“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là thế nào?
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Điều này nói lên sự thương yêu con cháu của đa số những bà mẹ, những bà nội bà ngoại đối với con cháu bằng con tim và cảm xúc chứ không phải bằng lý trí. Dĩ nhiên là một đứa con bị hư không chỉ tại bà mẹ, bà nội hay bà ngoại của chúng, nhưng cũng có thể tại người cha, những anh chị em trong gia đình, những bạn bè, những lối giáo dục trong học đường, những hủ tục và những ảnh hưởng xấu của một nền văn hóa kém đạo đức và luân lý. Câu tục ngữ này nói lên sự liên hệ mất thiết của những đứa trẻ đối với những bà mẹ, bà nội bà ngoại của chúng, và chúng chịu ảnh hưởng nhiều từ những cách giáo dục và lối ứng xử của những người mà chúng thường xuyên tiếp cận.
Quan niệm trên cũng xuất phát từ một thực tế đó là từ chính sự yêu thương con cái một cách thái quá của người phụ nữ, họ đã yêu thương, nuông chiều quá mức để những đứa con ấy mang trong đầu suy nghĩ chúng là “tất cả” để rồi hư hỏng, thậm chí trở thành “nghịch tử”. Người mẹ sinh ra đứa con luôn yêu thương con hết mực bằng tình mẫu tử. Vì tình thương yêu quá lớn mà quên đi rằng: cần phải giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc và có quy tắc gia đình rõ ràng. Sự thương yêu con cháu của đa số những bà mẹ, những bà nội, bà ngoại đối với con cháu bằng con tim và cảm xúc, chứ không phải bằng lý trí. Người mẹ không dám sửa phạt con cái, vì người mẹ sợ chúng sẽ oán giận và không còn yêu thương mình nữa. Ngược lại, cũng có những bà mẹ lại quá khắt khe với những đứa con. Cách dạy con “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của một số người mẹ không hiếm gặp trong cuộc sống mà ngược lại đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hậu quả là những đứa con đó bị stress và thường tỏ ra những thái độ phản kháng. Chúng chỉ đợi đến tuổi trưởng thành là chúng thoát ly khỏi gia đình, không muốn nhìn mặt cha mẹ chúng nữa.
Quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có còn phù hợp?
Xưa nay các cụ vẫn cho rằng: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Quan niệm ấy một phần xuất hiện do hoàn cảnh xã hội. Ngày xưa, người phụ nữ chủ yếu ở nhà và tập trung cho việc tề gia nội trợ, chăm sóc con cái. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, những người đàn ông phải ra chiến trường nên mọi công việc ở nhà đều do bàn tay người phụ nữ chăm lo. Tuy nhiên, khi đất nước hòa bình trở lại thì mọi người đều phải tham gia lao động, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đã bước ra xã hội làm việc. Họ không chỉ tập trung vào việc tề gia nội trợ như trước nữa mà người phụ nữ vẫn ngày ngày lao động vun đúc cho hạnh phúc gia đình, không những lao động lo cho cuộc sống gia đình mà những người phụ nữ còn tham gia vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội trong đó có những lĩnh vực mà trước đây chỉ có đàn ông mới được tham gia như: chính trị… Có nhiều người vợ cũng đi làm kiếm tiền, về nhà lại còn phải lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi theo hướng tiến bộ tuy nhiên quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thì lại không được thay đổi theo hướng tích cực hơn. Đa số đàn ông vẫn cho rằng cho rằng: Đàn ông là phải làm “công to việc lớn” mặc dù những người vợ cũng không thể hiểu nổi “công to việc lớn” ở đây là việc gì? Vì vậy, đàn ông cho rằng việc dạy con là trách nhiệm của vợ chứ không phải của cả hai vợ chồng. Có nhiều ông chồng rất gia trưởng. Về đến nhà là ôm lấy cái ti vi hay mấy tờ báo, chứ không bao giờ phụ giúp vợ làm việc nhà. Việc học hành, nuôi dạy con cái cứ giao phó cho vợ. Đến khi con hư thì đổ hết trách nhiệm cho người mẹ.
Nguyên nhân khiến cho những đứa con ngoan trở thành “hư” phần lớn là lỗi của cả cha lẫn mẹ chứ không phải của riêng ai. Một đứa con bị hư không chỉ tại mẹ hay bà của chúng, cũng có thể tại người cha, những anh chị em trong gia đình, những bạn bè, những lối giáo dục trong học đường, những ảnh hưởng xấu của một nền văn hóa kém đạo đức và luân lý. Bởi thế, trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình xưa nay tuy phần lớn thuộc về người phụ nữ nhưng kết quả của việc dạy dỗ như thế nào thì còn tùy thuộc rất nhiều vào môi trường sống, những người xung quanh. Do đó, mọi người cần tôn trọng và lắng nghe nhau, biết trân trọng những giá trị luân lý đạo đức, tạo mội trường sống lành mạnh để cùng nhau nuôi dạy con cái. Con cái là “tài sản” chung của cả bố và mẹ, vì vậy, trách nhiệm dạy con là của hai vợ chồng. Hãy cùng nhau nuôi dạy con cái, đừng để khi những đứa con đã “hư” rồi lại quy trách nhiệm “con hư tại mẹ”bởi những đứa “con hư” không chỉ tạ mẹ hay tại bà!
Tác giả: Nguyễn Ái