Có nên ăn tỏi mọc mầm không?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người lo ngại rằng tỏi mọc mầm có thể ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Điều này có đúng không?

Có nên ăn tỏi mọc mầm không?

Tỏi là loại gia vị quan trọng đối với nhiều món ăn. Khi nấu ăn, chỉ cần thêm một chút tỏi, hương vị sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, tỏi cũng chứa nhiều dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe, giúp phòng ngừa bệnh tật. Đa số các gia đình sẽ mua một lượng tỏi nhất định để tiện sử dụng trong quá trình nấu nướng. Tuy nhiên, nhiều người gặp phải tình trạng trong quá trình bảo quản, tỏi bị mọc mầm. Vậy tỏi mọc mầm nên ăn hay bỏ?

Tỏi mọc mầm là dấu hiệu của việc củ tỏi đó đã già chứ không phải hỏng. Tỏi già gặp điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp sẽ mọc mầm. Bạn vẫn có thể sử dụng tỏi mọc mầm để nấu ăn. Tuy nhiên, nếu thấy tỏi có đốm đen thì không nên sử dụng, do đó là tỏi đang bị hỏng.

Phần mầm tỏi có mùi khá mạnh nên bạn có thể cắt và loại bỏ phần màu xanh của mầm tỏi khi nấu. Phần mầm tỏi này có thể ăn được nên nếu thích, bạn hoàn toàn có thể giữ lại để chế biến.

Tỏi mọc mầm vẫn có thể sử dụng bình thường.

Mầm tỏi có nhiều lợi ích đối với sức khỏe hơn tỏi thông thường. Quá trình mọc mầm làm tỏi sinh ra các hóa chất thực vật, có thể hạn chế sự lây lan của một số chất gây bệnh nhất định. Ngoài ra, tỏi mọc mầm cũng giàu chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do làm tổn thương tế bào.

Tỏi mọc mầm có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ tim mạch.

Cách bảo quản tỏi

- Bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát

Cách đơn giản nhất để bảo quản tỏi là cho tỏi vào túi lưới rồi treo ở nơi khô ráo, thoáng mát.

- Bảo quản tỏi với trà xanh

Bạn có thể lấy một nhúm trà khô bọc trong khăn giấy hoặc lấy một gói trà túi lọc bỏ vào trong túi nilon đựng tỏi. Dùng tay ép hết không khí bên trong túi ra ngoài và buộc chặt miệng túi. Để túi tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

- Bảo quản tỏi bằng muối rang

Hãy lấy khoảng 60 gram muối hạt, cho vào chảo rang khô đến khi muối chuyển màu vàng. Để muối nguội và cho vào trong một chiếc túi vải hoặc gói trong giấy ăn. Bỏ túi muối rang vào túi nilon đựng tỏi, ép hết không khí bên trong ra và buộc chặt miếng túi. Để túi tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát.

- Bảo quản tỏi bằng gạo

Bạn có thể phơi cho tỏi thật khô rồi vùi vào trong thùng gạo. Đậy kín nắp thùng gạo. Cách này không chỉ giúp bảo quản tỏi được lâu mà còn ngăn mọt gạo rất tốt.

- Bảo quản tỏi bằng baking soda

Nếu mua nhiều tỏi và cần bảo quản trong thời gian dài, bạn nên dùng baking soda. Hãy chuẩn bị một thùng giấy có kích thước đủ lớn để đựng tỏi. Trải một lớp giấy báo hoặc khăn giấy khô ở dưới đáy thùng. Xếp một lượt tỏi và thùng và rắc baking soda lên trên. Đặt một lớp giấy báo hoặc khăn giấy lên trên rồi lại tiếp tục xếp tỏi. Xếp tỏi và rắc baking soda xen kẽ nhau đến khi hết. Phủ một lớp giấy báo hoặc khăn giấy ở trên cùng, đóng nắp hộp.

Để hộp tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Cả hộp giấy, khăn giấy/giấy báo và baking soda đều có tác dụng hút ẩm, giúp tỏi bảo quản được lâu hơn, không lo bị nảy mầm.

Tác giả: Thanh Huyền