năm sau tôi nhận được một lá thư từ người phụ nữ tôi tình cờ gặp trên đường khi đó. Cô ấy nói rằng hôm đó cô đang trên đường đi làm, và nơi cô làm việc chính là tầng 77 của tòa tháp phía Nam. Tuy nhiên do sự cố bất ngờ với tôi mà cô đã không kịp giờ làm, không kịp tới trung tâm thương mại thế giới và đã thoát nạn trong gang tấc.”
Cô gái mà Gwyneth suýt đâm phải là Lara Lundstrom Clarke, khi đó 24 tuổi. Lara kể lại: “Tôi đã nhìn chăm chú người lái chiếc Mercedes rồi thốt lên: ‘Chúa ơi, đó là Gwyneth Paltrow.’ Vì chuyện này mà tôi trễ tàu… Có thể nói Gwyneth Paltrow đã thay đổi số phận của tôi trong cái ngày kinh khủng ấy.”
Nếu bạn là cô Lara Lundstrom Clarke bạn có nói cảm ơn người đã làm trễ chuyến tàu đó không?
Cuộc sống đôi khi khó khăn, bạn nên biết cảm ơn người đã làm bạn vấp ngã, vì người đó làm bạn trưởng thành hơn. Bạn cũng nên nói lời cảm ơn người đã làm phiền bạn vì có khi điều đó lại cứu mạng bạn. Hãy luôn nói lời cảm ơn vì cuộc sống đã cho bạn những trải ngiệm và giây phút quý giá đó.
Trong hành trình nhân sinh của con người, câu chuyện cuộc đời cứ như một bộ tiểu thuyết vậy, trong đó có bi ai, có thống khổ, có vui, buồn, các cung bậc cảm xúc diễn ra sống động. Những trải ngiệm đó tạo nên những nét riêng, phong phú của sinh mệnh. Những nốt nhạc, có thăng, có trầm, hòa thành một bản giao hưởng trọn vẹn của cuộc sống. Trong hành trình cuộc đời chẳng phải bạn nên nói lời cảm ơn vì những điều bạn đang gặp trong cuộc sống sao?
Dạy con nói lời cảm ơn từ bé
Hãy dạy con biết nói lời xin chào, cảm ơn, xin lỗi... ngay khi chúng bắt đầu học nói.
1. Hãy là tấm gương cho trẻ
Trẻ em khi còn nhỏ rất dễ làm theo và bắt chước người lớn. Vì vậy, muốn dạy con từ những chuyện nhỏ nhất, từ câu chào, lời cảm ơn, xin lỗi..., bố mẹ, ông bà và người thân trong gia đình phải là những người thực hiện đầu tiên, là tấm gương cho bé nhìn vào. Cần phải dạy dỗ trẻ khi chúng có thể nói được những từ hoàn chỉnh càng sớm càng tốt. Nếu trẻ chưa học nói, bạn hoàn toàn có thể dạy con thông qua những hành động như vẫy tay chào tạm biệt, khoanh tay để cảm ơn, hay muốn xin một đồ vật nào đó...
2. Khen ngợi khi trẻ lễ phép
Bạn hãy vỗ tay khen ngợi, mỉm cười hay ôm bé vào lòng nếu như con thực hiện những hành động lịch sự như dọn thức ăn vương vãi, chào người hàng xóm hay biết nói lời cảm ơn, xin lỗi... với người khác. Sự động viên, khích lệ của bạn sẽ khiến bé hứng khởi, tích cực lặp lại thời gian sau này. Hãy trân trọng những cố gắng, ý thức của con, dù cho bé có cất lời chào véo von với bất kỳ ai trên phố.
3. Giải thích dễ hiểu cho con
Trẻ con luôn muốn được bố mẹ giải thích cặn kẽ từ những chuyện vô cùng nhỏ nhặt trong đời sống, vì vậy nhiều bậc phụ huynh chóng mặt khi lúc nào cũng phải trả lời câu hỏi "tại sao" của các con. Nếu con còn quá nhỏ, bạn không nhất thiết phải giải thích rõ ngọn ngành, hãy nói với bé một cách đơn giản, dễ hiểu hơn. Tuyệt đối không dùng đồ vật như kẹo, bánh, bim bim... để dụ bé làm. Thói quen này có thể khiến con bạn chỉ khoanh tay xin, chỉ cám ơn khi người lớn giơ ra những vật chúng cần.
4. Kiên nhẫn dạy con
Bạn đã dùng mọi "chiêu bài" để dạy bé cách dọn đồ chơi sau khi chơi, im lặng khi vào rạp chiếu phim, giơ tay che mồm khi ngáp, hay không vứt thức ăn vung vãi ra bàn... mà vẫn không ăn thua. Đừng nên bỏ cuộc, chán nản, hãy từ từ dạy con lại từ đầu. Bạn hãy dành thời gian nhiều hơn để chơi, quan tâm, theo sát từng hành động của con. Không thể dạy con quá nhiều thứ cùng một lúc, và đòi hỏi chúng quá nhiều. Bạn có thể răn đe nếu con có những hành động quá trớn, vô lễ. Cần phải uốn nắn, sửa sai cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ.
5. Không so sánh, đặt áp lực cho con
Đừng bao giờ nhìn trẻ con hàng xóm, con nhà đồng nghiệp để so sánh, đề ra quá nhiều áp lực cho con. Con bạn có thể nhận thức chậm hơn một chút, bắt chước các hành động không nhanh bằng các bạn cùng trang lứa, đừng quá sốt ruột về điều đó, dần dần khi lớn lên chúng sẽ hiểu được mọi chuyện. Vai trò của bạn là dạy dỗ con những phép lịch sự tối thiểu một cách nhẹ nhàng, không quát nạt, la lối.
Tác giả: Vân Tiên